Viễn cảnh buồn cho phụ nữ Afghanistan

CHI MAI

VHO - “Lệnh cấm phụ nữ không được lên tiếng và để mặt mộc ở nơi công cộng của chính quyền Taliban đã tạo ra “một viễn cảnh đáng buồn” cho tương lai của Afghanistan”, một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc cho biết.

Viễn cảnh buồn cho phụ nữ Afghanistan - ảnh 1
Phụ nữ Afghanistan dưới thời của chính quyền Taliban Ảnh: ANI Hình ảnh dàn dựng khiến cộng đồng mạng bức xúc

 Chính quyền Taliban vừa ban hành bộ luật đầu tiên tại Afghanistan với mục đích đưa ra là “ngăn chặn tệ nạn và thúc đẩy đạo đức”, trong đó bao gồm yêu cầu phụ nữ phải che mặt, cơ thể và giọng nói của mình bên ngoài nhà. Tại Điều 13 liên quan đến phụ nữ, Bộ luật này nêu rõ: Phụ nữ Afghanistan bắt buộc phải che mặt mọi lúc ở nơi công cộng và việc che mặt là điều cần thiết để tránh bị cám dỗ và quyến rũ người khác. Trang phục không được mỏng, bó hoặc ngắn. Phụ nữ cũng có nghĩa vụ phải che mặt trước mặt những người đàn ông và phụ nữ không theo đạo Hồi để tránh bị làm “hư hỏng”.

Bộ luật dài 114 trang, gồm 35 điều được xem là tuyên bố chính thức đầu tiên về luật “truyền bá đức hạnh và ngăn ngừa tệ nạn” ở Afghanistan kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào năm 2021. Các luật này trao quyền cho Bộ Tệ nạn và Đạo đức của chính quyền Taliban điều chỉnh hành vi cá nhân, thực hiện các hình thức xử phạt như cảnh cáo hoặc bắt giữ nếu lực lượng thực thi luật cáo buộc rằng người dân Afghanistan đã vi phạm luật. “Luật mới được ban hành vào cuối tháng 8.2024 sau khi được lãnh tụ tối cao Hibatullah Akhundzada phê chuẩn”, một phát ngôn viên của chính quyền Taliban cho biết.

Trước tình hình này, bà Roza Otunbayeva, người đứng đầu phái bộ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan nhận định, luật mới về “truyền bá đức hạnh và ngăn ngừa tệ nạn” của Taliban đã mở rộng những hạn chế vốn đã không thể chấp nhận được đối với quyền của phụ nữ và trẻ em gái tại nước này. Trong đó ngay cả tiếng nói của phụ nữ bên ngoài ngôi nhà của họ cũng bị coi là vi phạm đạo đức. “Sau nhiều thập kỷ chiến tranh và trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo, người dân Afghanistan xứng đáng được hưởng nhiều hơn là bị đe dọa hoặc bị bỏ tù nếu họ đến muộn buổi cầu nguyện, liếc nhìn một người khác giới không phải là thành viên gia đình, hoặc sở hữu một bức ảnh của người thân yêu”, bà Otunbayeva nhận xét.

Phái bộ Liên Hợp Quốc cho biết, họ đang nghiên cứu luật mới được phê chuẩn này và những tác động của nó đối với người dân Afghanistan, cũng như tác động tiềm tàng của luật này đối với Liên Hợp Quốc và các hoạt động hỗ trợ nhân đạo khác.

Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước, Taliban đã đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tháng 12.2022, Taliban ban hành sắc lệnh cấm phụ nữ làm việc trong các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, nhưng Liên Hợp Quốc được miễn trừ khỏi lệnh cấm này. Phụ nữ Afghanistan cũng bị cấm đi học đại học, trong khi phần lớn nữ sinh trung học không được đến trường. Vào cuối tháng 12.2022, chính quyền Taliban cũng đã yêu cầu các tổ chức phi chính phủ có cơ quan tại Afghanistan không cho nhân viên nữ đi làm, nguyên nhân là do có “những khiếu nại nghiêm trọng” về quy định trang phục. Cụ thể, ngày 24.12.2022, Bộ trưởng Kinh tế Afghanistan cho biết, các nhà lãnh đạo Taliban đã ra lệnh cho tất cả tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế có cơ quan tại Afghanistan không cho nhân viên nữ đi làm, sau “những khiếu nại nghiêm trọng” về quy định trang phục.

Ramiz Alakbarov, phó đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan cho biết, ông “quan ngại sâu sắc” trước thông báo này và cho rằng đây là “sự vi phạm rõ ràng các nguyên tắc nhân đạo”. Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án lệnh cấm của chính quyền Taliban và thông tin, họ đang đánh giá tác động của biện pháp hạn chế đối với viện trợ của họ ở nước này. “EU lên án mạnh mẽ quyết định gần đây của chính quyền Taliban về việc cấm phụ nữ làm việc trong các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế”, người phát ngôn của người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết.