Bắt nhịp xu hướng chuyển đổi xanh giao thông đô thị

HỒNG NHUNG

VHO - Chuyển đổi xanh giao thông đô thị là xu hướng tất yếu mà nhiều quốc gia trên thế giới đang theo đuổi nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đạt mục tiêu chung toàn cầu vì tương lai bền vững.

 Bắt nhịp xu hướng chuyển đổi xanh giao thông đô thị - ảnh 1
Xe điện đang sạc tại bãi đậu xe ở Trung Quốc. Ảnh: BLOOMBERG

Tại châu Âu, Đan Mạch trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về chuyển đổi xanh, trong đó quy hoạch đô thị và giao thông bền vững được xem là điểm sáng của chiến lược này. Các khu đô thị của Đan Mạch đều có cơ sở hạ tầng thân thiện với xe đạp.

Hơn 40% cư dân Copenhagen di chuyển bằng xe đạp nhờ vào hệ thống làn đường riêng, với chủ trương khuyến khích phát triển theo hướng ít phát thải. Mạng lưới xe buýt điện, hệ thống tàu điện ngầm và phà chạy bằng hydro luôn được ưu tiên trong các khu đô thị để giảm lượng khí thải carbon.

Trong khi đó, Đức từ lâu đã xây dựng chiến lược Energiewende (Chuyển đổi năng lượng) nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy nền kinh tế ít carbon.

Để phát triển giao thông bền vững, Chính phủ Đức đã tăng cường trợ cấp và miễn thuế nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe điện. Các hãng sản xuất ô tô lớn như Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz hiện dẫn đầu xu hướng chuyển đổi sang xe điện.

Ngoài ra, Đức cũng rót vốn mạnh vào tàu cao tốc, xe buýt chạy bằng hydro và cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp để giảm khí thải carbon. Nước này đã áp dụng nghiêm ngặt về quy định khí thải CO2 đối với ô tô và các ngành công nghiệp khác.

Tại châu Á, Trung Quốc nổi bật với vai trò là nước đi đầu cả về quy mô triển khai lẫn tốc độ phát triển xe năng lượng mới. Chỉ trong vòng chưa đầy hai thập niên, nước này đã xây dựng hệ sinh thái công nghiệp xe điện có tính cạnh tranh toàn cầu, đồng thời áp dụng một loạt chính sách hạn chế xe chạy xăng tại các thành phố lớn.

Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành các chính sách hành chính nghiêm ngặt, vận dụng linh hoạt công cụ thị trường, bổ sung thêm các cơ chế khuyến khích hay đổi mới thể chế để điều chỉnh giúp người dân dần thích nghi với quy định mới.

Từ một nước phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ, Trung Quốc đã trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới, với hàng triệu xe điện mới được bán ra mỗi năm và hạ tầng trạm sạc phát triển nhanh chóng.

Tại các thành phố Olso (Na Uy), London (Anh), Paris (Pháp) và Thâm Quyến (Trung Quốc), chính phủ đã ban hành lệnh cấm xe chạy xăng vào các khu vực trung tâm trong chương trình chuyển đổi xanh giao thông đô thị. Đa số các quốc gia không chọn giải pháp sử dụng rào chắn vật lý mà thường kết hợp với các “chốt mềm” và công nghệ giám sát để hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch đi vào các khu vực trung tâm.

Câu chuyện cấm xe xăng, dầu đã không còn quá mới mẻ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, bắt nhịp với xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển dịch xanh, ngày 12.7.2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thủ đô Hà Nội được yêu cầu triển khai lộ trình cấm xe máy, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1 từ ngày 1.7.2026. Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí Thủ đô.

Giống như các thành phố Oslo, London, Nam Kinh (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia)… đã triển khai lệnh cấm xe chạy xăng vào trung tâm trong chiến lược quy hoạch đô thị và giao thông bền vững, thủ đô Hà Nội đang bước vào hành trình xanh hóa giao thông đô thị theo xu hướng chung toàn cầu.

Kinh nghiệm đi trước của những thành phố trên thế giới sẽ là bài học quý giá để thủ đô Hà Nội có lộ trình phù hợp hỗ trợ người dân nhằm đảm bảo an toàn vận hành, mạng lưới sạc pin đáp ứng và giao thông công cộng đảm bảo trước khi lệnh cấm xe xăng chính thức có hiệu lực.

Ở bối cảnh hiện tại, Việt Nam là một trong nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh theo đúng lộ trình. Ở mỗi giai đoạn triển khai, chúng ta sẽ không thể tránh khỏi những bất cập và khó khăn.

Do đó, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần chuẩn bị tầm nhìn dài hạn trong kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho tương lai xanh và bền vững.