Các học viện về Đạo giáo ở Trung Quốc thu hút giới trẻ

CHI MAI

VHO - Trong các kỳ tuyển sinh gần đây, Học viện Đạo giáo Chiết Giang (Trung Quốc) đều nhận được hơn 1.000 đơn dù chỉ tuyển khoảng 60 người. Bởi ở đây, người học được tiếp cận với những di sản văn hóa sâu sắc và khám phá chiều sâu của nghệ thuật Đạo giáo truyền thống.

 Các học viện về Đạo giáo ở Trung Quốc thu hút giới trẻ - ảnh 1
Học viên học các nghi lễ Đạo giáo tại Học viện Đạo giáo Chiết Giang

Không giống như các trường đại học thông thường, Học viện Đạo giáo Chiết Giang là một tổ chức giáo dục tôn giáo toàn thời gian và được coi là một trong những học viện Đạo giáo nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Mặc dù học viện này được thành lập vào năm 2013, nhưng từ hai năm lại đây đã chứng kiến sự gia tăng số lượng đơn đăng ký tăng vọt chưa từng thấy, với khoảng 1.300 học viên đăng ký.

Tuy nhiên, sau quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt, chỉ có 60 người được chọn và Trường chỉ chấp nhận những ứng viên trong độ tuổi từ 18-28. Học viên tốt nghiệp không chỉ nhận bằng, mà còn có sự cam kết sâu sắc với các khía cạnh Đạo giáo truyền thống. Họ thường đảm nhận các vai trò trong các cơ sở tín ngưỡng Đạo giáo và tiếp tục tiến sâu vào mối liên hệ tâm linh của mình.

Một nhân viên của Hiệp hội Đạo giáo tỉnh Chiết Giang, cơ quan giám sát của học viện nhận xét: “Trường học đã tồn tại nhiều năm và được thế hệ trẻ yêu thích. Chúng tôi không cố tình quảng bá thương hiệu của trường”.

Trên khắp Trung Quốc, mối quan tâm ngày càng tăng đối với Đạo giáo không chỉ giới hạn ở học viện này. Trên nền tảng video Bilibili, Dàn nhạc Đạo giáo Thiên Tân có hơn 170.000 người theo dõi, với video phổ biến nhất thu được gần 3 triệu lượt xem.

Đạo giáo là một triết lý và truyền thống tâm linh cổ xưa của Trung Quốc, nhấn mạnh đến việc sống hòa hợp với thiên nhiên, đón nhận sự tự phát và thực hành không hành động. Đạo giáo đã ảnh hưởng đến văn hóa, nghệ thuật và y học Trung Quốc cũng như các môn tập luyện như Thái Cực quyền và Khí công.

Mặc dù tên gọi có thể gợi lên sự kỳ lạ, nhưng những cơ sở giáo dục này đang tận tâm trong việc bảo tồn và phổ biến các giáo lý Đạo giáo cổ xưa. Theo một chương trình giảng dạy được đăng trực tuyến, Học viện cung cấp các khóa học về ngôn ngữ và văn học truyền thống Trung Quốc, lịch sử tôn giáo và các môn học chuyên ngành như y học Đạo giáo và âm nhạc Đạo giáo.

Học viện cũng thực thi các quy định và lịch trình nghiêm ngặt, gồm phải kiêng rượu và thuốc lá, tránh đánh nhau, thực hành ăn chay và bị cấm quan hệ tình cảm với bạn bè đồng trang lứa… Thời gian biểu bắt đầu lúc 5h và kéo dài đến 21h, với một lịch trình dày đặc được thiết kế để rèn luyện học viên trở thành những người nắm vững Đạo giáo trước khi tốt nghiệp.

“Độ khó, độ nặng của những hoạt động trong khóa huấn luyện sẽ tăng dần”, Kim Linh, một học viên của học viện, chia sẻ. Lấy thiền định làm ví dụ. Ban đầu chỉ tập luyện mỗi ngày một giờ, sau đó tăng dần về thời gian và đa dạng hình thức tập luyện. “Có thể bạn sẽ được yêu cầu vừa thiền vừa thổi tiêu, chủ yếu là kiểm tra hơi thở ổn định hay không”, Kim Linh nói.

Học chơi tiêu cũng là bước quan trọng để trở thành một đạo sĩ. Tại học viện, không khó nhận thấy các đạo sĩ luôn cầm một chiếc tiêu và luyện tập ngày đêm. Loại nhạc cụ này không chỉ giúp ngón tay hoạt động linh hoạt mà còn kiểm soát chặt chẽ độ mạnh của luồng hơi, tạo ra âm thanh trầm bổng. Theo Kim Linh, cô đã học tại đây ba năm và mới chỉ thổi được hai bản nhạc.

Những bài kiểm tra như vậy kéo dài trong suốt những năm học tập tại trường. Tại học kỳ đầu tiên của năm cuối cấp, trường sẽ đánh giá toàn diện năng lực, thái độ của từng học viên rồi sắp xếp vào các ngôi đền Đạo giáo khác nhau thực tập. Sang học kỳ hai, sinh viên bắt đầu làm luận văn và bảo vệ tốt nghiệp. Vì vậy, “mỗi năm chỉ có 60 học viên được chọn nhưng thường chỉ có 2/3 đạt tốt nghiệp”, một giảng viên của Học viện cho biết.

Hiện tượng nhiều người trẻ Trung Quốc đổ đến đền chùa cũng thu hút chú ý của báo chí nhà nước. Tian Wenzhi, một nhà bình luận của Bắc Kinh nhật báo đưa ra quan điểm đồng cảm hơn, cho rằng nên cố gắng hiểu những áp lực mà người trẻ phải đối mặt và những gì họ đang tìm kiếm. “Cuộc sống hối hả với nhiều bất định trong xã hội ngày nay tạo ra những thách thức và lo lắng lớn hơn đối với người trẻ, khiến họ phải lo lắng về những lựa chọn cho sự nghiệp và hôn nhân, cũng như áp lực phải chăm sóc người già trong gia đình”, Tian Wenzhi viết. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc