Người dân châu Á “đau đầu”​​​​​​​ với giá tiêu dùng

VHO- Giá cả nhiều loại hàng hóa “leo thang” đang khiến người tiêu dùng tại nhiều nước châu Á phải chật vật tính toán để thích ứng. Mặc dù Chính phủ các nước đã đưa ra nhiều giải pháp để bình ổn, nhưng không ít mặt hàng vẫn tăng giá “chóng mặt”.

Người dân châu Á “đau đầu”​​​​​​​ với giá tiêu dùng - Anh 1

Người dân nhiều nước châu Á đang quay cuồng trong cơn bão giá Ảnh: SCMP

Các hộ gia đình tại Nhật Bản đang phải chứng kiến giá hóa đơn các loại hàng hóa tăng vọt, như điện, gas và nước đều tăng gần 11%. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, giá bán buôn đã tăng 8% trong tháng 10 so với một năm trước và là mức tăng mạnh nhất trong hơn 4 thập kỷ. Tập đoàn sản xuất thực phẩm khổng lồ Kikkoman cho biết, họ sẽ tăng giá nước tương, gia vị quan trọng trong ẩm thực Nhật lên đến 10%, giá sữa đậu nành cũng sẽ tăng 5-6% so với hồi tháng 2, do chi phí nguyên liệu thô và hậu cần tăng. Hiện giá xăng dầu và các sản phẩm than tại Nhật Bản đã tăng hơn 44%, giá gỗ tăng 57%, giá thép và sắt cũng tăng gần 22%... “Chúng tôi đã sống trong giai đoạn giảm phát hoặc giá cố định quá lâu. Những người tôi quen đang bất ngờ thay đổi cách chi tiêu”, một người tiêu dùng Nhật chia sẻ.

Trong khi đó, những người thu nhập thấp tại Ấn Độ cũng đang “choáng váng” vì giá hàng hóa tăng phi mã. Giá xăng và dầu diesel tại Ấn Độ đã tăng gần 35% so với một năm trước, giá gas cũng đã tăng 50%. Đặc biệt, giá các loại dầu ăn tại nước này đang tăng ở mức “khó có thể tin được” lên tới 35%. Cụ thể, dầu hạt cải đã tăng từ 150 rupee/lít năm ngoái lên 240 rupee/lít, dầu cọ cũng tăng gấp đôi, từ mức 72 rupee/lít lên 140 rupee/lít. Nhiều người dân Ấn Độ đang phải chật vật tính toán chi tiêu hợp lý hơn để có thể trang trải cuộc sống. Thậm chí, sau lễ hội ánh sáng Diwali với hơn một triệu ngọn đèn dầu được thắp sáng vào đầu tháng 11, nhiều gia đình nghèo ở thành phố Ayodhya đã phải đi gom từng chút dầu hạt cải còn thừa, đổ vào chai nhựa để mang về nấu ăn.

Tại Singapore, giá thực phẩm đã tăng 1,6% trong tháng 9, từ mức 1,5% tháng trước đó. Nhưng một số mặt hàng thực phẩm còn vượt xa con số này. Chẳng hạn, nho có giá khoảng 8,12 USD vào tháng 6 thì đã tăng lên 11,58 USD vào tháng 9, hay giá rau bina cũng tăng khoảng 15% trong cùng giai đoạn trên. Các tổ chức phi chính phủ ở Singapore cảnh báo, người thất nghiệp trong đại dịch sẽ là nạn nhân bị “bão giá” đe dọa nhiều nhất. Tổ chức từ thiện Food from the Heart của Singapore cho biết đã phân phát khoảng 10.000 gói thực phẩm trong năm nay, tăng 59% so với năm 2019. Nguyên nhân một phần do nhiều gia đình bị thiếu lương thực, vì mất việc hoặc thu nhập sụt giảm trong đại dịch. Bà Nichol Ng, đồng sáng lập Food Bank (ngân hàng thực phẩm) Singapore cho biết, số lượng các gia đình không đảm bảo được nhu cầu thực phẩm đã tăng mạnh trong năm ngoái do Covid-19. Và tình trạng giá thực phẩm “leo thang” hiện tại mới chỉ là bắt đầu, tác động toàn diện sẽ được thấy rõ vào năm tới, khi các gói hỗ trợ đại dịch của chính phủ chấm dứt.

Cũng quay cuồng trong cơn bão giá, tại Malaysia, nhiều người thu nhập thấp buộc phải cắt giảm số lượng thực phẩm sử dụng hằng ngày. “Chúng tôi thay đổi thực đơn gần như mỗi tuần, thậm chí là mỗi ngày, phụ thuộc vào số tiền chúng tôi có thể chi cho ăn uống”, một người dân Malaysia chia sẻ. Theo số liệu chính phủ nước này, giá thực phẩm và đồ uống không cồn nói chung tăng 1,2%, chủ yếu là thịt và rau củ. Còn tại Philippines, mặc dù Chính phủ đã bình ổn giá gạo ở mức 40 peso/kg kể từ đợt phong tỏa Covid-19 bắt đầu từ tháng 4 năm ngoái, nhưng giá các loại thực phẩm khác không ngừng tăng. Đơn cử, cá rô phi từng được gọi là cá của người nghèo, có giá 120 peso/kg, thì hiện tăng lên mức 180-200 peso/kg, hoặc giá thịt lợn cũng tăng từ mức 260 peso/kg từ tháng 6 năm ngoái, lên mức 380 peso/kg vào tháng 5 năm nay… Theo tổ chức Ibon Foundation, giá thực phẩm leo thang, thu nhập giảm, tiền tiết kiệm cạn kiệt khiến ngày càng nhiều người Philippines rơi vào cảnh đói khát.

Theo giới chuyên gia, thời tiết khắc nghiệt, giá năng lượng tăng vọt, thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19… đã đẩy giá nhiều loại hàng hóa tại châu Á lên mức cao nhất trong một thập kỷ qua. Điều này khiến áp lực cuộc sống của những người thu nhập thấp thêm nặng nề, và làm chậm lại quá trình tái thiết các hoạt động kinh tế - xã hội sau đại dịch của nhiều nước châu Á. 

 HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc