Đừng vì yêu quá mà khoe

CAO CHƯ

VHO - Thiên tính cũng như tình cảm, đạo đức khiến con người thương yêu con đến vô hạn. Thấy con lớn khôn, xinh đẹp, giỏi giang, các bậc cha mẹ đều mừng. Từ đấy bậc cha mẹ xưa thường khoe con mình trong các cuộc tiếp xúc trực tiếp, còn ngày nay nó được đưa lên mạng xã hội. Mạng xã hội tức thì lây lan khắp chốn, nhanh như chớp, ai cũng có thể biết được. Người ta không mất gì lời khen, khen thì người khoe con lại cảm thấy hứng thú, và lại tiếp tục khoe.

Không khó khi lướt mạng xã hội để thấy hiện tượng này. Anh này có vẻ thích con theo nghề bóng đá, khoe con với hình cậu bé đang ghi bàn. Chị kia thì khoe con đẹp. Kẻ khoe con học giỏi, người khoe con hát hay. Muôn hình vạn trạng chuyện khoe con, bên cạnh việc khoe chính bản thân mình. Lại có những “tác giả” chuyên khoe con dùm cho người khác cho nó có vẻ “khách quan”. Sự khoe con kể ra cũng là chuyện bình thường nhưng suy ngẫm thật kỹ lại thấy bất thường. Bình thường là bởi vì tình thương, các bậc cha mẹ đều muốn con mình lớn khôn, muốn chia sẻ niềm vui với người khác. Nhưng bất thường là ở chỗ, tự thân con mình có muốn vậy không? Sự khoe khoang như vậy là lợi hay hại cho con trẻ? 

Đứng ở góc độ quyền cá nhân, nếu con mình đã không muốn mà bậc cha mẹ cứ đưa lên mạng khoe khoang, chính là vi phạm quyền cá nhân của nó. Thuở nhỏ ai cũng từng ít nhiều khó chịu khi cha mẹ phạm đến cá nhân quá nhiều, như được ăn gì không được ăn gì, mặc áo gì không mặc áo gì, nếu không phải vì quy tắc đạo đức mà vì sở thích cá nhân của bậc làm cha mẹ, thì nó chỉ làm cho con cái cảm thấy mất tự do. Khi khoe con mà chính con lại không muốn khoe, con cũng sẽ phật ý. 

Đứng ở góc độ truyền thông, có khi sự khoe cũng có thể kích thích con cái phấn đấu theo hướng tốt đẹp, các bậc cha mẹ cũng phấn khích vượt qua khó khăn lo cho con cái mình, khi được người khác khen ngợi. Tuy nhiên nó lại tiềm ẩn sự hại có vẻ nhiều hơn. Bản thân con cái được khoe có thể vì thế mà sinh ra tự mãn, tự phụ. Chia sẻ trên mạng xã hội nghĩa là nhiều người nắm được thông tin cá nhân, có thể đâu đó có âm mưu ám hại con trẻ. Nó lại cũng tạo ra áp lực tâm lý rất lớn cho con trẻ, nếu trong tương lai không có bước tiến như ý sẽ bị người ngoài bình luận, chê bai. Quả là “lợi bất cập hại”. 

Thế nhưng lại có rất nhiều người có sở thích khoe con trên mạng xã hội. Việc làm này liệu có nên chăng? Giới chuyên gia truyền thông cũng như cơ quan chức năng đã không ít lần đưa ra những khuyến cáo, rằng việc khoe con lên mạng như vậy đã vô tình để lộ, lọt những thông tin cá nhân của con cái, và đây là điều những kẻ xấu lợi dụng để tung ra hàng loạt chiêu trò lừa đảo. Vì thế những bậc làm cha làm mẹ cũng nên hết sức cân nhắc, đừng vì “hội chứng” khoe con mà gây ra nhiều hệ lụy không đáng có. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc