TP.HCM:
Trao giải CVĐ sáng tác Thơ ca - lý - hò - vè năm 2024
VHO - Ngày 24.12, Trung tâm Văn hóa TP.HCM tổ chức tổng kết và trao giải CVĐ sáng tác Thơ ca - lý - hò - vè Việt Nam năm 2024với chủ đề “Nông thôn ngày mới”. BTC cuộc thi đã nhận được 118 tác phẩm tham gia.
CVĐ Thơ ca – lý – hò – vè Việt Nam được phát động kể từ ngày 30.7.2024. Sau CVĐ, BTC đã thu nhận được tổng số 118 tác phẩm từ các thể loại thơ ca, thơ phổ nhạc, lý - hò - vè…
Đây là những tác phẩm đầy sắc màu văn hóa dân gian - dân tộc, mà các tác giả đã mang đến cho CVĐ sáng tác lời mới lần này một dấu ấn riêng.
Đánh giá về CVĐ và tác phẩm tham dự, NGƯT - ThS - Đạo diễn Nguyễn Hữu Diệu Đức cho biết: CVĐ sáng tác với chủ đề “Nông thôn ngày mới” đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, nhạc sĩ và những người yêu thích văn hóa dân gian từ khắp các quận huyện trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh, thành trong cả nước.
Với mục đích tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật Thơ ca - lý - hò - vè. Cuộc thi đã trở thành sân chơi bổ ích để các thế hệ cùng nhau giao lưu, sáng tạo và lan tỏa vẻ đẹp của di sản này.
CVĐ sáng tác đã có được 118 tác phẩm tham gia, trong đó gồm 40 tác phẩm thơ ca; 72 tác phẩm lý - hò - vè và 6 tác phẩm là ca khúc phổ từ thơ.
“Mặc dù số lượng các tác phẩm tham dự chưa được nhiều lắm so với mặt bằng chung; Thế nhưng, Hội đồng giám khảo đánh giá khá cao chất lượng các bài dự thi năm nay. Các tác phẩm đều thể hiện sự đầu tư nghiêm túc cả về nội dung lẫn hình thức”, NGƯT Diệu Đức nhận định.
Theo Hội đồng giám khảo, nhiều bài dự thi không chỉ đi đúng chủ đề về nông thôn mới mà còn khai thác sâu sắc các đề tài về gia đình, quê hương, tình yêu đất nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các tác giả đã sử dụng ngôn ngữ dân gian giàu hình ảnh và âm điệu, bám sát tinh thần của nghệ thuật thơ ca – lý - hò - vè; đưa ra những sáng tạo mới mẻ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống phù hợp với đời sống đương đại.
Nhiều tác phẩm đã sáng tác giai điệu của vùng miền Bắc Trung Nam rất đa dạng như: bên cạnh lý Năm Căn, lý Bông dừa, lý Cái Mơn của Nam Bộ thì có lý Cây đa, Hát chèo của miền Bắc, Dân ca Ví dặm xứ sở Nghệ An - Hà Tĩnh.
Điểm đặc biệt là có tác phẩm sử dụng từ 4 đến 5 làn điệu để thể hiện trong một nội dung, tạo nên sự phong phú. Một số tác giả tham gia dự thi với tới 5 tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau.
Tuy nhiên, Hội đồng giám khảo cũng nhận định, bên cạnh đó vẫn còn mặt hạn chế cần rút kinh nghiệm. Một số tác phẩm bị trùng lặp về ý tưởng, một số ít bài chưa thật sự sâu sắc hoặc không đạt yêu cầu về cấu trúc và nhịp điệu.
Cũng có tác phẩm không đúng chủ đề của cuộc vận động sáng tác. Một số bài vì chạy theo ý tưởng đã khiến lời ca bị cưỡng âm theo giai điệu. Đáng tiếc, đã có trường hợp bị loại vì vi phạm nội quy và quy định của cuộc thi.
Theo NGƯT Diệu Đức, CVĐ sáng tác năm nay đã chứng minh sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật Thơ ca - lý - hò - vè trong đời sống hiện đại.
Hội đồng giám khảo mong muốn mở rộng quy mô cuộc thi trong những năm tới, đặc biệt là hướng đến đối tượng trẻ, nhằm bảo đảm tính kế thừa, quảng bá tác phẩm xuất sắc, và hỗ trợ các nghệ nhân, tác giả trong việc ghi âm, xuất bản, phổ biến tác phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hoài Phượng – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa TP.HCM, Trưởng BTC nhấn mạnh: Lịch sử Thơ ca - lý - hò - vè của dân tộc ta, từ khởi nguồn tới nay chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh của đất nước. Ở mỗi thời kỳ, chúng luôn đồng hành, trở thành vũ khí sắc bén của dân tộc để xây đắp nền văn hiến và duy trì sự phát triển cả về đời sống văn hóa vật chất lẫn tinh thần của người dân Việt Nam.
“Tôi rất vui mừng khi nhận thấy phần lớn các tác giả tham gia CVĐ sáng tác lần này với tinh thần trách nhiệm cao, lao động bằng tri thức nghệ thuật, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Thơ ca - lý - hò - vè truyền thống của nước ta. Đồng thời, các tác phẩm mới đã giới thiệu, quảng bá và lan tỏa các loại hình diễn xướng dân gian, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tôi xúc động khi thấy nhiều tác giả từ miền Bắc, miền Trung, và ĐBSCL đã nhiệt tình tham gia CVĐ sáng tác do TP.HCM phát động. Tôi xin chân thành cảm ơn các tác giả đã cùng BTC tạo ra những tác phẩm có ý nghĩa, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa nông thôn TP.HCM", bà Hoài Phượng chia sẻ.
Kết quả cuộc thi, BTC đã trao tổng cộng 34 giải thưởng.
Ở thể loại dân ca lý – hò – vè, có 2 giải Nhất với tác phẩm Nông thôn ngày mới (tác giả Nguyễn Văn Hồ) và Người chiến sĩ em yêu (tác giả Trần Thanh Quang); bên cạnh đó BTC trao 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 6 giải Khuyến khích.
Ở thể loại ca khúc thơ phổ nhạc, có 1 giải Nhì và 3 giải Khuyến khích, trong đó giải Nhì thuộc về tác giả Nguyễn Thị Xuân Hoan với ca khúc Nhịp cầu nhân tâm (thơ: Trịnh Xuân Đạo).
Ở thể loại thơ ca, giải Nhất được trao cho tác phẩm Yêu hoài hai tiếng nông thôn (tác giả Huỳnh Trần Trung Tân); bên cạnh đó BTC trao 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.
BTC cũng trao 5 giải thưởng phụ: Tác phẩm viết về TP.HCM hay (ấn tượng) với Sài Gòn mến yêu; Tác phẩm viết về Bác Hồ hay (ấn tượng) với Từ miền Nam gửi câu Ví Dặm kính dâng Người; Tác phẩm viết về Nông thôn mới ấn tượng, có 3 tác phẩm: Củ Chi ngày mới, Niềm vui cùng Nông thôn mới và Cần Giờ ngày mới.