Châu Âu chật vật vì chi phí tăng cao
VHO- Người dân châu Âu đang phải vật lộn để kiếm sống, không chỉ các hộ gia đình có thu nhập thấp mà tầng lớp trung lưu cũng bị ảnh hưởng. Nền kinh tế năm nay đã mất đà mạnh trên toàn thế giới, đặc biệt là châu Âu, nguyên nhân do đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga - Ukraine gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều lĩnh vực.
Người dân châu Âu cắt giảm chi tiêu do giá thực phẩm tăng cao
Nhiên liệu và thực phẩm tăng giá
Cuộc chiến Nga - Ukraine, cùng những tác động liên tục của dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới đã gây tác động đáng kể đến nền kinh tế EU, đặc biệt thông qua sự gia tăng về giá nhiên liệu và thực phẩm. Chưa hết, chi phí nguyên liệu thô, giá vận tải tăng cao, chuỗi cung ứng hạn chế khiến nhiều nền kinh tế tại châu Âu sắp tới sẽ phải đối mặt với một mùa đông khó khăn.
Người dân châu Âu đang cố gắng giảm mức sử dụng năng lượng bằng cách cắt bỏ việc ủi quần áo, sử dụng lò nướng ít hơn và tắm vòi hoa sen tại nơi làm việc, nhưng chi phí vẫn tiếp tục tăng. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông quốc tế, hàng triệu cá nhân ở châu Âu hiện đang chi trả một số tiền kỷ lục cho chi phí năng lượng do giá điện và khí đốt bán buôn tăng. Trong 12 tháng qua, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 550%, gấp 3 lần so với năm ngoái và gần gấp 10 lần mức trung bình trong giai đoạn 2010-2019. EU dự định tiết kiệm năng lượng để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, khi nhu cầu năng lượng sưởi ấm cao hơn. Biến đổi khí hậu đã dẫn đến nhiệt độ mùa hè tăng cao kỷ lục, sự tương phản có thể sẽ dẫn đến một mùa đông khắc nghiệt. Không chỉ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao, một số nhà sản xuất ở châu Âu đã phải đóng cửa dây chuyền sản xuất, gây nên sự sụt giảm mạnh nhất trong sản xuất công nghiệp ở châu Âu kể từ năm 2012 do không có khả năng thanh toán các hóa đơn năng lượng và điện nước.
Giá của nhiều loại hàng hóa thiết yếu bao gồm cả thực phẩm cũng đã tăng cao kể từ khi các biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19 được áp dụng lần đầu tiên vào 2 năm trước, làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra tình trạng khan hiếm khi mua hàng trong các siêu thị. Cuộc chiến tranh một lần nữa khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, khi Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 lượng lúa mì và lúa mạch toàn cầu, 2/3 lượng dầu hướng dương xuất khẩu thế giới. Ukraine cũng là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới.
Lạm phát kỷ lục
Thực phẩm và năng lượng tăng giá là một trong những yếu tố góp phần làm lạm phát kỷ lục ở châu Âu. Ước tính tháng 9 cho thấy giá thực phẩm, rượu và thuốc lá, hàng hóa công nghiệp phi năng lượng và dịch vụ đều tăng theo các con số so với tháng 7 và tháng 8 khi lạm phát hằng năm của khu vực đồng euro được dự báo lần lượt là 8,9% và 9,1%. Các nước Baltic tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt Estonia đang trải qua mức lạm phát cao nhất trong khu vực đồng euro và đã chứng kiến lạm phát tăng cao so với cùng kỳ năm trước từ 6,4% vào tháng 9 năm 2021 lên 24,2% vào tháng 9 năm 2022. Lạm phát ở Latvia và Lithuania cũng lần lượt đạt 22,4% và 22,5%. Hà Lan chứng kiến mức tăng giá hằng tháng lớn nhất từ 13,7% trong tháng 8 lên 17,1% vào tháng 9. Trong một diễn biến khác, tỷ lệ lạm phát của Vương quốc Anh đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm là 10,1% vào tháng 7, tăng cao nhất kể từ năm 1982. Tại các khu vực khác trên thế giới, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm với số tiền lớn hơn dự kiến nhắm vào lạm phát cao. Động thái này, đặt ra câu hỏi rằng liệu việc vội vàng tăng tín dụng có khiến các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái, khiến người dân phải chi trả nhiều hơn vào thực phẩm, nhiên liệu và nhiều thứ khác hay không.
Giá năng lượng tăng cao, người dân nhiều nước châu Âu phải lựa chọn giữa các nhu cầu cơ bản nhất để tiết kiệm năng lượng khi mùa đông khắc nghiệt đang đến. Chị Monique Ruck sống ở Berlin (Đức) đang nuôi 3 con nhỏ cho biết, mỗi tuần chị có 200 Euro để trang trải chi phí sinh hoạt, số tiền ít ỏi khiến chị chỉ có thể mua đồ giảm giá và nhờ cậy vào các ngân hàng thực phẩm. Hóa đơn năng lượng tăng phi mã khiến cho chi phí của chị ngày càng eo hẹp hơn. Chị Ruck chia sẻ: “Tôi đang trả 111 Euro cho tiền điện, nhưng sớm thôi, hóa đơn điện sẽ tăng gấp đôi lên hơn 220 Euro. Tôi phải từ bỏ nhiều nhu cầu để duy trì đèn điện sáng trong nhà. Khi bọn trẻ ăn thừa, tôi sẽ ăn nốt thức ăn của chúng. Đơn giản như tôi thích ăn kem nhưng giờ cũng không thể mua”. Câu chuyện của chị Ruck không phải là cá biệt đối với rất nhiều người dân tại Đức nói riêng và châu Âu nói chung.
PHƯƠNG MINH