Trung Quốc:

Bảo tàng thu hút giới trẻ

NGHIÊM THANH

VHO - Các bảo tàng đang trở thành điểm đến phổ biến cho giới trẻ Trung Quốc để tìm hiểu lịch sử và văn hóa đất nước.

 Chu Lập Hoàng, sống ở thành phố Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc, đã bị mê hoặc trong chuyến thăm bảo tàng gần đây, điều này làm khơi dậy sự quan tâm của anh đối với lịch sử 2.200 năm của quê hương.

Khi bước vào Bảo tàng Cát Châu ở Hành Thủy, du khách sẽ được quay ngược ngược thời gian thông qua công nghệ 3D trình chiếu các sự kiện lịch sử và truyền thuyết cổ xưa. Đối với Chu Lập Hoàng, trải nghiệm sâu sắc này đã làm sống lại lịch sử, mang đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về quá khứ xa xưa của quê hương mình.

 Bảo tàng thu hút giới trẻ - ảnh 1
Bên trong bảo tàng Hành Thủy, Trung Quốc. Ảnh: Trip.com

Ông Đỗ Tương Lễ, Giám đốc Bảo tàng Hành Thủy cho biết: “Theo truyền thống, bảo tàng là nơi để hồi tưởng và tìm hiểu văn hóa lịch sử, đặc biệt là với người lớn tuổi. Nhưng giờ đây, tham quan bảo tàng để khám phá lịch sử đã trở thành xu hướng thời thượng của giới trẻ”.

Ông cho biết thêm, mỗi năm Bảo tàng Hành Thủy tổ chức hơn 100 chuyến tham quan học tập với sự kết hợp với các trường học, thu hút hơn 8.000 du khách. Bảo tàng cũng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa trong trường học và cộng đồng.

Để thu hút du khách hơn nữa, các bảo tàng trên khắp Trung Quốc đang đổi mới phương pháp tiếp cận bằng cách tổ chức các triển lãm sáng tạo và các sự kiện đặc biệt, khiến các chuyến tham quan bảo tàng trở nên năng động và hấp dẫn hơn đối với giới trẻ.

Trong chuyến đi gần đây đến Bảo tàng Lang Phường tại tỉnh Hà Bắc, Chai Yutong, một sinh viên đại học đã bị thu hút bởi một bộ thẻ tem xếp hình phiên bản giới hạn. Bị hấp dẫn bởi thử thách thu thập chín con tem, mỗi con tem thể hiện phong cách thư pháp riêng biệt của chữ "loong" (phiên âm của chữ "long", nghĩa là rồng) trong tiếng Trung từ các thời kỳ lịch sử khác nhau, anh háo hức tiếp tục tham quan khám phá toàn bộ bảo tàng.

Anh chia sẻ: “Sự sâu sắc của văn hóa Trung Quốc thực sự làm tôi kinh ngạc. Thư pháp của mỗi giai đoạn lịch sử thể hiện những nét đặc trưng riêng của thời đại đó. Sự hiểu biết về lịch sử phát triển của thư pháp chữ ‘loong’ đã làm sâu sắc thêm niềm tin về văn hóa lịch sử của tôi”.

Các sản phẩm văn hóa và sáng tạo lấy cảm hứng từ các hiện vật lịch sử cũng đang ngày càng được ưa chuộng trong các bảo tàng tại Trung Quốc.

Sau khi tham quan Bảo tàng Thừa Đức ở Hà Bắc, Lý Tiểu Linh và bạn bè rời cửa hàng với một túi đựng các văn hóa phẩm. Cô nói: “Việc tìm thấy những món quà lưu niệm mang tính biểu tượng có chất lượng cao sẽ làm tăng thêm trải nghiệm khi chúng tôi ghé thăm báo tàng ”.

Theo Giáo sư Vương Minh Hào, Đại học Sư phạm Hà Bắc: “Cơn sốt” bảo tàng kéo dài đã phản ánh sức sống của văn hóa lịch sử, là cầu nối giữa các nền văn minh cổ đại với cuộc sống đương đại.

Trong những năm gần đây, sự quan tâm đến văn hóa truyền thống Trung Quốc rất được nâng cao. Những món đồ pha trộn yếu tố lịch sử với cách thể hiện hiện đại rất được thế hệ trẻ ưa chuộng. Sự kết hợp này đã tạo ra một "làn sóng mới" trong ngành du lịch văn hóa Trung Quốc.

 Theo Xinhua

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc