Chuyện về dòng họ tiền hiền hiếu học

NHƯ ĐỒNG

VHO - Làm theo lời Bác Hồ dạy: Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người, dòng họ Trần tiền hiền Sáu xã Vạn Phước (Mộ Đức, Quảng Ngãi) là một trong những dòng họ thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài sớm nhất ở địa phương.

Chuyện về dòng họ tiền hiền hiếu học - ảnh 1
Di tích Mộ và Nhà thờ tiền hiền Trần Văn Đạt được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh

 Xác định chỉ học tập mới giúp con cháu có tương lai tươi sáng, từ cách đây 32 năm, vào mùa xuân năm 1992, tổ chức khuyến học (nay là Ban khuyến học) của dòng họ Trần tiền hiền Sáu xã Vạn Phước được thành lập.

Ông Trần Hưng, Trưởng ban khuyến học chia sẻ, giai đoạn đầu tiên huy động bà con rất khó khăn, phải gom từng ang thóc, lon gạo để chắt chiu cho con cháu học hành. Hội đồng gia tộc xác định, tiếp nối truyền thống cha ông ngày trước, có những vị học cao, đỗ đạt rồi ra làm quan chức phục vụ đất nước, nhân dân qua các thời kỳ là việc làm quan trọng và cần thiết. “Chúng tôi luôn tâm niệm “học là quốc sách”, nền kinh tế hiện tại là kinh tế của tri thức cho nên huy động tất cả dòng họ, phụ huynh đều phải có ý thức chăm lo, tạo điều kiện cho con cháu học tập để mai sau phục vụ cho bản thân, gia đình, dòng tộc, đất nước và xã hội được lâu dài”, ông Hưng bày tỏ.

Công tác khuyến học, khuyến tài được dòng họ Trần tiền hiền Sáu xã Vạn Phước chú trọng từ sớm, đã trở thành mạch nguồn bền sâu, nuôi dưỡng, khơi dậy tinh thần hiếu học của các thế hệ con cháu.

Em Trần Ngọc Hoàng Ngân, học sinh lớp 7C, Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Mộ Đức cho biết: “Được sinh ra và nuôi dưỡng trong mạch nguồn của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, em luôn ý thức rèn luyện, phấn đấu để bồi đắp thêm các giá trị truyền thống từ ngàn xưa cha ông để lại. Hằng năm, ai học giỏi, đạt thành tích tốt thì đều được ông bà thưởng, đó cũng là động lực để em càng ngày càng cố gắng học tập hơn”.

Chuyện về dòng họ tiền hiền hiếu học - ảnh 2
Trao quà và giấy khen cho con em học giỏi trong dòng họ

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Mộ Đức Huỳnh Công Hậu, dòng họ Trần tiền hiền Sáu xã Vạn Phước được công nhận là dòng họ hiếu học tiêu biểu cấp tỉnh. Riêng Ban khuyến học của dòng họ này nhiều năm liền nhận được giấy khen của Hội Khuyến học huyện vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập. Đây là một trong những điểm sáng của địa phương hiện nay.

Không chỉ chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài, dòng họ Trần tiền hiền Sáu xã Vạn Phước còn luôn bảo ban con cháu khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sống ân tình, nhân nghĩa. Thủy tổ của dòng họ Trần tiền hiền Sáu xã Vạn Phước là cụ Trần Văn Đạt, quê gốc ở xã Thụy Ứng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, ngoại thành Hà Nội). Năm 1471, cụ Trần Văn Đạt cùng cụ Huỳnh Công Chế theo vua Lê Thánh Tông tham gia cuộc Nam chinh, lập được nhiều công trạng trong cuộc tiến binh thu phục Chiêm Động, Cổ Lũy Động (nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng)…

Lúc bấy giờ, vùng Cổ Lũy Động nói chung và phần đất phía Nam (nay là các huyện Mộ Đức, thị xã Đức Phổ) nói riêng, dân cư thưa thớt, chằng chịt ao đầm. Do vậy, vua Lê Thánh Tông giao cho các tướng lĩnh trực tiếp mộ dân và đưa con cháu từ phía Bắc vào khai phá, lập làng. Nhà vua giao cho cụ Trần Văn Đạt trông coi việc khẩn hoang, lập trại ở vùng đất thuộc huyện Mộ Đức.

Kể từ thời mới khai mở, lập làng Vạn Phước (cuối thế kỷ XV) đến đầu thế kỷ XIX, cụ Đạt cùng các bậc tiền nhân nhiều đời đã ra lập nên 6 xã có tên chung là Vạn Phước, tương ứng với địa phận hai xã Đức Hòa, Đức Phú (huyện Mộ Đức) và một phần hữu ngạn sông Vệ, từ Hành Thịnh đến Hành Thiện, Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành) ngày nay. Với những công lao trong việc mở đất, lập làng, cụ Trần Văn Đạt vừa là Thủy tổ của họ Trần tiền hiền Sáu xã Vạn Phước, vừa là bậc Tiền hiền của hai xã Đức Hòa, Đức Phú. Di tích Mộ và Nhà thờ tiền hiền Trần Văn Đạt đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ông Trần Dụng, Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc dòng họ Trần tiền hiền Sáu xã Vạn Phước cho biết: “Bà con lúc nào cũng hướng về tiên tổ và giữ gìn được bản chất tốt đẹp của dòng họ. Để nhắc nhở thế hệ sau ý thức về cội nguồn, hằng năm, ngày Giỗ Tổ tiền hiền Trần Văn Đạt, dòng họ đều tổ chức tôn nghiêm, thành kính và long trọng. Đồng thời, đối với nhân dân địa phương, đây cũng là dịp tri ân người đã có công khai khẩn, lập làng”.