Chương trình nghệ thuật thực cảnh tại Hoàng thành Thăng Long phải được tổ chức chuyên nghiệp và hiệu quả

MINH HÀ

VHO - Chiều 28.11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã chủ trì cuộc họp báo cáo Kế hoạch triển khai nhiệm vụ “Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh tại Hoàng thành Thăng Long” thuộc nhiệm vụ “Xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua xây dựng, tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ khách du lịch”.

Chương trình nghệ thuật thực cảnh tại Hoàng thành Thăng Long phải được tổ chức chuyên nghiệp và hiệu quả - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì cuộc họp

Trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng di sản văn hóa để phát triển du lịch không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần khẳng định vị thế văn hóa của Việt Nam trên trường quốc tế. Những chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, được thực hiện một cách sáng tạo sẽ không chỉ là điểm nhấn của ngành du lịch mà còn là phương thức truyền tải những giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của đất nước. Đây là bước đi đúng đắn, góp phần thúc đẩy du lịch di sản văn hóa trở thành mũi nhọn phát triển trong ngành du lịch Việt Nam.

Theo đó, Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh tại Hoàng thành Thăng Long dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15.12 tới đây với sự kiện “Việt Nam – Huyền Sử Diễn Ca” - Thăng Long - Tứ Trấn. Sự kiện được xây dựng như một sản phẩm du lịch đẳng cấp, thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch di sản toàn cầu.

Sự kiện dự kiến bao gồm chuỗi các chương trình gồm: Các hoạt động – Khu vực trải nghiệm tiền chương trình và Chương trình “Việt Nam – Huyền Sử Diễn Ca” – Thăng Long – Tứ Trấn.

Trong đó, các hoạt động - Khu vực trải nghiệm tiền Chương trình, ở đó với những du khách đam mê chụp hình, Chương trình “Việt Nam - Huyền sử diễn ca” tại Hoàng thành Thăng Long sẽ mang đến vô số góc chụp độc đáo và ấn tượng. Du khách có thể thả mình vào không gian tái hiện bốn đền Tứ Trấn linh thiêng: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên và Quán Thánh.

Ngoài ra, những mô hình cổng thành Thăng Long, “rừng nón lá”, phố cổ Hà Nội, hay các không gian tái hiện nghề truyền thống như làm nón, viết thư pháp sẽ trở thành phông nền hoàn hảo cho các bức ảnh. Mỗi góc chụp đều được thiết kế tinh tế, mang lại cảm giác vừa hoài cổ vừa mới lạ, giúp du khách lưu giữ những khoảnh khắc đẹp trong hành trình khám phá lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Trước khi bắt đầu chương trình chính, du khách tham gia “Việt Nam - Huyền sử diễn ca” sẽ có cơ hội trải nghiệm các workshop văn hóa và nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Các workshop này tập trung vào việc giới thiệu và hướng dẫn các nghề thủ công lâu đời của Việt Nam, từ làm nón lá, in tranh dân gian Đông Hồ, làm gốm Bát Tràng đến thư pháp và may áo dài truyền thống.

Du khách sẽ được tự tay thực hiện các công đoạn thủ công dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân lành nghề, giúp họ hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa và nghệ thuật của từng nghề. Đây không chỉ là hoạt động trải nghiệm thú vị, mà còn mang lại những món quà lưu niệm độc đáo do chính du khách tạo ra, giúp họ gắn kết với lịch sử và truyền thống văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

Các workshop này sẽ diễn ra tại nhiều không gian khác nhau trong khuôn viên Hoàng thành, tạo nên không khí nhộn nhịp và đầy sáng tạo, đồng thời giúp du khách có thêm kiến thức và kỷ niệm khó quên về văn hóa Việt Nam.

Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca" dự kiến sẽ diễn ra vào 20h ngày 15.12.2024; năm 2025 dự kiến sẽ thực hiện vào đầu tháng 3, 6, 9 và 12.

Dự kiến nội dung chương trình gồm 6 màn nghệ thuật được xây dựng kĩ lưỡng, chi tiết: Mở đầu “Sinh mệnh - Khởi nguồn Thăng Long”; “Đền Bạch Mã - Trấn Đông Thăng Long”; “Đền Voi Phục - Trấn Tây Thăng Long”; “Đền Kim Liên - Trấn Nam Thăng Long”; “Đền Quán Thánh - Trấn Bắc Thăng Long” và Màn kết “Thăng Long thịnh vượng - Hội nhập và phát triển”.

Theo báo cáo từ các đơn vị tại buổi làm việc, hiện công tác chuẩn bị đang được các đơn vị gấp rút thực hiện. Tiến độ công việc được đảm bảo theo đúng thời gian được quy định.

Chương trình nghệ thuật thực cảnh tại Hoàng thành Thăng Long phải được tổ chức chuyên nghiệp và hiệu quả - ảnh 2
Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động, tích cực thực hiện các hạng mục theo đúng tiến độ đã đề ra. Đồng thời, thường xuyên đề xuất và báo cáo kịp thời các nội dung mới, vấn đề phát sinh cho Lãnh đạo Bộ để có hướng giải quyết phù hợp, nhằm đảm bảo Chương trình “Việt Nam - Huyền sử diễn ca” được tổ chức chuyên nghiệp và hiệu quả.

Việc đảm bảo an toàn trong quá trình thi công và tổ chức Chương trình là một nhiệm vụ quan trọng. Các đơn vị chịu trách nhiệm thi công và lắp đặt các hạng mục cần tuân thủ nghiêm tiêu chuẩn an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, các quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo an toàn cho khán giả tham gia sự kiện.

Tất cả các hoạt động liên quan đến truyền thông và quảng bá sự kiện cần được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, bao gồm việc phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình, các kênh truyền thông trực tuyến để tạo sức lan tỏa cho Chương trình. Các đơn vị phụ trách cần báo cáo tiến độ và kết quả truyền thông cho Bộ VHTTDL theo từng giai đoạn cụ thể.

“Chương trình “Việt Nam - Huyền sử diễn ca” hướng tới việc thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch văn hóa di sản Việt Nam một cách bền vững. Chương trình không chỉ mang lại trải nghiệm nghe và nhìn đầy thỏa mãn, mà còn tạo dấu ấn sâu sắc với khán giả nhờ việc truyền tải các giá trị văn hóa cốt lõi, lịch sử lâu đời của Việt Nam, đặc biệt là khu di tích Hoàng thành Thăng Long - biểu tượng của văn hóa dân tộc qua hơn 1.000 năm lịch sử”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.