Trẻ em Nhật Bản từ 14 tuổi trở xuống chỉ chiếm khoảng 12% dân số

HỒNG NHUNG

VHO - Theo thống kê của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tính đến ngày 1.4, số trẻ em dưới 14 tuổi, tính cả cư dân nước ngoài, là 13,66 triệu em, giảm 350.000 em so với cùng kỳ năm trước.

Trẻ em Nhật Bản từ 14 tuổi trở xuống chỉ chiếm khoảng 12% dân số  - ảnh 1
Dân số trẻ em ở Nhật Bản đã giảm trong năm thứ 44 liên tiếp xuống mức thấp kỷ lục. Ảnh: CNN

Dân số trẻ em ở Nhật Bản đã giảm trong năm thứ 44 liên tiếp xuống mức thấp kỷ lục.

Đây là dữ liệu thống kê của chính phủ Nhật Bản cập nhật vào ngày 4.5 khi đất nước này đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học bởi tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa nhanh chóng.

Theo dữ liệu do Bộ Nội vụ và Truyền thông công bố trước kỳ nghỉ lễ Ngày Thiếu nhi của Nhật Bản (ngày 4.5), số lượng trẻ em Nhật Bản từ 14 tuổi trở xuống là 13,66 triệu, giảm 350.000 bé so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ trẻ em trong tổng dân số nước này đã giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 11,1%, cũng là mức thấp nhất kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1950.

Khi so sánh với các nước khác, tỷ lệ trẻ em ở Mỹ chiếm khoảng 21,7% trong tổng dân số vào năm 2023 và 17,1% trong tổng dân số ở Trung Quốc vào năm 2024, theo số liệu của chính phủ hai nước.

Khủng hoảng nhân khẩu học đã trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất của Nhật Bản. Tỷ lệ sinh liên tục giảm mặc dù chính phủ Nhật Bản đã có các chính sách nỗ lực khuyến khích những người trẻ kết hôn và lập gia đình.

Tỷ lệ sinh của Nhật Bản – số trẻ em trung bình mà phụ nữ sinh ra duy trì ở mức 1,3 trong những năm gần đây – thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.

Trong nhiều thập kỷ, xu hướng này đã giảm xuống. Số ca tử vong cũng vượt qua số ca sinh mỗi năm, khiến tổng dân số giảm - ảnh hưởng lớn đối với lực lượng lao động, nền kinh tế, hệ thống phúc lợi và cấu trúc xã hội của Nhật Bản.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, vào năm 2024, cả nước ghi nhận 1,62 triệu ca tử vong - gấp đôi số ca sinh. Số liệu cũng cho thấy tỷ lệ kết hôn ở nước này chỉ tăng nhẹ, khoảng 10.000 so với năm ngoái, nhưng vẫn ở mức thấp, trong khi số vụ ly hôn cũng tăng.

Các chuyên gia cho biết sự suy giảm dân số ở Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong ít nhất vài thập kỷ  tới và ở một mức độ nào đó, không thể đảo ngược do cơ cấu dân số của đất nước.

Nhật Bản là một quốc gia "siêu già", nghĩa là hơn 20% dân số của nước này trên 65 tuổi. Tổng dân số của cả nước là 123,4 triệu người vào năm 2024 - nhưng đến năm 2065, dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 88 triệu người.

Lý do phía sau?

Thực trạng số người cao tuổi gia tăng đang tạo sức ép lớn cho Nhật Bản trong việc giải quyết bài toán già hóa dân số vốn là “cơn đau đầu” của quốc gia Đông Bắc Á này trong những năm qua. 

Già hóa dân số không phải là vấn đề mới mẻ tại xứ sở Mặt trời mọc. Tuy nhiên, những số liệu trên cho thấy Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số ngày càng trầm trọng do tuổi thọ trung bình của người dân tăng cao cùng tỷ lệ sinh suy giảm. 

Các chuyên gia nhận định ngày càng ít người dân Nhật Bản lựa chọn kết hôn và sinh con, bởi vì chi phí sinh hoạt cao, nền kinh tế suy thoái và tiền lương trì trệ, không gian hạn chế và văn hóa làm việc khắt khe.

Nhật Bản có văn hóa làm việc quá sức. Người lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau nói rằng họ phải làm việc nhiều giờ và chịu áp lực cao từ cấp trên. Hầu hết những người trẻ trong độ tuổi sinh đẻ thường tập trung vào sự nghiệp thay vì lập gia đình.

Các chuyên gia cho biết chi phí sinh hoạt tăng cao, vốn đã trở nên tồi tệ hơn do đồng yên yếu. Nền kinh tế đất nước cũng rơi vào trì trệ và lạm phát cao, góp phần gây ra sự bất bình cho công chúng.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Nhật Bản gần đây đang tìm cách “làm dịu đi” những tác động của sự thay đổi nhân khẩu học. Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Cơ quan Trẻ em và Gia đình để tập trung cụ thể vào việc thúc đẩy tỷ lệ sinh và khuyến khích kết hôn. 

Chính phủ cũng đưa ra các sáng kiến như mở rộng các cơ sở chăm sóc trẻ em, trợ cấp nhà ở cho cha mẹ và tại một số thị trấn, thậm chí trả tiền cho các cặp đôi để sinh con.

Không chỉ riêng Nhật Bản, một số quốc gia láng giềng khác Trung Quốc và Hàn Quốc; hay một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha và Ý cũng đang phải vật lộn với tình trạng suy giảm dân số.

Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu cởi mở hơn nhiều với vấn đề nhập cư để làm dịu đi tình trạng già hóa của xã hội.

Cho đến gần đây, Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng dân số của nước này đã giảm trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024 với số ca tử vong vượt xa số ca sinh mới.

Ấn Độ hiện đã vượt qua Trung Quốc về quy mô dân số.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc