Chung kết Euro 2024, 2h ngày 15.7:

Ai xứng xưng vương?

NGỌC TRUNG

VHO - Cho đến trước trận chung kết, đội tuyển Tây Ban Nha xứng đáng hơn. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng chỉ có sau 90 phút thi đấu chính thức, có thể thêm 30 phút hiệp phụ và cả loạt đá luân lưu.

Ai xứng xưng vương? - ảnh 1
Bellingham, ngôi sao của đội tuyển Anh

 Tây Ban Nha và Anh đi trên hai con đường đối nghịch đến Olympiastadion Berlin, nơi diễn ra trận chung kết Euro 2024. Tây Ban Nha đến Đức trong ít nhiều sự hoài nghi. HLV De la Fuente không phải tên tuổi lớn trong giới cầm quân và cũng đã luống tuổi. Trong tay vị chiến lược gia 65 tuổi này là dàn cầu thủ đồng đều nhưng ít cái tên nổi bật. Tiền vệ Rodri là cầu thủ hiếm hoi đẳng cấp thế giới, song tiền vệ đang khoác áo Man City lại chơi ở vị trí “mỏ neo” nơi trung tuyến và không phải mẫu tạo đột biến. Lamine Yamal là ai? Nico Williams là ai? Trước thềm Euro 2024 ít ai biết.

Trong khi đó, đội tuyển Anh là ứng cử viên số một cho chức vô địch châu Âu mùa hè này. Tam sư sở hữu lực lượng hùng hậu bậc nhất giải. Những gương mặt tiêu biểu như: Jude Bellingham, ngôi sao số một tại Real Madrid; Phil Foden; cầu thủ xuất sắc nhất Premier League; Harry Kane, chân sút chủ lực của Bayern Munich; Bukayo Saka; ngòi nổ của Arsenal. Dẫn dắt đội tuyển Anh là Gareth Southgate, nhà cầm quân đã chứng minh được năng lực qua 3 giải đấu lớn World Cup 2018 (bán kết), Euro 2020 (chung kết) và World Cup 2022 (tứ kết). Thế nên, kết quả Tam sư lọt vào chung kết hoàn toàn nằm trong dự đoán? Không hề! Ngược lại, đội tuyển Anh là ông lớn gây thất vọng bậc nhất, bị chỉ trích nhiều nhất và suýt bị loại nhiều nhất.

Sau khi vượt qua vòng bảng bằng những màn trình diễn nhạt nhòa, tuyển Anh “lết” qua vòng 1/8 và tứ kết bằng những pha thoát chết trong gang tấc. Bàn gỡ hòa phút 90+5 của Bellingham vào lưới Slovakia và phút 80 của Saka ở trận gặp Thụy Sĩ đều là những pha dứt điểm trúng đích đầu tiên của thầy trò Southgate trong trận đấu. Màn trình diễn trong trận đấu với Hà Lan tại bán kết tuy có ấn tượng hơn nhưng vẫn là ngược dòng, với bàn thắng ấn định tỷ số 2-1 được ghi ở phút 90. Ngược lại, Tây Ban Nha từ chỗ bị hoài nghi, cuốn phăng mọi chướng ngại trên đường đi đến Berlin. Thầy trò De la Fuente toàn thắng cả 6 trận, chỉ có trận đại chiến với chủ nhà Đức phải thi đấu hiệp phụ, ghi 13 bàn thắng, gần gấp đôi đối thủ trong trận chung kết (7 bàn). Không chỉ là những con số, Tây Ban Nha lột bỏ hình ảnh chuyền bóng lề mề kiểu tiqui-taca, thay bằng lối chơi trực diện, tốc độ, biến hóa và đầy hứng khởi. Đôi cánh Williams-Yamal trở thành nỗi khiếp sợ của mọi hàng thủ và đưa La Roja bay cao.

Tại chung kết Euro 2024, tuyển Tây Ban Nha trẻ trung, hứng khởi sẽ chạm trán tuyển Anh gai góc, lì lợm. Trước trận chung kết, hẳn nhiên đa số dành cảm tình và niềm tin nhiều hơn cho La Roja, nhưng không ai đoán trước được điều gì. Ít ai tin Hy Lạp năm 2004 hay Bồ Đào Nha năm 2016 sẽ đăng quang cho dù đã vào đến chung kết. So về thực lực, tuyển Anh nổi trội hơn nhiều hai nhà vô địch châu Âu vừa nêu. Không chỉ vậy, thầy trò Southgate phần nào thể hiện bản lĩnh qua những pha ngược dòng nghẹt thở phút cuối, hay cách các cầu thủ tự tin bước lên chấm 11m và thực hiện thành công 100%. Tất nhiên, Tây Ban Nha cũng cho thấy khả năng ứng biến và vượt qua sóng gió trong trận bán kết. La Roja ngược dòng chóng vánh trước đội tuyển Pháp rồi thể hiện sự thực dụng ghê người bằng cách không cho đối phương chơi bóng trong hiệp 2. Càng vào sâu, phẩm chất quan trọng cần thể hiện là ý chí, đoàn kết, bản lĩnh và chút may mắn chứ không đơn thuần phô diễn hết tinh hoa chơi bóng. Đặc biệt chung kết không phải là trận đấu để tận hưởng bữa tiệc của thứ bóng đá tận hiến. Nơi đó chỉ có toan tính và bản lĩnh. Đội nào lì lợm hơn sẽ thắng, bất luận màn trình diễn vòng ngoài như thế nào.