Phát triển báo chí trên không gian mạng:

“Cộng sinh” để tiếp cận công chúng

THANH NGỌC

VHO - Thách thức và cơ hội của chuyển đổi số đang được đặt ra cùng lúc, đòi hỏi báo chí phải thay đổi, lựa chọn phương thức khai thác, sử dụng những ưu thế của nền tảng số, trong đó có mạng xã hội, để khai thác tối đa, tiếp cận công chúng nhanh nhất, từ đó tăng trưởng doanh thu…

“Cộng sinh” để tiếp cận công chúng - ảnh 1

Phát triển báo chí trên nền tảng số cần có hướng đi phù hợp Ảnh: ITN

Tìm điểm chạm phù hợp

Theo thống kê của Bộ TT&TT, cả nước hiện có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện; 127 báo; 670 tạp chí và 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn đều đang sụt giảm nguồn thu, nhất là các đơn vị tự chủ hoàn toàn về tài chính. Khó khăn này một phần do cơ quan báo chí trong nước đang bị các nền tảng xã hội cạnh tranh về quảng cáo - truyền thông và cả người đọc, người xem.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số được xem là giải pháp then chốt giúp báo chí Việt Nam vượt qua những thách thức, tiếp cận với nhiều đối tượng độc giả hơn và tạo ra các mô hình kinh doanh mới.

Theo đó, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 6.4.2023. Thực tế, một số cơ quan, đơn vị đã triển khai các hoạt động chuyển đổi số, như: Xây dựng website, ứng dụng di động, tòa soạn hội tụ, báo chí đa nền tảng, phát triển nội dung đa phương tiện, áp dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất và biên tập... Nhiều tờ báo in, chương trình phát thanh, truyền hình đã chuyển sang sử dụng nền tảng Internet. Tuy nhiên, theo ý kiến của giới chuyên gia, quá trình chuyển đổi số báo chí Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu, với nhiều khó khăn, bất cập cần được giải quyết.

Ông Đồng Mạnh Hùng (Đài Tiếng nói Việt Nam) cho rằng: “Chuyển đổi số là tất yếu, nhưng không nên chỉ là những mệnh lệnh sáo rỗng từ nhà quản trị hay theo kiểu phong trào. Xét từ góc độ chuyên môn, chuyển đổi số phải có lộ trình, có chọn lọc, không phải dàn hàng ngang bê tất cả nội dung và hình thức đang có “quẳng” lên Internet. Hiện nhiều cơ quan đưa nguyên văn các sản phẩm báo chí đã xuất bản ở kênh phát thanh, ấn phẩm báo in, kênh truyền hình... lên nền tảng số và coi đó là nội dung số. Cách làm này là chưa phù hợp”.

Cùng ý kiến, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Media Group cho rằng: Bạn đọc ngày hôm nay phân mảnh rất sâu. Mỗi nhóm, thậm chí là từng cá nhân, có nhu cầu, cách tiêu thụ thông tin hoàn toàn khác biệt. Bởi vậy, cơ quan truyền thông cần nghiên cứu nhu cầu ấy để cá nhân hóa, tìm ra “điểm chạm” truyền thông phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Hiện các đơn vị đang chạy đua phát triển nhiều nền tảng, nhưng nội dung lại là bản sao của nhau, đây là sai lầm vì tạo ra nguy cơ triệt tiêu lẫn nhau trong hệ sinh thái nội dung số. Khi phát triển nội dung, báo chí cũng phải tính toán cách thể hiện với các đặc thù, phương thức riêng biệt. Từ đó, độc giả tiếp cận một nền tảng có thể nảy sinh nhu cầu xem, nghe nội dung đó trên những nền tảng khác, góp phần nuôi dưỡng hệ sinh thái…

Mở ra cơ hội hợp tác

Theo Báo cáo về tình hình thị trường Digital 2024 (báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội do Metwater và We are social công bố), đã có hơn 5 tỉ người dùng mạng xã hội trên toàn cầu, chiếm 62,3% dân số thế giới. Tại Việt Nam, năm 2023 hơn 70 triệu người (71% số dân) sử dụng mạng xã hội.

Trước thực tế đó, nhiều cơ quan đã sử dụng mạng xã hội như một kênh để lan tỏa thông tin báo chí của mình tới công chúng. Từ thực tế có thể thấy, mạng xã hội có thể là nguồn đề tài cung cấp thông tin cho báo chí. Người làm báo khai thác thông tin tại đây theo đúng quy định của Luật Báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp để hoàn thiện tác phẩm của mình. Từ những sự việc, hiện tượng được phản ánh trên mạng xã hội, nhiều vụ việc đã được phanh phui; nhiều tấm gương, nhiều hành động tốt đẹp được tôn vinh trên báo chí chính thống.

Khảo sát trên các nền tảng YouTube, Facebook, Zalo, bà Vũ Thị Kim Hoa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận thấy, đa số các cơ quan báo chí sử dụng mạng xã hội như một phương tiện kết nối, lan tỏa và chuyển tải thông tin tới công chúng. Khảo sát 29 trang báo điện tử, kênh truyền hình có sử dụng mạng xã hội YouTube, kết quả cho thấy, ANTV có số lượng đăng ký và tương tác cao nhất (7,17 triệu); tiếp đến là VTV24 (5,5 triệu); Báo Thanh Niên (5,75 triệu); VTC NOW (4,72 triệu)…

Khảo sát trên Facebook thì thấy ít cơ quan báo chí đầu tư tài khoản trên nền tảng này, lượng tương tác trực tiếp tại các bài đăng không nhiều, dù thường xuyên cập nhật tin nóng hổi trong ngày, kể cả các trang báo điện tử lớn. Ngoài ra, Zalo cũng là mạng xã hội bước đầu được một số báo chú ý sử dụng…

Sự phát triển của mạng xã hội mang đến cho báo chí cả thách thức và cơ hội. Ở mặt tiêu cực, nền tảng này cạnh tranh trực tiếp với báo chí chính thống, gây ảnh hưởng đến doanh thu. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng mở ra cơ hội hợp tác để báo chí khai thác nguồn thu mới. Có thể coi đây là hướng tiếp cận để báo chí có thể đồng hành, cộng sinh, hợp tác, góp phần phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số.

Nhiều ý kiến đề xuất nhà nước cần can thiệp, hỗ trợ kịp thời các cơ quan báo chí trong việc tăng cường sự hiện diện và triển khai hợp tác kinh doanh với các nền tảng mạng xã hội có số lượng người dùng lớn hiện nay; đồng thời hoàn thiện quy định pháp lý về bản quyền, sở hữu trí tuệ, kinh tế báo chí số… Cùng với đó, báo chí cần đầu tư vào mảng phân phối thông tin đa nền tảng, khai thác ưu thế mạng xã hội để xây dựng chiến lược nội dung, tiếp cận công chúng, phát triển thương hiệu, thay đổi tư duy sản xuất phù hợp với xu hướng thời đại.