Đa dạng các hình thức giảm nghèo về thông tin ở huyện Mộ Đức

NHƯ ĐỒNG

VHO - Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã và đang giúp người dân tiếp cận thông tin nhằm nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững.

Đa dạng các hình thức giảm nghèo về thông tin ở huyện Mộ Đức - ảnh 1
Chị Bùi Thị Kim Phúc thường xuyên tuyên truyền các chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo trên hệ thống truyền thanh xã

Với lợi thế kịp thời, tiện ích, phủ sóng diện rộng... Thời gian qua, hệ thống truyền thanh cơ sở ở huyện Mộ Đức đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương đến với người dân, đặc biệt là giúp người nghèo tiếp cận kịp thời các thông tin về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Chị Bùi Thị Kim Phúc, Đài truyền thanh - quản lý nhà văn hóa xã Đức Chánh chia sẻ, toàn xã có 37 cụm loa ở 6 thôn, mỗi ngày, ngoài tiếp sóng trực tiếp từ trung ương, tỉnh, huyện, xã xây dựng bản tin, chương trình riêng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để phát trên các cụm loa truyền thanh tại địa phương.
Tùy theo điều kiện thực tế, chuỗi sự kiện thời sự mà hàng ngày, hay mỗi tuần chị sẽ chọn và thêm vào chủ trương, chính sách giảm nghèo, giới thiệu một vài mô hình làm ăn hiệu quả thực tế của người dân địa phương để phát sóng.

“Được giao nhiệm vụ vận hành hệ thống truyền thanh của xã, tôi luôn thực hiện đúng nguyên tắc, hiệu quả. Đối với các bản tin của địa phương, tôi biên tập nội dung sao cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Qua đó, mọi người tiếp cận thông tin nhanh, chính xác, kịp thời, nhất là các chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo. Hệ thống loa ở xã ngày nào cũng mở để bà con nghe”, chị Phúc nói.

Đa dạng các hình thức giảm nghèo về thông tin ở huyện Mộ Đức - ảnh 2
Mô hình trồng hẹ của gia đình bà Võ Thị Giao

Điển hình trong phát triển kinh tế ở xã Đức Chánh có mô hình liên kết rau hẹ sạch hữu cơ. Mô hình này đã trở thành nguồn thu nhập khá cao của bà con nông dân, thị trường thụ tương đối ổn định.

Gia đình bà Võ Thị Giao (62 tuổi), thôn 1, xã Đức Chánh là những hộ có diện tích trồng hẹ nhiều và cho hiệu quả kinh tế cao với diện tích gần 1 ha. Nên bà chia ra làm nhiều liếp để thu hoạch xoay vòng. “Trồng hẹ khoảng 20 ngày là bắt đầu thu hoạch, khi thu hoạch xong thì thương lái xuống thu mua liền. Hẹ trồng phải bón phân hữu cơ hoai mục. Cây hẹ vốn đầu tư ban đầu ít nhưng lại có thu nhập ổn định và lâu dài. So với các loại rau màu khác hẹ chỉ cần trồng một lần và các tháng sau đó sẽ có thu hoạch đều đặn, gần như cho thu hoạch quanh năm”, bà Giao cho hay.

Đa dạng các hình thức giảm nghèo về thông tin ở huyện Mộ Đức - ảnh 3
Mô hình liên kết rau hẹ sạch hữu cơ góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân

Theo Chủ tịch Hội nông dân xã Đức Chánh Nguyễn Văn Thanh, mô hình liên kết rau hẹ sạch hữu cơ góp phần chuyển dịch giống cây trồng cho hiệu kinh tế cao, tăng thu nhập cho bà con nông dân. “Vào năm 2019 trồng khoảng 2 ha đến nay diện tích tăng lên 3 ha với 22 hộ tham gia, hộ nhiều nhất gần 1 ha. Tính trung bình 25 – 30 nghìn đồng/ kí, thì thu được 900 triệu đồng – 1,2 tỷ/ năm/ ha. Hộ bà Giao giải quyết việc làm cho động 7-9 lao động/ năm, bình quân mỗi tháng thu nhập 4,5 triệu đồng”, ông Thanh cho biết.

Đa dạng các hình thức giảm nghèo về thông tin ở huyện Mộ Đức - ảnh 4
Hội thi Tuyên truyền viên giỏi về công tác giảm nghèo năm 2024 ở huyện Mộ Đức

Thời gian qua, công tác truyền thông về giảm nghèo ở huyện Mộ Đức được đổi mới. Không chỉ tuyên truyền bằng loa truyền thanh, huyện đã tổ chức các cuộc thi, các chương trình tìm hiểu về chính sách, chủ trương giảm nghèo bằng nhiều hình thức sân khấu hóa. Đơn cử như “Hội thi Tuyên truyền viên giỏi về công tác giảm nghèo năm 2024” của huyện đã thu hút đông đảo cán bộ và người dân trong huyện tham gia. Qua đó, thông điệp về giảm nghèo bền vững đã được truyền tải một cách dễ nhớ, dễ hiểu, không khô cứng như các văn bản hành chính. Góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ý nghĩa, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến với các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Bích Thu, xã Đức Thắng chia sẻ: “Tham gia hội thi Tuyên truyền viên giỏi năm 2024 giúp tôi có được những kinh nghiệm, những kiến thức để áp dụng vào thực tế tại địa phương mình, nắm được những thuận lợi và khó khăn để đưa ra những giải pháp kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ bà con giảm nghèo”.

Đa dạng các hình thức giảm nghèo về thông tin ở huyện Mộ Đức - ảnh 5
Tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên báo, đài, các phương tiện truyền thông về công tác giảm nghèo

Theo Phó Phòng VHTT huyện Mộ Đức Võ Hoài Linh, dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” là một trong những dự án quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Dự án nhằm góp phần hoàn thiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Trong triển khai, chú trọng tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên báo, đài, các phương tiện truyền thông.

Thông qua các hoạt động Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và người nghèo. Nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng, trước mắt là để thoát nghèo, lâu dài là vươn lên làm giàu từ những nỗ lực của các bên.

Đa dạng các hình thức giảm nghèo về thông tin ở huyện Mộ Đức - ảnh 6
Huyện Mộ Đức đầu tư hiện đại hóa hệ thống cụm loa truyền thanh tại tất cả các xã, thị trấn

Những năm qua, huyện Mộ Đức đầu tư hiện đại hóa hệ thống cụm loa truyền thanh tại tất cả các xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân. Tính đến nay có 2 xã thực hiện truyền thanh thông minh là Đức Thạnh, Đức Minh. Toàn huyện có 32 cụm loa CNTT, gần 300 cụm loa FM ở 12 xã, 1 thị trấn.

Ngoài ra, địa phương đã phối hợp sản xuất nhiều tin, bài, phóng sự chất lượng, phản ánh xác thực tình hình phát triển kinh tế, xã hội, các mô hình hay cách làm hiệu quả, các gương điển hình tiên tiến, có thể nhân rộng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững… Góp phần động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, giảm nghèo có chất lượng, hiệu quả sâu.