Những trải nghiệm đáng nhớ

THU SÂM (từ Paris, Pháp)

VHO - Là một trong ba phóng viên Việt Nam được Ban tổ chức Thế vận hội 2024 cấp thẻ tác nghiệp tại sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, phóng viên Báo Văn Hoá đã có những trải nghiệm đáng nhớ tại kỳ Thế vận hội mùa hè tổ chức trên đất Pháp này .

 Những trải nghiệm đáng nhớ - ảnh 1

Phóng viên Báo Văn Hóa tác nghiệp tại khu thể thao dưới nước, nơi VĐV Huy Hoàng thi đấu

 Khi chưa đặt chân đến Pháp, chúng tôi đã nghe hàng loạt lời cảnh báo về nạn móc túi, cướp giật tại kinh đô hoa lệ này. Dù đã đi nhiều nơi và từng đến Pháp nhưng trong tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác lo lắng khi một mình phải xách tới 2 vali và 1 balo mà ở Paris cảnh báo đầu tiên là đeo balo về phía trước ngực. Thế nhưng balo của tôi lại quá nặng với máy tính, máy ảnh nên không thể làm đúng như cảnh báo được.

Đến sân bay, sau khi nhanh chóng làm thủ tục nhập cảnh, hành trình “tra tấn” của chúng tôi bắt đầu khi phải lôi kéo đồ đạc, leo lên, leo xuống các bến tầu điện ngầm. Dù may mắn được một anh Việt kiều Pháp nhiệt tình giúp đỡ nhưng những lúc chuyển ga, bê đồ lên xuống cầu thang, nhất là cầu thang bộ cao, lại rất dài, quả là rút hết sức lực của tôi và bạn đồng nghiệp vừa trải qua chuyến bay đêm không ngủ sang Pháp.

 Những trải nghiệm đáng nhớ - ảnh 2

Pháp sử dụng cả lực lượng kỵ binh để gìn giữ an ninh

Khổ nhất là đồ đạc thì lỉnh kỉnh nhưng luôn phải cảnh giác với bất kỳ ai xung quanh vì sợ bị cướp giật. Sau hành trình vật vã, chúng tôi cũng về được đến nơi ở. Thế mới biết ở Việt Nam tiện hơn rất nhiều. Tại sân bay quốc tế lớn như Nội Bài, bạn chỉ cần đặt grab là đã được phục vụ tận nơi với giá chỉ bằng 1/5 so với bên Pháp. Còn ở đây thì taxi quá đắt đỏ, không phù hợp với túi tiền của chúng tôi.

Trên đường đi, chúng tôi khá ngạc nhiên vì dù đang tổ chức Thế vận hội thể thao lớn nhất thế giới nhưng trên đường hầu như rất ít băng rôn, khẩu hiệu hoặc biểu tượng gì đó về Olympic như các quốc gia khác. Cuộc sống của thành phố du lịch vẫn tấp nập, vội vã như nó vốn có.

Đa phần người dân Pháp mà chúng tôi gặp đều rất nhiệt tình và may mắn thay là sau một tuần ở Pháp chúng tôi vẫn gặp được những con người an toàn như thế. Tôi cũng nghe thông tin rằng nhiều người dân Pháp cũng không đồng tình với việc Chính phủ tổ chức Olympic vì quá tốn kém nên phá đường tàu, phản đối không cho Ban tổ chức bắn mây tại lễ khai mạc. Hoặc lấy lý do là bảo vệ môi trường, không muốn việc bắn mây, tránh mưa sẽ làm ô nhiễm một vùng rộng lớn.

 Những trải nghiệm đáng nhớ - ảnh 3

Tình nguyện viên nhiệt tình hướng dẫn cho PV Văn Hóa

Và chính vì điều này mà cuối cùng lễ khai mạc Olympic dù được chuẩn bị công phu, kịch bản sáng tạo và người Pháp cầu kỳ chuẩn bị trong 4 năm cuối cùng diễn ra trong cảnh mưa gió sụt sùi. Đó là điều tôi chưa từng gặp ở các kỳ Olympic gần đây. Nhất là khi đây là lần đầu tiên lễ khai mạc một kỳ Thế vận hội được tổ chức ngoài trời, rất cần tránh mưa. Thế là tất cả cùng ướt và lạnh, từ diễn viên cho tới khán giả và đương nhiên không thể thiếu cánh nhà báo chúng tôi.

Mưa suốt lễ khai mạc trong khi ngồi ngoài trời đã khiến cho nhiều phóng viên ảnh vất vả và phóng viên viết không thể lôi máy tính ra viết bài. Đã thế, bầu không khí u ám vì mưa gió đã làm cho lễ khai mạc bớt sự lung linh như vốn thấy. Tuy nhiên, điều đáng mừng là vì kịch bản của lễ khai mạc quá hay và táo bạo nên vẫn được khen ngợi bên cạnh những “hạt sạn” mà khó kỳ Đại hội nào tránh được.

 Những trải nghiệm đáng nhớ - ảnh 4

Olympic thực sự là ngày hội với nhiều người dân Pháp

Trong những ngày đầu tiên tác nghiệp tại Pháp, điểm đáng mừng là dù nhiều người dân Pháp phản đối, thì Olympic với sức hấp dẫn vốn có của nó vẫn lôi kéo được đông đảo người dân đến cổ vũ cho các cuộc tranh tài. Bằng chứng là ngay ở cuộc tranh tài của môn Bơi vừa diễn ra, dù là ngày đầu tuần, người dân bận rộn đi làm nhưng đã có đông đảo khán giả tới cổ vũ.

Họ đi từ rất sớm và xếp hàng dài cả cây số để vào xem môn Bơi, không khí bên ngoài sân khá cuồng nhiệt, không kém gì không khí xem bóng đá trên... sân Mỹ Đình. Nhiều gia đình vui vẻ chụp ảnh bên ngoài, tạo nên bầu không khí ấm áp. Không giống như một số nước khác sẽ có biểu tượng Olympic ở dưới lòng đường để tiện cho việc di chuyển của người hâm mộ, nước Pháp sử dụng khá nhiều tình nguyện viên chỉ đường và lực lượng cảnh sát, kể cả đội kỵ binh tại những nơi tổ chức các môn thể thao hấp dẫn, thu hút đông đảo người xem.

Vì thế những cảnh báo về nạn trộm cắp, cướp giật tại các địa điểm này có vẻ như hơi thừa. Tuy nhiên chúng tôi vẫn được người dân bản xứ khuyến cáo rằng: Luôn đeo balo đằng trước, không cầm điện thoại trên tay, không đi về khuya để tránh kẻ cướp... Tuy nhiên với đặc thù các cuộc thi đấu của Olympic thì cánh phóng viên không thể về sớm được. Và vì thế chúng tôi cũng hy vọng rằng cho đến khi trở về Việt Nam, nước Pháp vẫn là điểm đến an toàn và lời cảnh báo của người dân bản xứ không trở thành sự thực...