Ngày hội không biên giới

THU SÂM (từ Paris, Pháp)

VHO - Thực ra tại kỳ Olympic này, mục tiêu “vượt qua chính mình” không chỉ là đích đến của các vận động viên Việt Nam mà còn là câu khẩu hiệu nằm lòng với 3 phóng viên từ Việt Nam sang tác nghiệp tại nước Pháp.

 Ngày hội không biên giới - ảnh 1

 Cảnh sát nhiệt tình khi phóng viên Văn Hóa hỏi thông tin

 Nụ cười thân thiện của cảnh sát Pháp

Trong 3 phóng viên Việt Nam có mặt tại Olympic Paris, phóng viên Văn Hóa trở thành “mì chính cánh” vì cả 2 bạn đồng nghiệp đều là nam. Nhưng khổ nỗi sang Paris, 3 người ở 3 nơi nên “mì chính cánh” như tôi cũng thành mì chính vụn. Hằng ngày, hằng giờ tôi phải “thân gái dặm trường” vượt qua nỗi bất an về trộm cắp, móc túi, cướp giật tại các bến tầu, nhà ga, tầu điện ngầm, tầu nổi hay các con phố đông đúc người nhập cư, nhất là ở quận 13 Paris, để tác nghiệp.

Người bạn đồng hành cùng tôi đã phải chuyển chỗ ở từ quận 13 lên quận trung tâm Paris, bởi sau lần đi tác nghiệp đêm về gặp nhiều người vô gia cư và những mối nguy ẩn chứa trên đường phố. Với đống đồ nghề máy ảnh lên tới mấy trăm triệu đồng tiền Việt Nam, việc bạn đồng nghiệp lo lắng có thể bị cướp máy ảnh, dụng cụ tác nghiệp và sự an nguy của bản thân là có cơ sở.

Với các phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Đại hội, thì có 2 lực lượng mà chúng tôi quý nhất và thân thiện nhất. Đó chính là lực lượng cảnh sát và tình nguyện viên. Tại kỳ Thế vận hội này, Pháp huy động tới hơn 30.000 cảnh sát làm nhiệm vụ. Và hễ ở đâu cứ thấy bóng dáng của cảnh sát là chúng tôi cảm thấy bình yên. Ở Pháp dịp Olympic này, hầu hết cảnh sát đều mang súng và đạn bên mình để sẵn sàng tác chiến. Hình ảnh các chàng cảnh sát cao lớn, mặc quần áo thật “ngầu” rất quen thuộc tại hầu hết các địa điểm tổ chức Olympic.

Dù trông rất trang nghiêm, lúc nào cũng như sẵn sàng thực thi nhiệm vụ nhưng chỉ cần chúng tôi đặt câu hỏi, thì hầu hết cảnh sát tại Pháp đều rất nhiệt tình. Có hôm tôi đi xem thi đấu xong đã nửa đêm, thấy tốp đông cảnh sát, tôi liền tiến lại gần hỏi đường thì mới thấy họ đang khống chế 3 tội phạm. Tôi giật mình định quay người đi thật nhanh thì một cảnh sát trong số đó đã nở nụ cười thật tươi dường như để trấn an tôi và nhanh chóng hướng dẫn tận tình đường tới ga tầu điện ngầm.

 Ngày hội không biên giới - ảnh 2

 Lực lượng tình nguyện viên cung cấp thông tin cho khán giả

Hay như ở trận tứ kết môn bóng đá nam giữa Morocco và Mỹ trên sân bóng nổi tiếng mang tên Công viên các Hoàng tử (Parc des Princes), với sức chứa là 47.929 khán giả. Dù lượng khán giả lớn như vậy nhưng lực lượng cảnh sát vẫn căng mình ra rà soát từng người một để đảm bảo không có nguy cơ về khủng bố. Khi thấy tôi là nhà báo từ Việt Nam sang, anh cảnh sát nở nụ cười niềm nở: “Xin lỗi chị, tôi vẫn phải kiểm tra balo của chị”. Tuy việc bị kiểm tra hành lý quả là không dễ chịu chút nào nhất là khi sắp đến giờ bóng lăn, nhưng trước thái độ vui vẻ, niềm nở của anh cảnh sát, tôi cũng cười thật tươi. Và khi tôi loay hoay tìm đường từ sân Parc des Princes tới bến tầu điện ngầm trong khi quá mệt mỏi vì phải cuốc bộ mấy cây số giữa trời nắng chang chang, các cảnh sát cũng nhiệt tình chỉ dẫn để tôi đi đến được ga gần nhất.

Ngoài cảnh sát thì lực lượng tình nguyện viên cũng được Pháp huy động tối đa cho kỳ Thế vận hội này. Các tình nguyện viên, bất kể nắng hay mưa đều đứng ở những vị trí chỉ dẫn đường hoặc cung cấp thông tin và trả lời bất cứ câu hỏi nào. Để giúp khán giả tìm đường dễ dàng hơn, ban tổ chức cũng bố trí lực lượng tình nguyện viên chỉ đường hoặc là vẽ trên mặt đất hình của các môn thể thao được tổ chức, như với môn cầu lông là vẽ hình quả cầu trên đường đi, từ nhà ga cho tới nhà thi đấu. Các cổ động viên nếu không biết đường, sẽ nhìn theo các hình vẽ trên đường mà đi đến nơi cần đến.

Tại các địa điểm thi đấu, ban tổ chức cũng bố trí nhiều tình nguyện viên ngồi trên những chiếc ghế cao, tay cầm loa liên tục cất tiếng chào mọi người hoặc hướng dẫn, hoặc khuấy động bầu không khí. Dẫu các phương tiện thông tin đại chúng vẫn đưa tin rằng có nhiều người Pháp không ủng hộ việc tổ chức Olympic, nhưng bằng chứng tại các địa điểm thi đấu lại cho thấy điều ngược lại.

Bất kể nhà thi đấu cầu lông, bơi, điền kinh, bóng đá, bóng chuyền bãi biển... chỗ nào cũng nườm nượp khán giả tới xem khiến lực lượng cảnh sát và tình nguyện viên phải phân luồng giao thông, kiểm soát khá vất vả.

 Ngày hội không biên giới - ảnh 3

Kiểm soát an ninh tại các địa điểm tổ chức thi đấu

Và trải nghiệm nhớ đời khi bị ong đốt

Giữa Thủ đô Paris hoa lệ, tấp nập ngược xuôi, nhiều khi chúng tôi cũng giật mình vì bị những con muỗi to tròn, gấp mấy lần ở Việt Nam “tấn công”. Sở dĩ muỗi, ruồi và nhiều con vật ở đây được thoải mái bay lượn là vì người Pháp muốn bảo vệ môi trường, không muốn mất đi sự cân bằng tự nhiên nên hạn chế sử dụng việc phun thuốc diệt gián, muỗi, ruồi và các loại côn trùng.

Và ở Paris thì hình ảnh những chú ong vàng bay lượn khắp nơi để hút mật hoa cũng là điều khá phổ biến do thành phố nhiều cây xanh, nhiều hoa nở. Cảnh tượng đó lẽ ra đã rất nên thơ nếu như tôi không bị một chú ong lao vào đốt, ngay trong lúc đang tác nghiệp tại sân ngoài trời của nhà thi đấu cầu lông. Đang say sưa phỏng vấn tình nguyện viên, tôi thấy mình như bị kim tiêm vào chân đau buốt. Theo phản xạ, tôi giật chân, nhảy lên thì thấy một chú ong vàng rơi xuống. Ngay lập tức 3-4 tình nguyện viên gần đó chạy đến phía tôi. Người thì quan sát xem con ong đốt tôi là loại ong gì, người thì gọi điện thoại cho các bộ phận liên quan. Tôi quá đau nhưng lại muốn nhanh chóng rời khỏi nhà thi đấu sau khi đã xong cuộc phỏng vấn, nhưng người tình nguyện viên già liên tục bảo tôi đừng lo lắng, lực lượng y tế sẽ đến ngay tức khắc và bà đưa ghế để tôi ngồi xuống.

Rất may tôi có một bạn cổ động viên người Việt Nam là Ngô Hoài Nam nhiệt tình đi theo trợ giúp việc dịch từ tiếng Việt ra tiếng Pháp và ngược lại nên rất thuận lợi. Vết ong đốt thì đau và nhức nhối nên tôi không thể cười nổi nhưng lại luôn nhận được lời an ủi và nụ cười chia sẻ từ các tình nguyện viên. Sau nhiều cuộc điện thoại, lực lượng y tế cũng đến và đưa tôi vào phòng y tế. Tại đây tôi được hỏi về tiền sử dị ứng, địa chỉ nơi ở hiện tại trên đất Pháp và các triệu chứng như có chóng mặt, đau đầu hay chỉ đau viết thương do ong đốt.

Tôi cũng được sát trùng vết thương, bôi thuốc và được đưa cho thuốc giảm đau cùng những lời dặn cẩn thận: “Nếu có bất cứ vấn đề gì thì hãy báo cho chúng tôi”. Sau khoảng 1 giờ được hỏi han, chăm sóc, tôi đã lê cái chân đau buốt cuốc bộ khoảng 3 km cùng 20 trạm chuyển 2 tầu để về đến nơi ở tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Tại đây tôi cũng được các anh chị em ở Trung tâm nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ nên nỗi nhớ nhà, những vất vả trong quá trình tác nghiệp tại Đại hội nguôi ngoai rất nhiều. Vết ong đốt của tôi cũng giảm đau dần theo thời gian. Nhưng đây quả là kỷ niệm đáng nhớ vì tôi chưa từng gặp điều tương tự khi tác nghiệp tại các đại hội lớn. Và càng đáng nhớ hơn là sự chu đáo của ban tổ chức cùng những người tôi đã gặp, đã giúp đỡ tôi nhiệt tình trong những ngày tôi ở Pháp.

Vì thế những gì là hạt sạn, là chưa hoàn hảo của nước chủ nhà cũng dần được bù đắp. Và ngày mai thôi, tôi lại đeo ba lô len lỏi trong các ga tầu, cuốc bộ giữa trời mưa hay nắng gắt, lại đeo ba lô ở đằng trước để đề phòng bị móc túi... để được sống, được đắm mình trong ngày hội thể thao lớn nhất thế giới, rất đặc biệt theo cách riêng của nó: Vượt lên trên tất cả. Đó là ngày hội không biên giới cho những con tim cùng chung nhịp đập về tình đoàn kết, hữu nghị trên toàn thế giới!

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc