Phát huy vẻ đẹp con người Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
VHO - Thành ủy TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chương trình hành động số 45-CTHĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 33.
Triển khai từ năm 2014, Nghị quyết số 33 đặt ra yêu cầu không chỉ xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, mà còn góp phần xây dựng con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh
Sau 10 năm triển khai, các kết quả đạt được tại TP.HCM không chỉ góp phần phát triển đời sống văn hóa, mà còn mang lại sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của người dân về vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của thành phố.
Trong suốt thập kỷ qua, TP.HCM đã chú trọng phát triển các mô hình văn hóa sáng tạo, nhân văn và đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời khuyến khích người dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Những phong trào thi đua yêu nước đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nhân dân, giúp xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh và ổn định. Các mô hình gia đình văn hóa, thể dục thể thao, cũng như các lễ hội truyền thống đã trở thành những giá trị sống, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của cộng đồng.
Công tác xây dựng đời sống và môi trường văn hóa đã được cải thiện. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được các cấp ủy lãnh đạo triển khai đúng chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước, ngày càng có chuyển biến tích cực.
Việc thẩm định, duyệt cấp phép các hoạt động văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động văn hóa được duy trì thường xuyên, kết hợp giữa “xây” và “chống”.
Một trong những điểm sáng trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 33 là việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Ngành công nghiệp văn hóa thành phố đã bắt đầu phát huy tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc và bản sắc riêng của TP.HCM.
Nhờ cơ chế khuyến khích đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, chất lượng sản phẩm văn hóa ở các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, thời trang và giải trí đã được nâng cao. Đồng thời, ngành công nghiệp văn hóa cũng đóng góp vào sự phát triển du lịch và giữ gìn nét đặc trưng của thành phố.
Các lễ hội, liên hoan nghệ thuật, và các sự kiện quy mô lớn đã thu hút đông đảo sự tham gia của công chúng trong và ngoài nước, từ đó nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và bản sắc văn hóa dân tộc.
TP.HCM cũng đang triển khai các biện pháp cụ thể để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển ngành, và hình thành các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo.
Đồng thời, việc xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo mặt bằng cho các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hóa đặc trưng cũng được chú trọng. Các kế hoạch nghiên cứu và tham vấn quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực điện ảnh, sẽ là cơ sở quan trọng để tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Tuy nhiên, Thành ủy TP.HCM nhận định, cơ chế, chính sách đặc thù triển khai nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương chưa phù hợp với sự phát triển của Thành phố.
Công tác đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thành phố tuy đạt được một số kết quả nhưng chưa tương xứng với tầm vóc của một đô thị phát triển.
Quy hoạch phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội chưa gắn bó chặt chẽ và thiếu đồng bộ với phát triển văn hóa; nhiều chương trình, dự án còn nặng về lợi ích kinh tế, xem nhẹ yếu tố văn hóa, môi trường…
Tiếp tục phát triển và kết nối văn hóa với kinh tế
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá việc triển khai Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) vào các hoạt động văn hóa, đời sống và xã hội tại TP.HCM ngày càng có những kết quả rõ nét.
Sau 10 năm thực hiện, nhận thức về văn hóa đã được nâng cao và sự quan tâm thực sự từ các cấp ủy, chính quyền và các lực lượng liên quan đã góp phần thúc đẩy đầu tư có hiệu quả cho lĩnh vực này. Cụ thể, vai trò của văn hóa trong sự phát triển của TP.HCM đã trở nên rõ ràng và đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của thành phố.
“Nếu đánh giá trong 10 năm qua thì chỉ tiêu về văn hóa đều đạt. Điều này đã tạo ra nền tảng tinh thần, là đóng góp rất quan trọng để TP có thêm động lực xây dựng và phát triển.
Xác định được điều quan trọng đó, TPHCM đã ban hành đề án phát triển công nghiệp văn hóa, xác định có 8 trụ cột trong công nghiệp văn hóa TP đã có đầu tư, triển khai và có kết quả bước đầu”, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục phát triển và kết nối văn hóa với kinh tế, giữa văn hóa dân tộc và văn hóa quốc tế để tiếp thu các giá trị tiến bộ, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng chỉ ra một số hạn chế, như các công trình thiết chế văn hóa trọng điểm còn chậm triển khai, ngoại giao văn hóa chưa phát huy hết tiềm năng, và không gian văn hóa Hồ Chí Minh chưa lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là việc duy trì các hoạt động trong không gian văn hóa này.
Để khắc phục những hạn chế và phát huy kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong thời gian tới. Cụ thể, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ chủ trì việc cập nhật và bổ sung chương trình hành động tiếp tục triển khai Nghị quyết 33 và các giá trị văn hóa đặc trưng của TP.HCM, đặc biệt là các chuẩn mực về gia đình và con người Sài Gòn - TP.HCM.
Đồng thời, UBND TP sẽ xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung này, đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa ở từng cơ quan, đơn vị, gia đình và trong cộng đồng dân cư.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu phải xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, đồng thời rà soát và làm bài bản công tác xây dựng môi trường văn hóa tại các cơ quan, đơn vị, gia đình và trong ngành giáo dục, đặc biệt là trong các trường học.
Ngoài ra, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị cần phát huy môi trường văn hóa trong cộng đồng dân tộc, tôn giáo và tiếp tục xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Ông cũng khẳng định cần tiếp tục thực hiện đề án phát triển công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, với mục tiêu đưa TP.HCM trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa mạnh của ASEAN. Thành phố cần tập trung đầu tư vào công nghiệp văn hóa có trọng tâm, không dàn trải.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng cho biết, TP.HCM đang hướng tới việc xây dựng thành phố sự kiện, thành phố trải nghiệm giải trí, với các hoạt động văn hóa gắn liền với kinh tế.
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh vai trò của người dân trong việc sáng tạo và thụ hưởng văn hóa, đồng thời yêu cầu phải nâng cao chất lượng bảo tồn và phát huy di tích, di sản văn hóa dân tộc, cũng như tăng cường các hoạt động giao lưu quốc tế.
TP.HCM cần tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để hỗ trợ nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa trong tương lai.