Đức Tân – Điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện Mộ Đức

NHƯ ĐỒNG

VHO - Bằng nội lực và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đến nay xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển mình, trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo.

Đức Tân – Điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện Mộ Đức - ảnh 1
Bà Bùi Thị Tư đang chăm sóc bò được hỗ trợ

Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo

Gia đình bà Bùi Thị Tư (57 tuổi) thuộc hộ cận nghèo, thôn 4, xã Đức Tân. Khi chúng tôi đến thăm đúng lúc bà vừa cắt cỏ về cho bò ăn. Bà Tư cho hay: “Gia đình tôi vừa bán bê con 6 triệu đồng. Tôi đang tiếp tục cho phối giống để bò sinh sản nữa. Cứ đà này, tôi nghĩ việc bò địa phương hỗ trợ sẽ giúp gia đình phát triển kinh tế”.

Bà Tư có chồng bị khuyết tật, nên thu nhập bấp bênh. Được hỗ trợ con giống từ dự án chăn nuôi bò sinh sản, bà Tư làm chuồng nuôi, tận dụng nguồn cỏ trong tự nhiên làm thức ăn cho bò. Mô hình khá phù hợp với điều kiện của gia đình, hiện gia đình bà đã thoát nghèo.

Thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, xã Đức Tân tổ chức triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (dự án chăn nuôi bò cái lai Zebu sinh sản), cho 16 hộ trên địa bàn xã (gồm 7 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo) có sức lao động để phát triển kinh tế.

Đức Tân – Điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện Mộ Đức - ảnh 2

Bò trong dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đang phát triển tốt

Ông Phạm Văn Thạnh, Trưởng thôn 4, xã Đức Tân cho biết, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó, người dân nhận thức rõ hơn về chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo, tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định.

Phát triển làng nghề bánh tráng truyền thống

Làng nghề truyền thống bánh tráng xã Đức Tân hình thành và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Là truyền nhân đời thứ tư của gia đình, tiếp tục nối nghề làm bánh tráng, ông Nguyễn Văn Nhị (54 tuổi), thôn 1, xã Đức Tân - chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Trích Nhị đưa sản phẩm bánh tráng của gia đình lên một tầm cao mới.

Đức Tân – Điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện Mộ Đức - ảnh 3
Ông Nguyễn Văn Nhị gắn bó với nghề làm bánh tráng truyền thống

Vào năm 2017 đến nay, ông Nhị từng bước chuyển đổi toàn bộ quy trình sản xuất thủ công sang máy móc. Nhờ đó, cơ sở sản xuất bánh tráng Trích Nhị không chỉ tăng năng suất mà còn cải thiện đáng kể chất lượng bánh tráng làm ra, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Cuối năm 2022, bánh tráng mang thương hiệu Trích Nhị đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Đức Tân – Điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện Mộ Đức - ảnh 4
Nhờ đầu tư máy móc nên năng suất cao hơn

Ông Nhị chia sẻ, bánh tráng, một trong những món ăn đặc sản nổi tiếng gắn liền với nhiều tỉnh thành Việt Nam. Mỗi vùng miền đều có những hương vị đặc trưng, hấp dẫn riêng. Thế nhưng, bánh tráng Trích Nhị là món ăn có hương vị phù hợp với hầu hết mọi thực khách. Không phải ngẫu nhiên mà chiếc bánh tráng Trích Nhị lại tạo nên tên tuổi trên thị trường. Để làm ra được một chiếc bánh tráng thơm ngon phải trải qua từng công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ. Nguyên liệu được lựa chọn để sản xuất phải sạch, chất lượng, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đức Tân – Điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện Mộ Đức - ảnh 5

Bánh tráng mang thương hiệu Trích Nhị đạt chứng nhận OCOP 3 sao

Bánh tráng nơi đây là món quà dân dã được gói bọc cẩn thận làm quà cho người thân, bạn bè để thể hiện tình cảm, ơn nghĩa. Bánh tráng cũng hay được cha mẹ, ông bà mua rồi gói ghém chuyển cho con cháu mình khi đi học xa, đi làm xa như một món quà động viên tinh thần con cháu đi xa cố gắng học hành, làm ăn. Đây chính là món ăn giúp những người xa hương nhớ về quê hương thân yêu ruột thịt của mình.

“Hiện cơ sở tôi duy trì 4 dòng bánh, mỗi ngày làm 2 tạ gạo, lợi  nhuận 10 – 15 nghìn đồng/ kí gạo. Được sự quan tâm, hỗ trợ về vốn và chính sách của chính quyền địa phương, đầu năm 2024 tôi được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện 100 triệu đồng để phát triển sản xuất”, ông Nhị cho biết.

Đức Tân – Điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện Mộ Đức - ảnh 6

Thu nhập bình quân đầu người của xã Đức Tân hiện 56 triệu đồng/ người/ năm

Theo Chủ tịch UBND xã Đức Tân Lê Đức Thiết, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã hiện 56 triệu đồng/ người/ năm. Địa phương vừa tiếp sức, vừa khơi dậy ý chí để người dân phát huy nội lực, chủ động vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới là cách làm hiệu quả giúp địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

“Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mục tiêu giảm nghèo bền vững với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai đồng bộ thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ dịch vụ xã hội cơ bản thiếu hụt cho hộ nghèo và hộ cận nghèo”, ông Thiết cho biết thêm.