Vở cải lương “Cành khế ngọt“: Đưa nghệ thuật truyền thống thành sản phẩm du lịch
VHO - Được đầu tư dàn dựng và công diễn nhằm hiện thực hoá chủ trương phát huy nghệ thuật biểu diễn vào phục vụ du lịch, vở cải lương thử nghiệm “Cành khế ngọt” của Nhà hát Cải lương Việt Namvừa có buổi ra mắt thành công vào đêm 30.12 tại Trung tâm Văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội.
TS.NSND Triệu Trung Kiên, tác giả kiêm đạo diễn vở Cành khế ngọt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, đây là vở diễn nằm trong dự án xây dựng các "Chương trình nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch" của Bộ VHTTDL. Tác phẩm đưa người xem trở lại những năm 30 của thế kỷ 20, khi nhân dân Việt Nam sống trong cảnh “1 cổ 2 tròng”, dưới 2 tầng áp bức. Vở diễn nhắc lại những ký ức đau buồn của quá khứ để thấy được giá trị đích thực của độc lập, tự chủ, hoà bình và ổn định xã hội hôm nay, từ đó phát huy tinh thần đại đoàn kết, hướng tới một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
“Việc đầu tư dàn dựng, công diễn vở Cành khế ngọt cũng là dịp để Nhà hát Cải lương Việt Nam trình bày và định hướng phong cách nghệ thuật của mình, quảng bá những nét hay, nét đẹp của nghệ thuật Cải lương Việt Nam – một loại hình nghệ thuật truyền thống, mang những đặc trưng của tự sự phương Đông nhưng kết hợp tài tình với nghệ thuật sân khấu phương Tây với mục đích tối cao là tiếp cận ngày càng nhiều hơn các tầng lớp khán giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là khán giả trẻ nhằm bảo tồn và phát huy cao độ nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam”, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam khẳng định.
Vở Cải lương Cành khế ngọt xoay quanh cuộc đời của Khế - thiếu nữ mới lớn, con gái của một gia đình tá điền. Bi kịch của Khế bắt đầu khi nàng rơi vào tầm ngắm của Quản Báu – một tên quản gia và chủ hắn là cụ Cả Hoành – một điền chủ giầu có nức tiếng. Họ là điển hình của tầng lớp bóc lột ở nông thôn Việt Nam những năm nửa đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, những tội ác, âm mưu đen tối, sự đểu cáng cả Quản Báu và Cả Hoành lại được che đậy rất kỹ dưới vỏ bọc của những bề trên bao dung, giầu lòng nhân nghĩa.
So với nhiều vở cải lương thông thường, tác phẩm Cành khế ngọt có thời lượng ngắn hơn, phù hợp hơn với đối tượng khách du lịch với nhiều thử nghiệm mới. Được sự tạo điều kiện thuận lợi từ lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, vở diễn đã được đặt trong một không gian cổ kính của kiến trúc 200 năm tuổi tọa lạc trong khu phố cổ Hà Nội. Điều này đã mang đến cho người xem những trải nghiệm nhiều mới lạ, độc đáo, khác hẳn các sân khấu truyền thống.
Phong cách biểu diễn cũng từ đây mà có những phá cách. Không gian biểu diễn sẽ không còn bị bó gọn trong một sân khấu hộp mà phảng phất hình bóng của các chiếu chèo. Nghệ sĩ trình diễn trước khán giả ở cả ba phía. Các hành động kịch được triển khai theo hình chữ thập, suốt cả chiều dọc và chiều ngang của kiến trúc, ngay sát cạnh người xem. Nghệ sĩ và khán giả đôi khi ở rất gần nhau làm nên sự tương tác và giao cảm rất thú vị.
Rất nhiều vị khách quốc tế như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc... có mặt tại buổi công diễn và đều tỏ ra vô cùng thích thú khi được thưởng thức nghệ thuật truyền thống cải lương trong một không gian văn hoá vô cùng ý nghĩa.
Khán giả Lee Sang Rae (người Hàn Quốc) rất hứng thú theo dõi từ đầu đến cuối chương trình. Dù không hiểu hết ý nghĩa các câu hát nhưng anh vẫn nắm được nội dung tác phẩm. “Tôi thấy vở diễn có nhiều tình tiết bất ngờ, cốt truyện và phần âm nhạc rất hay. Cách bố trí ghế ngồi xen giữa không gian biểu diễn cũng rất thú vị, khiến cho khán giả có cảm giác đang được hòa mình vào tác phẩm. Rõ ràng là một vở diễn của sân khấu truyền thống của Việt Nam nhưng đề tài và cách trình bày lại vô cùng hiện đại, hấp dẫn”, khán giả Lee Sang Rae chia sẻ.
Cành khế ngọt vốn dĩ là một kịch bản thuần cải lương nhưng khi đưa vào chương trình phục vụ khách du lịch, TS, Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên đã đưa vào rất nhiều những chất liệu văn hoá truyền thống dân gian từ nếp ăn ở, phong tục tập quán hội hè của người Việt.
Điều đặc biệt toàn bộ trang phục của các nhân vật trong tác phẩm được Công ty Ỷ Vân Hiên thiết kế và thực hiện, tái hiện nguyên bản hệ thống trang phục của người Việt ở đầu thế kỉ 20 với các mẫu dáng và đường nét may rất tinh xảo. Hệ thống phục trang đã góp phần diễn tả diện mạo văn hoá Việt vô cùng đặc sắc, khiến nhiều du khách có mặt trong buổi biểu diễn trầm trồ khen ngợi.
Thiết kế mỹ thuật của vở diễn do họa sĩ Hoàng Duy Đông đảm nhiệm. Với hình ảnh trung tâm là những nét chữ viết bằng bút và mực nho, trong đó chữ “Hỷ” (喜) – có ý nghĩa là niềm vui, niềm hạnh phúc, điều tốt lành, bị nét bút sắc nhọn như mũi dáo làm cho vỡ vụn. Điều đó như muốn nói chế độ phong kiến thủ cựu đầu thế kỷ XX đã trà đạp lên những quyền cơ bản của con người, đó là quyền được tự do, được sống, được mưu cầu hạnh phúc. Và tất yếu những người dân bị áp bức sẽ vùng lên đòi lại những quyền cơ bản cho mình.
Góp phần tạo nên sự thành công cho vở diễn còn có phần sáng tác âm nhạc của Nhạc sĩ, NSND Trọng Đài. Trong vở diễn này, đạo diễn cùng ê kíp sáng tạo đã sử dụng một cách có liều lượng các làn điệu đắt của âm nhạc cải lương như: Vọng cổ, Nam ai, Văn Thiên tường, Kim Tiền bản, Bài Hạ, Xàng xê, các điệu lý, các bản nhỏ ... Bên cạnh đó, nhạc sĩ Trọng Đài đã đưa vào 8 ca khúc sáng tác mới dựa trên những âm hưởng truyền thống, dân gian như vè, đồng giao, dân ca bắc bộ và cả nhạc hiếu… đã làm nên bữa tiệc âm nhạc vô cùng thú vị, làm vừa lòng không chỉ với những khán giả nghiền cải lương mà cả những khán giả mới tiếp cận cải lương.
Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cho biết thêm: Hình thái âm nhạc Tân - Cổ giao duyên vốn đã có từ trước đây, nhưng đưa nhiều ca khúc vào một vở Cải lương thì hầu như chưa được áp dụng. Vì vậy, thử nghiệm lần này cũng với mực đích tiếp cận nhiều hơn các tầng lớp khán giả mới đặc biệt là khán giả trẻ. Các bạn trẻ sẽ cảm nhận có gì đó tương đồng giữa một nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam với các loại hình nhạc kịch thế giới.
Các vai diễn chính trong tác phẩm lần này đã được Đạo diễn mạnh dạn giao cho các nghệ sỹ thế hệ trẻ nhất của nhà hát như Ngọc Linh (vai Khế), Tuấn Thịnh (vai Nền), Việt Anh (vai Quản Báu). Tuy các em còn phải phấn đấu thêm về ca hát, nhưng với sức trẻ, ngoại hình rất sáng sân khấu và sức diễn khá tốt đã góp phần tạo nên sức thanh xuân cho vở diễn.
Các nghệ sĩ đã thành danh của Nhà hát như: Quách Xuân Thông (vai cụ Cả Hoành), NSƯT Minh Lý (vai bà Ba), Thu Thảo (vai mẹ Khế) cùng dàn đồng ca: Minh Hải, Văn Đáng, Thu Hiền, Quỳnh Hương, Ngân Hà đã tạo nên chỗ dựa cho các nghệ sỹ trẻ, làm nên một dàn diễn viên hùng hậu cho vở diễn.Dàn đồng ca trong vở diễn không chỉ đóng vai trò dẫn chuyện bằng âm nhạc mà còn thêm một lần khẳng định sức dung nạp và chuyển hóa mạnh mẽ của nghệ thuật cải lương Việt Nam.
Tới xem ngồi trên ghế trúc, có trà thơm, bánh kẹo... và thưởng thức nghệ thuật trong một không gian văn hoá và đầy ý nghĩa tại một địa điểm của khu phố cổ Hà Nội. Đây là một điểm diễn lý tưởng phục vụ cho khách du lịch. Theo Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên, Nhà hát dự định sẽ duy trì triển khai lịch diễn đều đặn ở đây hàng tháng vào một số ngày cố định, nhằm xây dựng một điểm hẹn nghệ thuật cho khán giả ái mộ. Sau vở diễn Cành khế ngọt, Nhà hát cũng sẽ lựa chọn những tác phẩm phù hợp để đưa vào kịch mục vận hành điểm diễn này.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Trần Ly Ly nhận định: “Cành khế ngọt nằm trong chuỗi các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn đều hướng tới phục vụ khách du lịch. Tác phẩm đã đạt được mục đích mà Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn đặt ra đó là phải làm thật hay, bứt phá khỏi lối mòn của các chương trình biểu diễn du lịch lâu nay. Chúng tôi khuyến khích các tác phẩm như Cành khế ngọt với những tìm tòi sáng tạo mới mẻ và đặc biệt là chú trọng sự tương tác đối với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ”.