Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn hồi sinh qua lăng kính nghệ thuật
VHO - Tối 29.12, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn” đã diễn ra tại khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội), thu hút sự quan tâm của hơn 1.600 người. Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, tổng đạo diễn chương trình cùng lãnh đạo các cục, vụ, các đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL.
Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn do Bộ VHTTDL chỉ đạo, phối hợp thực hiện cùng 6 Nhà hát trực thuộc Bộ: Liên Đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát múa Rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam. Hơn 450 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân cùng các em thiếu niên, nhi đồng đã cùng nhau tạo nên một bức tranh nghệ thuật tràn đầy sức sống và cảm xúc, để lại dấu ấn khó quên trong lòng khán giả.
Hội tụ, sáng tạo và cùng nhau tỏa sáng
Trong không khí linh thiêng của mảnh đất ngàn năm văn hiến, chương trình nghệ thuật thực cảnh Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn như một chuyến hành trình nghệ thuật độc đáo, tái hiện những giá trị văn hoá và lịch sử của Thăng Long – Tứ Trấn. Huyền sử 4 vị thần hộ pháp trấn giữ kinh thành Thăng Long: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên và Quán Thánh.
Mỗi ngôi đền không chỉ là biểu tượng tín ngưỡng thiêng liêng mà còn thể hiện sự bảo vệ, che chở, giúp kinh thành luôn bình an và thịnh vượng qua các triều đại. Những câu chuyện huyền bí, cùng giá trị tâm linh của các thần linh này đã gắn liền với lịch sử của Thăng Long và đến giờ vẫn sống mãi trong lòng người dân Việt.
Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn được thiết kế với cấu trúc tứ cảnh, bao gồm các tiểu cảnh độc lập nhưng có sự kết nối mạnh mẽ để tạo thành một tổng thể nghệ thuật đầy cảm hứng. Mỗi phân cảnh đều mang một màu sắc riêng biệt, sử dụng các phương pháp nghệ thuật độc đáo để khắc họa sinh động những truyền thuyết, huyền thoại, cũng như phản ánh sâu sắc giá trị tín ngưỡng và tâm linh của dân tộc.
Tứ Bất Tử, Tứ Pháp, Tứ Trấn, Tứ Linh, mỗi đại cảnh mang đến những câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại độc đáo, phản ánh tín ngưỡng và giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam qua hơn 4000 năm lịch sử. Các tiểu cảnh này không chỉ giúp khán giả hiểu rõ hơn về những vị thần linh, mà còn nhấn mạnh mối liên kết giữa quá khứ và hiện tại.
Bắt đầu giới thiệu về Đền Bạch Mã, khán giả được cuốn vào khúc sử thi hoành tráng tái hiện tinh thần và tâm hồn dân tộc. Hình ảnh ngựa trắng xuất hiện qua kỹ thuật mapping 3D, dẫn dắt câu chuyện về thần Long Đỗ giúp vua Lý Công Uẩn xây thành Đại La. Múa Lục cúng hoa đăng tái hiện niềm vui của dân chúng khi vua đăng cơ, cùng với múa rồng, múa lân trong lễ hội. Các màn xiếc tung hứng, trình diễn Aria và hiệu ứng khói mờ ảo làm nổi bật khung cảnh huyền thoại, đưa khán giả trở về thời kỳ lịch sử huy hoàng, đầy linh thiêng.
Chương trình là có sự phối kết hợp hài hòa của lực lượng nghệ sĩ thuộc 6 loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống và đương đại: Kịch nói, tuồng, chèo, kịch, cải lương, xiếc và múa rối. Cùng với đó là những làn điệu âm nhạc đặc sắc của chèo, tuồng, ca trù, hát xẩm, nhã nhạc, dân ca ... được chắt lọc đưa lên một cách tinh tế, phù hợp với từng thời giai đoạn lịch sử.
6 Nhà hát mang đến những sắc thái độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Những làn điệu chèo ngọt ngào và lời ca dung dị tái hiện đời sống dân gian, kết nối con người và lịch sử qua khúc hát dân làng. Nghệ thuật tuồng đưa khán giả vào không gian trang nghiêm, hùng tráng của cung đình, với hình ảnh bốn vị thần hộ pháp Tứ Trấn uy nghi. Đặc biệt, các nghệ sĩ nghệ thuật xiếc và múa rối có cơ hội được khoe tài với những màn tranh đấu võ thuật, thể hiện tài năng phi thường hoặc những màn ma quỷ chiến đấu với các vị thần đầy huyền bí… Sự hòa trộn ăn ý giữa các loại hình nghệ thuật trên cùng một sân khấu đã thực sự minh chứng sức hấp dẫn và sáng tạo không giới hạn của nghệ thuật.
Trưởng đoàn cải lương thể nghiệm Nhà hát Cải lương Việt Nam NSƯT Trần Quang Khải chia sẻ: “Chúng tôi, những nghệ sĩ, luôn tận tâm và hết mình với từng vai diễn, dùng tất cả tài năng và niềm đam mê để thăng hoa trên sân khấu. Mỗi tiết mục là một sự cống hiến không ngừng nghỉ, nhằm làm nổi bật vẻ đẹp và bản sắc của nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam. Cả ê-kíp chương trình mong muốn không chỉ tái hiện chân thực mà còn khơi dậy những giá trị văn hóa sâu sắc, kết nối quá khứ và hiện tại, mang lại cho khán giả những trải nghiệm đầy cảm xúc.”
Điểm nhấn nổi bật của chương trình là sự kết hợp tinh tế giữa công nghệ ánh sáng và mapping 3D, tạo ra không gian nghệ thuật vừa hoành tráng vừa uy nghi. Ánh sáng hòa quyện cùng những màn biểu diễn của các nghệ sĩ tài năng, khiến các hình tượng thần thánh và di tích lịch sử trở nên sống động, mạnh mẽ, mang đến cho khán giả cảm giác huyền bí của những câu chuyện ngàn năm.
Các hình ảnh linh thiêng như các vị thần hộ pháp, rồng bay qua bầu trời, hay cảnh chiến đấu anh hùng được tái hiện đầy kịch tính. Cùng với âm nhạc dồn dập và ánh sáng chuyển động linh hoạt, chương trình đưa người xem vào một không gian huyền thoại, đem lại cảm giác thăng hoa, uy nghi và hào hùng.
Khép lại chương trình bằng tiết mục Nghìn năm Thăng Long – Hồn thiêng Tứ Trấn, hình ảnh cả 4 vị thần Tứ Trấn xuất hiện đầy uy nghi hòa cùng tiếng hát sâu lắng của NSND Thanh Lam đã tái hiện sống động không gian linh thiêng, tôn vinh di sản. Ca khúc Thăng Long ngàn năm vững bền vang lên hùng tráng, kết hợp múa rối, công, sư tử, long lân quy phụng và những hoạt cảnh rực rỡ,... đã khơi dậy niềm tự hào mãnh liệt về một Thăng Long trường tồn, biểu tượng của sức mạnh đoàn kết và tinh thần dân tộc bất khuất.
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra chuỗi hoạt động trải nghiệm đậm chất văn hóa “trăm nghề kinh kỳ”, bao gồm 6 khu vực trải nghiệm: Khu trò chơi ô ăn quan, khu trải nghiệm làng Ngũ Xã, làng Giấy Dó Cốt, làng Gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc và làng cốm Vòng kèm theo biểu diễn ca trù cộng đồng.
Những hoạt động này không chỉ mang lại cho du khách những khoảnh khắc tìm hiểu văn hoá mà còn góp phần tăng tính kết nối giữa khán giả và các giá trị truyền thống.
Khán giả “no” con mắt trước tinh hoa nghệ thuật
Hơn 1.000 khán giả đã đến từ rất sớm, háo hức xếp hàng chờ đợi, mong muốn được chiêm ngưỡng những tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Sự đông đảo này chính là minh chứng rõ ràng cho sức hấp dẫn mạnh mẽ của chương trình. Trong suốt buổi diễn, không ai có thể rời mắt khỏi sân khấu, cảm xúc dâng trào và những tràng vỗ tay không ngừng vang lên, khi khán giả bị cuốn hút bởi những màn trình diễn hùng tráng, đầy ấn tượng.
Chương trình đã không chỉ đáp ứng mong đợi về mặt nghệ thuật mà còn chạm đến những cảm xúc sâu lắng trong lòng người xem. Sự kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc, múa, diễn xuất và các yếu tố công nghệ ánh sáng đã tạo nên một không gian nghệ thuật sống động, khiến mỗi khán giả như được hòa mình vào không gian của những câu chuyện, những giá trị văn hóa được tái hiện đầy sống động.
Dẫn con đến xem chương trình, chị Phạm Thị Thùy Linh (37 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xúc động chia sẻ: "Chương trình cuốn hút từ những giây phút đầu tiên, ẩn chứa giá trị giáo dục sâu sắc. Con tôi đã có cơ hội hiểu thêm về lịch sử và văn hóa dân tộc qua từng tiết mục. Mỗi cảnh diễn đều truyền tải thông điệp ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, con tôi không chỉ hiểu mà còn yêu thích lịch sử dân tộc, nhận thức hơn rõ về các loại hình nghệ thuật truyền thống, từ đó nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước trong."
Những hình ảnh và cảm xúc mà khán giả trải chắc chắn sẽ sẽ còn đọng lại trong tâm trí họ lâu dài. Chương trình xứng đáng trở thành một dấu ấn nghệ thuật đáng nhớ trong lòng công chúng.
Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn không dừng lại là chương trình nghệ thuật mà đây còn là bước đi đột phá trong việc phát triển nghệ thuật biểu diễn, tạo nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Với mục tiêu tạo tiếng vang và bảo tồn văn hóa, chương trình góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển bền vững ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời củng cố giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng, nhấn mạnh, chương trình tôn vinh, lan tỏa được những giá trị lịch sử và di sản văn hóa truyền thống của đất nước. Sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại sẽ thắp sáng niềm tự hào và tình yêu đối với văn hóa Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
“Trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực xây dựng nền công nghiệp văn hóa, chương trình hứa hẹn sẽ là một sản phẩm nghệ thuật đặc sắc, góp phần kích cầu du lịch và thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa. Với phiên bản đầu tiên, ê-kíp chương trình mong muốn tạo ra dấu ấn sâu sắc, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc để bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa Việt Nam”, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng bày tỏ.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ trấn của các nhà hát thuộc Bộ VHTTDL mục đích triển khai thực hiện Quyết định số 3722/QĐ-BVHTTDL về việc triển khai “Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh tại Hoàng Thành Thăng Long” thuộc nhiệm vụ “Xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua xây dựng, tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ khách du lịch”.
Sự thành công của Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ trấn đã cho thấy đã tới lúc cần có những chuỗi sản phẩm nghệ thuật phục vụ du lịch gắn với tên tuổi và thương hiệu của các nhà hát. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là làm sao có những sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của khán giả ngày hôm nay từ những thương hiệu nhà hát mang tầm quốc gia.