Hàn Quốc siết quy định quay phim tại các di sản văn hóa quốc gia
VHO - Theo Korea Times, Cơ quan Di sản quốc gia Hàn Quốc (KHS) vừa ban hành “Hướng dẫn chuẩn về giấy phép quay phim tại các di sản văn hóa cấp quốc gia”. Quy định này áp dụng cho tất cả các hoạt động quay phim sử dụng di sản văn hóa làm bối cảnh.

Cụ thể, tất cả các hoạt động sản xuất phim, chương trình truyền hình tại các di sản văn hóa phải có nhân viên an toàn chuyên trách. Ngoài ra, để nhận được giấy phép quay phim, nhà sản xuất sẽ phải nộp bản cam kết bảo vệ di sản.
Cơ quan Di sản quốc gia Hàn Quốc ban hành hướng dẫn này sau sự cố làm hư hại di sản văn hóa trong quá trình quay bộ phim truyền hình Đêm đầu tiên bên Công tước (The First Night with the Duke) của Đài truyền hình KBS.
Sự việc xảy ra vào tháng 12.2024 khi đoàn làm phim đã đóng đinh vào 10 cây cột của tòa nhà Mandaeru Pavilion tại Byeongsan Seowon ở Andong, tỉnh Gyeongsang. Việc đóng đinh mới vào các lỗ hổng sẵn có đã gây thêm áp lực lên cấu trúc của công trình.
Byeongsan Seowon là một trong chín học viện tân Nho giáo còn tồn tại được xây dựng từ Triều đại Joseon (1392-1910). Địa điểm này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới năm 2019.
Sau vụ việc này, vào tháng 1.2025, thành phố Andong đã đệ đơn kiện 2 công ty thực hiện bối cảnh có liên quan.
Công việc phục hồi đã bị hoãn lại cho đến năm sau vì các chuyên gia sẽ dành 1 năm để quan sát thiệt hại do đinh gây ra, đánh giá xem liệu sự co lại tự nhiên của gỗ có thể giúp các khu vực bị hư hỏng phục hồi mà không cần can thiệp quá nhiều hay không.

Đây không phải là lần đầu tiên các đài truyền hình Hàn Quốc phải đối mặt với chỉ trích vì phá hoại các di sản văn hóa. Trước đó cũng từng có những vụ việc tương tự xảy ra.
Theo hướng dẫn mới, các đoàn làm phim phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định khi quay phim tại các di sản văn hóa cấp quốc gia. Họ phải nộp kế hoạch quay phim chi tiết và cam kết bảo vệ di sản với chính quyền địa phương ít nhất 15 ngày trước khi bắt đầu quay phim để xin giấy phép.
Trong trường hợp sản xuất phim thương mại (như phim điện ảnh và phim truyền hình), hoặc sản xuất phim có từ 10 thành viên trở lên, bắt buộc phải có ít nhất một nhân viên an toàn chuyên trách về di sản văn hóa.
Nhân viên an toàn phải là "những người có bằng cấp về các ngành di sản văn hóa, bao gồm kiến trúc, cảnh quan, lịch sử và khảo cổ học hoặc là nhà bình luận về di sản văn hóa được chính quyền địa phương công nhận".
Đơn vị sản xuất cũng phải cam kết chịu trách nhiệm dân sự và hình sự đối với mọi thiệt hại xảy ra với di sản văn hóa hoặc cơ sở vật chất trong quá trình quay phim.
Để ngăn ngừa thiệt hại thêm cho các di tích lịch sử, các hướng dẫn này nghiêm cấm đóng đinh vào các công trình bằng gỗ bao gồm các trụ của các tòa nhà di sản, lắp đặt các vật dụng bằng kim loại như vít hoặc đinh trên nền đá hoặc các thành phần kết cấu khác và mang vào các vật liệu có nguy cơ gây cháy nổ.
Cơ quan Di sản Hàn Quốc cho biết: “Hướng dẫn được ban hành nhằm phổ biến những lưu ý quan trọng khi cấp phép quay phim tại các di sản văn hóa và ngăn chặn những sự cố xảy ra trương tương lai.”