Đà Nẵng: Chuyển đổi số mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực

MINH CHÂU

VHO - Năm 2023, Đà Nẵng có 13 cơ quan, địa phương đạt thành tích xuất sắc, dẫn đầu chuyển đổi số được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố.

Báo cáo tại hội nghị công bố kết quả đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số năm 2023 ngày 10.10.2024 tại thành phố Đà Nẵng cho thấy:

Năm 2023, có 4 cơ quan xếp loại xuất sắc về chuyển đổi số, gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ. Một số cơ quan đã có nhiều nỗ lực trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải thiện điểm và vị trí xếp hạng.

Năm 2023 cũng là năm TP Đà Nẵng đoạt giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2023”, theo công bố của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).

Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2132/QĐ-UBND ngày 7.10.2024 về Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số năm 2024.

Trong đó bổ sung mới 7 tiêu chí (tỷ lệ 7% trên tổng số 100 tiêu chí), hủy bỏ 2 tiêu chí và điều chỉnh trọng số điểm 5 tiêu chí theo kiến nghị, đề xuất của các cơ quan và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng: Mức độ tương quan giữa kết quả xếp hạng chuyển đổi số năm 2023 và cải cách hành chính năm 2023 tương đối cao. Điều đó thể hiện quả triển khai chuyển đổi số đóng góp khá lớn vào kết quả cải cách hành chính của địa phương.

Một số chỉ tiêu chuyển đổi số đặt ra đến năm 2025 theo Nghị quyết số 05-NQ/TU và Đề án Chuyển đổi số đã hoàn thành trước hạn, như: 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp toàn trình.

Đà Nẵng: Chuyển đổi số mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực - ảnh 1
Tại Đà Nẵng, chuyển đổi số đóng góp khá lớn vào kết quả cải cách hành chính, đem lại sự hài lòng cho người dân

100% văn bản điện tử được ký số, gửi nhận liên thông; 100% cơ quan cung cấp dữ liệu mở; cung cấp 1.200 bộ dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trên Cổng Dữ liệu mở thành phố.

Kinh tế số chiếm 20% GRDP thành phố; mỗi người dân cơ bản có 1 mã ID và hồ sơ sức khỏe cá nhân; mỗi học sinh có 1 mã ID và học bạ điện tử.

Trong nhiều năm liền, TP. Đà Nẵng luôn dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Thành phố cũng đạt được nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế về chuyển đổi số, thành phố thông minh. 

Năm 2024, thành phố Đà Nẵng tiếp tục đầu tư 60 dự án ưu tiên thuộc “Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đà Nẵng triển khai, cập nhật thêm nhiều tính năng nền tảng dùng chung như quan trắc, giám sát đỗ xe, giám sát tàu thuyền, nền tảng Cổng dữ liệu mở, ứng dụng di động đa dịch vụ Danang Smart City, nền tảng Danang Chain…

Hoàn thành 11/11  nhiệm vụ, mục tiêu đến năm 2025 theo Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Trên lĩnh vực kinh tế, thương mại thông minh, Đà Nẵng xây dựng Sàn Thương mại điện tử và ứng dụng di động nhằm giúp cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kinh doanh trên môi trường trực tuyến, thu hút hơn 1.770 doanh nghiệp và 2.582 sản phẩm tham gia trên sàn.

Về du lịch thông minh, Đà Nẵng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong lĩnh vực du lịch để tăng trải nghiệm và thu hút khách du lịch như ứng dụng “Một Chạm đến Đà Nẵng - VR360”.

Đà Nẵng: Chuyển đổi số mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực - ảnh 2
Đà Nẵng: Chuyển đổi số mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực - ảnh 3
Các tác phẩm điêu khắc đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn được gắn chip để dễ dàng quảng bá rộng rãi đến người dân, du khách về thông tin sản phẩm

Ứng dụng “Chatbot” hỗ trợ khách du lịch, “Bản đồ số” các điểm di tích trên địa bàn, “Sàn giao dịch du lịch trực tuyến”” và Hội chợ du lịch ảo trực tuyến”, đưa vào triển khai “Thẻ du lịch thông minh” trong năm 2022.

Ứng dụng vào lĩnh vực môi trường thông minh, Đà Nẵng xây dựng “Nền tảng dịch vụ tích hợp quan trắc môi trường”,  qua đó, tích hợp 69 trạm quan trắc môi trường nước mặt, nước thải, không khí trên địa bàn thành phố để theo dõi, giám sát.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe rác và hệ thống camera trên xe rác để theo dõi, giám sát chất lượng hoạt động thu gom rác.

Các lĩnh vực: An toàn vệ sinh thực phẩm; giáo dục; y tế; phòng chống thiên tai; năng lượng; công dân thông minh... cũng đã được triển khai và mang lại nhiều ứng dụng, tiện ích cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân.

Sự tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường số khá cao, khoảng 320.000 tài khoản điện tử của công dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập, sử dụng dịch vụ trên hệ thống chính quyền điện tử thành phố.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường đã yêu cầu các cơ quan, địa phương cần tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình hiệu quả làm cơ sở nghiên cứu áp dụng, nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị khác.

Tập trung nghiên cứu, có những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác chuyển đổi số để sớm khắc phục những hạn chế, vướng mắc.

Đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương gắn công cuộc chuyển đổi số với các kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể như: cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án Thành phố thông minh... Đồng thời cần lưu ý tránh để người dân bị tác động, thiệt hại liên quan đến các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ số.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng giao cho Sở Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố phối hợp nghiên cứu các hình thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng đối với các đối tượng người lớn tuổi.

Qua đó có thông tin cụ thể trên các hệ thống cảnh báo, tổ công nghệ thông tin cộng đồng, tổ dân phố… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, tạo sự an tâm cho người dân khi ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số của thành phố.