Lễ hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ):
Làm sao để an toàn, văn minh?
VHO - Dù đã tạm dừng không tổ chức phần tranh phết từ năm 2019 bởi đại dịch Covid-19 cũng như chưa có phương án tổ chức an toàn, nhưng đến nay, một kịch bản nhằm giải “bài toán” quản lý và tổ chức lễ hội từng là “điểm nóng” này vẫn tiếp tục được đặt ra.
Tại hội thảo khoa học “Lễ hội Phết Hiền Quan - Nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý, tổ chức” mới diễn ra, một lần nữa “đề bài” về phương án khoa học, phù hợp với hội Phết Hiền Quan được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đặt ra một cách rốt ráo.
Đưa lễ hội trở về với giá trị truyền thống
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Lương Đức Thắng lưu ý, sau sáu năm không tổ chức phần tranh phết, nếu muốn tổ chức trở lại, cần hoàn thiện Đề án đổi mới công tác quản lý, tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan. Trong đó, chú trọng các nội dung như chuyển đổi hình thức tranh phết sang hướng thực hành nghi lễ đánh phết; hạn chế số lượng người tham gia đánh phết; quy định rõ trách nhiệm của BTC, người tham gia thực hành nghi lễ đánh phết, người tham gia hội để tránh hiện tượng tranh cướp, giẫm đạp lên nhau dẫn tới ẩu đả mất kiểm soát.
“Có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội; xây dựng hàng rào kiên cố quanh khu vực đánh phết; quy hoạch khu vực dịch vụ, vệ sinh môi trường…”, Phó Cục trưởng Lương Đức Thắng nhấn mạnh. Cũng theo ông Thắng, cần chú trọng định hướng về giá trị, ý nghĩa của lễ hội thông qua việc nghiên cứu, xác định lại tên gọi lễ hội. Theo truyền thống không có tên gọi “cướp phết”, “đánh phết” như dư luận vẫn nhắc tới trong nhiều năm qua. Công tác truyền thông báo chí cũng cần được chú trọng nhằm đảm bảo những thông tin chính xác, tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn, giá trị của lễ hội, “gạn đục khơi trong”, đẩy lùi và xóa bỏ những hiện tượng bạo lực, phản cảm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ, địa phương mong muốn sẽ sớm tìm được những giải pháp tạo đồng thuận của cộng đồng, tổ chức lễ hội phù hợp với truyền thống dân gian, các yếu tố văn minh cũng như các quy định pháp luật. “Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý để định hướng địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ tổ chức hội Phết, hướng tới là trung tâm văn hóa-thể thao- lễ hội của xã Hiền Quan cũng như đảm bảo các yếu tố, điều kiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản hội Phết, hướng tới xây dựng thành công Đề án đổi mới cách thức tổ chức hội Phết”, ông Hùng chia sẻ. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, để tổ chức hội Phết một cách trật tự và đảm bảo tính truyền thống cần tuân thủ một số nguyên tắc, trong đó hàng đầu là nguyên tắc tôn vinh truyền thống. Điều này đóng vai trò cốt lõi, giúp duy trì và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của hội Phết Hiền Quan. “Việc duy trì các nghi lễ truyền thống như rước kiệu, dâng hương, tế lễ và cướp phết trong lễ hội không chỉ là biểu hiện của lòng kính trọng, mà còn là một phần không thể thiếu để gợi nhắc những giá trị cốt lõi của lễ hội. Các nghi lễ này không chỉ dừng lại ở việc tưởng nhớ quá khứ, mà còn tạo ra một không gian giáo dục văn hóa và lịch sử sống động cho các thế hệ trẻ…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đề xuất, huyện Tam Nông nên tổ chức một đề tài hoặc một hội thảo khoa học liên ngành để tìm các giải pháp khắc phục thiếu sót, bất cập trong tổ chức và quản lý lễ hội Hiền Quan. Trên cơ sở đó, có thể nghiên cứu xây dựng lại kịch bản lễ hội với các quy chế tổ chức, quản lý lễ hội thật sự phù hợp và hiệu quả. Trong dân gian hay trong cuộc sống đời thường, đã có trò chơi là phải có luật chơi. Luật chơi là do người chơi tự đặt ra để phân định thắng thua một cách thuyết phục. Càng là trò chơi cộng đồng lớn, yêu cầu cạnh tranh cao, trò chơi gắn với nguồn cội tổ tiên, gắn với văn hóa tâm linh, văn minh lịch sự như hội phết Hiền Quan thì càng cần phải có luật chơi chặt chẽ và chuẩn xác.
Đảm bảo an toàn, văn minh, xóa bạo lực
Theo ông Lương Đức Thắng, thời gian qua, lễ hội Phết Hiền Quan có nội dung diễn ra chưa đúng với truyền thống của lễ hội, đặc biệt là phần tranh phết, dẫn đến bị nhìn nhận tiêu cực, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng đây là một lễ hội có nhiều yếu tố phản cảm, bạo lực. Đây là nội dung cần có giải pháp trong thời gian tới.
“Công tác quản lý và tổ chức lễ hội này cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, loại bỏ các yếu tố, hành vi không đúng với giá trị truyền thống. Một yếu tố quan trọng là phải đưa lễ hội trở về với cộng đồng, lấy ý kiến của người dân về những mong muốn bảo tồn, phát huy nét đẹp cội nguồn văn hóa truyền thống; đồng thời kiểm soát chặt chẽ không để người ngoài địa phương tự do vào tranh phết, dẫn đến quá tải và nguy cơ mất an toàn”, ông Thắng nhấn mạnh. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội là một yếu tố then chốt, nhất là với hội Phết Hiền Quan là một lễ hội truyền thống thu hút đông đảo người dân địa phương cũng như du khách thập phương. “Trò đánh Phết vốn nổi tiếng với tính chất cạnh tranh quyết liệt và hấp dẫn, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro do lượng người tham gia và cổ vũ rất đông, cùng với tính chất sôi động của trò chơi. Điều này đòi hỏi BTC phải đặc biệt chú trọng đến việc thiết lập các biện pháp an ninh nhằm bảo vệ sự an toàn cho tất cả những ai tham gia”, ông Sơn lưu ý.
Theo nhiều chuyên gia, việc duy trì trật tự, đảm bảo an toàn không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người tham gia mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của lễ hội, tạo điều kiện để người dân và du khách tham gia đánh Phết một cách tích cực, không lo ngại nguy hiểm. Ngược lại, nếu không kiểm soát tốt an ninh, những tình huống chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến thương vong hoặc những sự cố đáng tiếc, làm giảm tính hấp dẫn của lễ hội và ảnh hưởng đến uy tín của địa phương. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến sự an toàn của người tham gia, mà còn gây ra những hậu quả không mong muốn về mặt xã hội và văn hóa. Nhấn mạnh thêm về nguyên tắc hạn chế bạo lực và bảo vệ tài sản công cộng trong hội Phết, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu, điều này không chỉ nhằm duy trì trật tự mà còn góp phần giữ gìn ý nghĩa truyền thống, gắn kết cộng đồng. Khi đánh phết, đông người dễ dẫn đến xô xát, bạo lực, không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn của người tham gia mà còn làm méo mó, giảm giá trị văn hóa của lễ hội, gây nên sự lo lắng trong cộng đồng, phá hủy tài sản công cộng, cơ sở vật chất của làng.
Nguyên Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ Phạm Bá Khiêm lưu ý: “Đừng để mục tiêu kinh tế, thương mại hóa, mê tín… lấn át giá trị truyền thống, giá trị đạo đức, giá trị nhân văn trong thực hành lễ hội. Bởi, không có lễ hội bạo lực, lễ hội phản cảm… mà chỉ có những hành động phản cảm, bạo lực của các cá thể người tham gia lễ hội”. Ông Khiêm nhấn mạnh, việc tổ chức lễ hội sao cho vừa giữ được hồn cốt văn hóa của dân tộc, vừa phù hợp với xu hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Những mặt trái trong lễ hội dân gian truyền thống ở các vùng quê thật đáng trăn trở, nó có thể ít nhiều mang lại sự tăng thu nhập cho người dân sở tại, song sự băng hoại về tinh thần và sự hủy hoại giá trị di sản văn hóa thì không gì có thể bù đắp được. Hội Phết Hiền Quan chỉ có thể khôi phục nếu có kịch bản phù hợp, địa điểm thuận lợi và phương án bảo vệ tốt. n
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội này cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, loại bỏ các yếu tố, hành vi không đúng với giá trị truyền thống. Một yếu tố quan trọng là phải đưa lễ hội trở về với cộng đồng, lấy ý kiến của người dân về những mong muốn bảo tồn, phát huy nét đẹp cội nguồn văn hóa truyền thống; đồng thời kiểm soát chặt chẽ không để người ngoài địa phương tự do vào tranh phết, dẫn đến quá tải và nguy cơ mất an toàn.
(Ông LƯƠNG ĐỨC THẮNG, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở)