Giới trẻ Trung Quốc thích cưới tiết kiệm

THÁI AN

VHO - Các đám cưới ở Trung Quốc hiện nay thường được tổ chức đơn giản, đôi khi không có rước dâu, không thuê phù dâu, phù rể hay xe hoa sang trọng. Những câu chúc cưới hay màn trao hoa cũng thay đổi. Bởi vì định nghĩa hôn nhân của giới trẻ ở quốc gia này cũng khác xưa.

 Giới trẻ Trung Quốc thích cưới tiết kiệm - ảnh 1
Đám cưới đơn giản của Feng Linrui tổ chức đầu tháng 5 tại tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) Ảnh: FENG LINRUI

Đầu tháng 5, Feng Linrui, 28 tuổi tổ chức đám cưới ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh. Cặp vợ chồng trẻ quyết định áp dụng tiêu chí “ba không” (không rước dâu, không có phù dâu và phù rể, cũng không có xe hoa sang trọng). “Các hủ tục như: Chặn cửa nhà gái, tìm và mang giày cho cô dâu hay để cô dâu ngồi trên giường chờ chú rể đến đón đều không cần thiết, là hủ tục lỗi thời”, cô Feng nói. Vợ chồng Feng không thích phong tục đám cưới truyền thống vì quá phức tạp nên trì hoãn thời gian dài, dù đã đăng ký kết hôn. Nhưng để hài lòng bố mẹ hai bên, họ đã thỏa hiệp và tổ chức một đám cưới đơn giản. Do loại bỏ các nghi thức không cần thiết nên đám cưới của Feng chỉ tiêu tốn 60.000 tệ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình.

Xu Lizhen, 29 tuổi, từng làm phù dâu cho một người bạn và dự hai đám khác nên biết đám cưới truyền thống phức tạp, tốn kém thế nào. Vì vậy, khi kết hôn vào năm ngoái, cô tổ chức buổi lễ đơn giản và thoải mái tại quê chồng thuộc Dinh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh. Họ không thuê trang điểm chuyên nghiệp hay trang phục cầu kỳ. Thay vào đó, chú rể mặc bộ đồ công sở, còn cô dâu Xu mặc váy đỏ do địa điểm tổ chức đám cưới cung cấp. Trong lễ cưới, đôi trẻ chia sẻ đoạn video ghi lại hành trình họ đến nhiều thành phố khác nhau trên khắp Trung Quốc trong 6 tháng từ khi đăng ký kết hôn.

Hiện nay, nhiều người trẻ ở Trung Quốc cũng hưởng ứng phong cách tổ chức hôn lễ tối giản. Không ít cô dâu, chú rể còn tự dẫn chương trình cho đám cưới, không thuê váy cưới, dịch vụ trang điểm hay chụp ảnh. Nhiều cặp đôi đang mạnh dạn giảm thiểu tối đa các nghi lễ truyền thống, tổ chức hôn lễ đơn giản với “3 không”, “4 không”, thậm chí “5 không”.

Báo cáo năm 2023 của Youth36kr, đơn vị nghiên cứu về giới trẻ Trung Quốc cho biết, chi phí trung bình cho đám cưới của người trẻ nước này là 147.500 tệ. Tuy nhiên đa số người trẻ cho rằng 30.000 - 50.000 tệ thì hợp lý hơn. Còn kết quả nghiên cứu thực hiện bởi trung tâm khảo sát xã hội của China Youth Daily cho thấy, gần 80% người trẻ ủng hộ xu hướng đám cưới tối giản. 60% cho rằng sự phổ biến của những đám cưới này phản ánh mong muốn về cá tính và tự do của thế hệ trẻ.

Nhà xã hội học Trung Quốc Ai Jun cho rằng, sự đơn giản không phải là phủ nhận đám cưới truyền thống. Đây là cơ hội quay trở lại với ý nghĩa thực sự của đám cưới. Theo ông, đám cưới truyền thống Trung Quốc không rập khuôn và hầu hết gia đình tổ chức lễ cưới tùy theo khả năng kinh tế, chú trọng vào một phong tục cần thiết. Đám cưới phung phí và xa hoa là hình ảnh của giới giàu có và quyền lực.

Theo Wang Yichen, 31 tuổi, chuyên viên tổ chức đám cưới, ngày càng nhiều người trẻ chọn đám cưới đơn giản, nhẹ nhàng. Với 9 năm kinh nghiệm trong ngành, Wang đã lên kế hoạch cho gần 300 đám cưới. Trong số 20-30 đám cưới do cô điều phối hằng năm hiện nay, 95% là đơn giản và thân mật. “Hiện tại, các đám cưới mà chúng tôi lên kế hoạch thường có khoảng 100 khách và nhiều đám cưới chỉ có khoảng 50 khách. Rất nhiều người trẻ thích biến đám cưới thành cuộc gặp mặt với bạn bè cũ”, Wang nói.

Theo Wang, những thay đổi trong quan điểm xã hội cũng được phản ánh trong ngành công nghiệp đám cưới. Ví dụ, ngày càng có nhiều người trẻ đón nhận khái niệm môi trường bền vững. Trong các đám cưới do Wang tổ chức, một số đông các cặp đôi yêu cầu hoa dùng trang trí phải cắm thành bó hoa nhỏ và phân phát cho khách mời sau đám cưới, không vứt bỏ. Tục bắt hoa cưới cũng mang thông điệp khác truyền thống. Trước kia, người bắt được hoa được chúc tìm thấy bạn đời lý tưởng, nhưng bây giờ nó đơn giản hơn là chúc người nhận hạnh phúc. Ngay cả định nghĩa về hôn nhân cũng đang thay đổi. Hôn nhân trước đây được coi là việc cô dâu gia nhập nhà trai. Tuy nhiên, ngày nay, các cặp đôi có xu hướng coi hôn nhân là sự kết hợp của hai cá nhân, sự thành lập của một gia đình mới.