Những người truyền cảm hứng

THU SÂM (từ Paris, Pháp)

VHO - Trong dặm dài tác nghiệp của phóng viên Văn Hóa, tôi gặp nhiều bà con Việt kiều tại Paris (Pháp). Với họ, việc Việt Nam có VĐV được thi đấu tại Olympic đã là niềm tự hào, vinh dự lớn.

Những người truyền cảm hứng - ảnh 1
Các VĐV Phạm Thị Huệ, Hà Thị Linh, Nguyễn Thị Hương giao lưu với cộng đồng người Việt Nam tại Pháp

 Được xem các VĐV Việt Nam tranh tài là niềm vui lớn

Từng hỗ trợ cho Đoàn Thể thao Việt Nam từ lúc sang cho đến quá trình thi đấu và tổ chức buổi giao lưu giữa cộng đồng người Việt Nam với Đoàn Thể thao Việt Nam, với Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, đạo diễn, NSƯT Tăng Thanh Sơn, việc được xem các VĐV Việt Nam tranh tài tại Olympic đã là niềm vui lớn.

“Tôi thấy chỉ riêng việc các em giành được những tấm vé chính thức để được có mặt tại đấu trường lớn nhất thế giới này đã là chiến thắng rồi. Còn mơ ước giành được huy chương thì ai cũng muốn nhưng để có được tấm huy chương tại đấu trường danh giá này là rất khó. Dẫn đầu bảng xếp hạng hiện tại đang là các cường quốc lần lượt là Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Australia, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khu vực Đông Nam Á, Philippines đang nổi trội với việc giành được tới 2 HCV, do công của VĐV Carlos Yulo. Nhưng đây là VĐV vượt trội của khu vực Đông Nam Á và đã vươn tầm thế giới lâu rồi, chúng ta chưa có được những VĐV tầm cỡ như thế. Với cá nhân tôi, tôi rất trân trọng thành tích đứng thứ 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi và thứ 7 ở nội dung 25m súng ngắn thể thao của Trịnh Thu Vinh. Giữa đấu trường lớn và khắc nghiệt như thế mà cháu vẫn lọt vào top những VĐV mạnh nhất thế giới như vậy quả là đáng tự hào. Còn với Nguyễn Thị Thật, có tới 93 VĐV thi đấu và Thật đã nỗ lực để về đích ở vị trí thứ 73. Cháu cũng là VĐV có thứ hạng cao nhất của Đông Nam Á. Nội dung này có tới 14 VĐV bỏ cuộc. Điều này cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của Thật đến mức nào. Cháu Thật cũng là VĐV đầu tiên của Xe đạp Việt Nam giành được vé chính thức dự Olympic Paris nên tôi thấy như thế là nỗ lực nhiều rồi”, ông Tăng Thanh Sơn bày tỏ.

Ngay từ khi Đoàn Thể thao Việt Nam chưa sang Pháp thi đấu, Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Pháp đã theo dõi sát thông tin về Đoàn. Khi các VĐV, HLV sang Pháp, Ban truyền thông của Hội cũng đã lập một tổ chuyên cập nhật thông tin về tình hình thi đấu của các VĐV Việt Nam đăng trên trang fanpage của Hội có hơn 25.000 lượt người theo dõi và nhóm facebook có hơn 70.000 người theo dõi. Hội cũng khuyến khích các bạn sinh viên đang sinh sống, học tập, làm việc tại Pháp theo dõi trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Có nhiều nhóm sinh viên tại Pháp tổ chức tham gia cổ vũ trực tiếp. Hội cũng đã hỗ trợ cờ Tổ quốc, áo có hình cờ Tổ quốc để các bạn mang hình ảnh Việt Nam ra sân chơi lớn nhất thế giới cổ vũ, nhằm tiếp lửa, tiếp thêm sức mạnh cho các VĐV khi phải căng mình thi đấu tại đấu trường lớn nhất thế giới.

“Với chúng tôi, việc các VĐV Việt Nam được xuất hiện tại Olympic lần này với cờ đỏ, sao vàng của Tổ quốc đã là niềm vinh dự lớn với người Việt Nam tại Pháp. Chúng tôi không đặt kỳ vọng nhiều vào thành tích của các em, vì VĐV các nước được đầu tư lâu dài và kỹ lưỡng về cả thể chất lẫn trình độ chuyên môn. Chúng tôi mong VĐV của chúng ta cố gắng thi đấu hết sức mình tại kỳ Olympic này. Đây là cơ hội để các em cọ xát trước các đối thủ hàng đầu thế giới để có kết quả tốt hơn trong tương lai. Chúng tôi cũng mong qua kỳ Olympic này không chỉ các HLV, VĐV mà các nhà quản lý của thể thao Việt Nam cũng sẽ học hỏi được nhiều điều để tập trung đầu tư vào các môn thế mạnh như kinh nghiệm của nhiều nước hoặc có chiến lược đào tạo VĐV dài hạn, có tính kế thừa, liên tục. Hội cũng mong được hỗ trợ nếu các bạn VĐV sang Pháp hoặc các nước châu Âu tập huấn, thi đấu”, Chủ tịch Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Pháp Nguyễn Phan Bảo Thụy chia sẻ.

Những người truyền cảm hứng - ảnh 2
Anh Rabind Angot, bác Phan Vinh, chị Lê Y Linh, anh Nguyễn Phan Bảo Thụy (từ phải sang trái) cho rằng niềm vui lớn với họ là được cổ vũ cho các VĐV Việt Nam thi đấu tại Olympic

Chúng tôi luôn ủng hộ VĐV Việt Nam

Sống ở Pháp đã 50 năm, bác Phan Vinh, Hội hữu nghị Pháp - Việt kể câu chuyện xúc động: “Hôm qua khi cháu Nguyễn Thị Thật thi đấu, tôi thấy hình ảnh thật xúc động là ở nhiều chặng, nhiều người Việt Nam đã mang cờ Tổ quốc ra vẫy, cổ vũ cho cháu. Hình ảnh đó xúc động quá, làm dấy lên lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong mỗi người Việt xa Tổ quốc như chúng tôi. Tôi xa quê hương đã lâu ngày, nhưng tôi nhớ trước đây Việt Nam tham dự Olympic rất ít môn. Lần này tôi thấy có tới 16 VĐV ở 11 môn, mà rất phong phú từ bắn súng, cử tạ, xe đạp, judo tới đua thuyền, bơi... Tôi nghĩ đó cũng là điều đáng mừng rồi và đây cũng là cố gắng, nỗ lực từ Bộ VHTTDL, các đơn vị liên quan và các VĐV, HLV. Chúng tôi tự hào vì Việt Nam ta có nhiều VĐV thi đấu tại Olympic và các Việt kiều như chúng tôi luôn ủng hộ Đoàn một cách tích cực”.

Chị Lê Y Linh, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến văn hóa và du lịch Việt Nam tại châu Âu - Giám đốc Văn phòng Vietravel tại Pháp kể câu chuyện khi cả gia đình chị đi nghỉ trong lễ khai mạc Olympic, nhưng biết có Đoàn Thể thao Việt Nam diễu hành nên ngay lập tức cả nhà, từ người lớn đến trẻ con đều xúm xít quanh chiếc máy tính của chị để xem hình ảnh diễu hành của Đoàn Việt Nam. “Tự hào lắm, xúc động lắm khi thấy hình ảnh cờ Tổ quốc và các VĐV xuất sắc nhất của Thể thao Việt Nam trong lễ khai mạc”, chị Lê Y Linh chia sẻ.

Dẫn câu nói của Pierre de Courbertin tại bữa tiệc vinh danh các VĐV dự Olympic 1908, đại ý rằng kết quả chưa quan trọng bằng việc tham dự Olympic. Và câu nói của tác giả cuốn tiểu sử về Courbertin xuất bản năm 2023 - Jean Durry: “Điều quan trọng không phải là chiến thắng hay chiến bại mà là đã chiến đấu kiên cường như thế nào”, chị Y Linh cho rằng đây không phải câu nói để an ủi Đoàn Thể thao Việt Nam vì chưa có huy chương, mà cho thấy rằng với những gì đã thể hiện các VĐV Việt Nam đáng để khen ngợi.

“Hôm gặp cháu Hoàng Thị Tình (Judo), tôi có hỏi cháu rằng: Trời ơi sao con giỏi thế, khi vào thi đấu trước đấu trường lớn thế, toàn các đối thủ hàng đầu thế giới, sao con không sợ à? Tình trả lời tôi rằng lúc đó con chỉ tập trung chuyên môn, cho mục tiêu có được thành tích tốt nhất, nên con không sợ gì cả. Tôi thấy cảm phục quá. Tôi vốn là người không chăm chỉ luyện tập cho lắm nhưng từ lúc gặp Tình, tôi như được tiếp thêm động lực khi nghĩ đến cô gái nhỏ bé như thế đứng trước các đối thủ hàng đầu thế giới mà còn không sợ, vậy thì sao tôi không vượt qua được, nên tôi tự thấy mình chăm chỉ tập luyện hơn mỗi ngày. Và đó chính là điều quan trọng cho cộng đồng. Khi các em VĐV Việt Nam sang đây thi đấu tại kỳ Olympic này là đã truyền được tinh thần, cảm hứng của Olympic, tinh thần tập luyện thể thao cho tất cả. Nếu như từ nguồn gốc chúng ta có nhiều đơn vị, nhiều câu lạc bộ, nhiều người thực hành một môn thể thao thì sẽ có nhiều lực lượng kế cận để tuyển chọn tài năng cho các đội tuyển quốc gia. Tôi thấy trong Đoàn mình nhiều em còn rất trẻ, có nhiều em mới lần đầu dự Olympic nên Olympic lần này sẽ là sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai của các em sau này”, chị Y Linh hy vọng.

Là người Pháp gốc Việt đã sang Pháp từ năm 19 tuổi và giờ đã sống ở Pháp 50 năm, cứ mỗi tuần vào thứ 7, anh Rabind Angot lại có lớp dạy tiếng Việt cho con em của người Việt Nam tại Pháp. Anh kể chuyện rằng không chỉ dạy tiếng Việt, trường Về nguồn của Hội Người Việt Nam tại Pháp còn dạy các em múa, hát, làm thủ công, võ cổ truyền Việt Nam để các em luôn nhớ về văn hóa Việt. “Hôm vừa rồi tôi được tham gia buổi giao lưu với Đoàn Thể thao Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, tôi vinh dự, hãnh diện lắm. Chỉ riêng việc được gặp, giao lưu trực tiếp với các VĐV giỏi nhất của Việt Nam, chúng tôi đã thấy phấn khởi lắm và vẫn luôn cổ vũ, dõi theo hành trình thi đấu của các em. Mong các em vượt qua chính mình tại đấu trường lớn nhất thế giới này. Tôi tự hào là người Việt Nam”, anh Rabind Angot xúc động.