Đúng là “không làm thì thiếu, làm lại thừa”

LÂM SƠN

VHO - Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong 1,5 ngày qua là câu chuyện phát triển sản phẩm du lịch đêm tại các địa phương, vì những năm qua hoạt động của mô hình du lịch này còn nghèo nàn, đơn điệu, phập phù đêm có đêm không.

Từ đó đại biểu đề nghị Bộ VHTTDL cho biết về các chính sách để du lịch đêm phát triển, sản phẩm du lịch đêm phong phú, đa dạng, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương...

Trả lời về những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định Bộ đã ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, tính toán các dòng sản phẩm, từ đó tạo ra mô hình phát triển du lịch đêm phù hợp. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận một thực tế đã từng được đề cập nhiều lần là, “không làm thì thiếu, làm lại thừa vì khách không đến”. Qua đó ông nhấn mạnh, “Bộ sẽ không thể làm thay các địa phương vì Bộ đã có đề án, có gợi ý cách làm rồi”. Quả đúng như vậy, Bộ VHTTDL là cơ quan quản lý nhà nước về Du lịch, theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL đã ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm từ tháng 7.2023 với những định hướng rất cơ bản, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể để các địa phương lấy làm căn cứ, từ đó nghiên cứu tổ chức triển khai thực hiện sao cho hiệu quả. Chứ Bộ khó có thể “cầm tay chỉ việc” cho từng địa phương.

Nói cách khác, trên cơ sở đường hướng ấy của Bộ, như nhiều chuyên gia nhận định, chính lãnh đạo các địa phương là người phù hợp nhất để đánh giá tiềm năng, lập kế hoạch và thực hiện các sản phẩm du lịch phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền. Thừa hay thiếu, hiệu quả hay không hiệu quả của sản phẩm du lịch đêm đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và tinh thần trách nhiệm cao của địa phương. Xin dẫn ra đây một ví dụ. Trường Thi là một phường trung tâm của thành phố Vinh (Nghệ An), ở nơi đó có Quảng trường Hồ Chí Minh, Công viên Nguyễn Tất Thành, Công viên Trung tâm thành phố và nhiều thiết chế văn hóa quan trọng khác. Cách đây hơn hai năm, phường này cũng đã nảy ra ý tưởng hình thành tuyến đi bộ tạo nên sản phẩm du lịch về đêm để thu hút du khách, biến nơi đây trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với đông đảo người dân mỗi dịp cuối tuần. Họ cũng đã đi tham khảo một số địa phương khác để xây dựng tuyến đi bộ về đêm.

Có thể nói một, hai tháng đầu tuyến đi bộ đó mang lại những tín hiệu khả quan, rằng có nhiều du khách đến tham gia, thụ hưởng; người dân thành phố cũng thấy phấn khích. Nhưng càng về sau, tuyến đi bộ này càng đuối vì những sản phẩm để thực sự hấp dẫn, lôi cuốn du khách và người dân đã trở nên “nhàm”, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là ăn uống, thi thoảng có biểu diễn hát hò, thiếu đi hẳn những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, giải trí có chiều sâu, mang tính thường xuyên. Và đến thời điểm này tuyến phố đi bộ ấy tồn tại theo kiểu dạng èo uột, có cũng được mà không có cũng chẳng ai hay.

Nói ra như vậy để đủ thấy, mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm không chỉ dừng lại ở cái tên gọi tuyến đi bộ, phố ẩm thực, “thánh đường” mua sắm… mà nằm ở chỗ năng lực quy hoạch, tính toán, nghiên cứu nội hàm của nó. Tuổi thọ của mô hình sản phẩm du lịch đêm còn phụ thuộc rất lớn đến địa hình, khí hậu, sự “đa di năng” của nhà tổ chức, đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của chính quyền địa phương, Sở ngành liên quan. Xây dựng ra sản phẩm mà không hề biết nuôi dưỡng thì sẽ thành “chết yểu”, vì thế xin đừng làm kiểu chạy theo phong trào. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc