Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn nghệ thuật hướng về đồng bào vùng lũ

THANH MAI

VHO - Cuối tuần qua, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa Đông Nam Á công diễn vở cải lương Mặt trời đêm thế kỷ. Đây là hoạt động nằm trong Kế hoạch của Bộ VHTTDL tổ chức các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề.

Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn nghệ thuật hướng về đồng bào vùng lũ - ảnh 1
Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL Quản Văn Hải và Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên trao tặng giấy chứng nhận cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ tại chương trình

Tham dự chương trình có sự góp mặt của ông Quản Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL. Doanh thu bán vé sau khi trừ chi phí cần thiết và từ nguồn quyên góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ được thông qua Cục Nghệ thuật Biểu diễn gửi về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ cho bà con gặp thiên tai.

Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ, những tấm vé giá trị không lớn nhưng là sự chung góp từ mỗi quý vị khán giả, cùng công sức của toàn thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát với mong muốn làm vơi đi phần nào những đau thương, mất mát của đồng bào.

Vở cải lương Mặt trời đêm thế kỷ (tác giả Lê Duy Hạnh; đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai) giúp công chúng hiểu hơn về cuộc đời và con người của vị “anh hùng áo vải” Nguyễn Huệ - vua Quang Trung. Vở cải lương đã lý giải hàng loạt những khó khăn mà ông phải đối mặt trước khi lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc dẹp cuộc xâm lăng của quân Thanh. Đây là quãng thời gian anh em nhà Tây Sơn không còn nắm chặt tay nhau nữa, Nguyễn Huệ phải trải qua nhiều nỗi đau chia ly, mất mát, nhưng ông đã luôn đưa ra những lựa chọn đặt quyền lợi của nhân dân, vận mệnh quốc gia lên hàng đầu, tựa như vầng mặt trời chiếu sáng cả màn đêm thế kỷ...

Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn nghệ thuật hướng về đồng bào vùng lũ - ảnh 2

Chương trình không chỉ góp phần lan tỏa tình yêu lịch sử, văn hóa dân tộc đến với công chúng mà còn truyền đi thông điệp về truyền thống “tương thân tương ái” để những lúc gặp thiên tai, người dân Việt Nam sẽ biết “kết” thành một khối, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau vượt lên tất thảy những khó khăn.

Đảm nhận vai diễn Quang Trung, nghệ sĩ Quang Thuận bày tỏ, dù đã có nhiều năm đứng trên sân khấu, nhưng buổi biểu diễn hôm nay tất cả các nghệ sĩ đều có cảm xúc đặc biệt. Ai cũng cố gắng thăng hoa hết mình, không chỉ đem đến cho khán giả vở diễn chất lượng, mà quan trọng hơn, để công chúng thấy được tinh thần đóng góp của nghệ sĩ.

“Mỗi người một việc, người nghệ sĩ sẽ dùng chính tài năng của mình để đem đến cái hay, cái đẹp cho đời, đồng thời, lan tỏa được truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam ta; qua đó, chung tay giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra”, nghệ sĩ Quang Thuận chia sẻ.

Xúc động sau khi xem vở diễn, chị Lại Thị Diễm Quỳnh (22 tuổi, Long Biên) tâm sự: “Chương trình đã để lại cho mình ấn tượng khó quên. Không chỉ do nội dung quá xuất sắc, diễn viên nhập tâm, tỏa sáng trên sân khấu mà còn bởi ý nghĩa nhân văn. Mình tin toàn bộ khán giả hôm nay sẽ thêm yêu nghệ thuật cải lương, đồng thời, thấm nhuần tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái để cùng nhau vượt qua gian khó…”.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc