Tổng duyệt chương trình nghệ thuật “Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn”
VHO - Tối 28.12, vượt lên sự khắc nghiệt giá lạnh của thời tiết, 450 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, thiếu niên nhi đồng đã nỗ lực để có một buổi tổng duyệt chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn” vô cùng ấn tượng, đặc sắc tại 19C Hoàng Diệu. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, tổng đạo diễn chủ trì buổi tổng duyệt. Chương trình sẽ diễn ra chính thức vào tối nay (29.12).
Chương trình nghệ thuật thực cảnh Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn là sự kết hợp đặc biệt giữa công nghệ trình diễn hiện đại kết hợp với nghệ thuật đại chúng trên một sân khấu đại cảnh. Hơn 100 diễn viên chuyên nghiệp từ 6 nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL cùng sự góp mặt của cả các diễn viên quần chúng ở nhiều lứa tuổi, tạo nên một bức tranh nghệ thuật đa sắc màu và đầy sức sống.
Sẵn sàng cho đêm nghệ thuật hoành tráng
Mặt tiền trước cổng Hoàng Thành (Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long), một sân khấu hoành tráng đang được hàng trăm nhân viên kỹ thuật và công nhân gấp rút hoàn thiện các bước cuối cùng.
Sân khấu được thiết kế thành ba tầng độc đáo, mang đến sự đa dạng và sáng tạo. Tầng chính nằm ở trung tâm, dành cho các tiết mục xiếc, tạp kỹ và các hạng mục sắp đặt quy mô lớn. Tầng thứ hai là sân khấu thủy đình, nơi các màn rối cạn và tạp kỹ. Tầng cuối cùng, sân khấu thực cảnh được trang bị lớp nilon, thành thép bọc và hệ thống bơm nước, tạo nên hiệu ứng đầm lầy, sông, biển sống động.
Theo Ban tổ chức, với khối lượng công việc lớn và thời gian gấp rút, các đơn vị thi công đã phải “chạy đua với thời gian” làm việc liên tục từ sáng sớm và tăng ca xuyên trưa để kịp tiến độ, đảm bảo chương trình chính thức diễn ra đúng kế hoạch.
Chỉ đạo tại buổi tổng duyệt chương trình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhận định, chương trình nghệ thuật lần này mang tính chất tổng hợp, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, múa rối, ca nhạc,… và biểu diễn đương đại. Không dừng lại ở một chương trình nghệ thuật đơn thuần, đây còn là bước phát triển mới trong việc truyền tải các câu chuyện lịch sử bằng nhiều hình thức nghệ thuật, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia.
Đặc biệt, chương trình vừa sự tham gia của nghệ sĩ chuyên nghiệp đồng thời còn huy động đông đảo lực lượng quần chúng, từ người dân địa phương, thiếu nhi đến các nhóm xã hội hóa, tạo nên hướng đi mới cho nghệ thuật với tính đại chúng cao. Điều này góp phần lan tỏa giá trị lịch sử và truyền thống Việt Nam, vừa mang tính tuyên truyền, vừa đảm bảo giá trị nghệ thuật và thu hút khách du lịch.
Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, những chương trình như này cần được đầu tư tổ chức thường xuyên hơn, khai thác sâu hơn nét đẹp độc đáo của văn hóa dân tộc, qua đó khẳng định vai trò của nghệ thuật trong việc quảng bá văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn là sự kết tinh của các giá trị văn hóa truyền thống, tái hiện và tôn vinh những biểu tượng linh thiêng của Thủ đô, từ di sản Hoàng Thành Thăng Long đến Thăng Long - Tứ Trấn. Đây là những dấu ấn gắn liền với lịch sử ngàn năm văn hiến, đồng thời, phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt qua nhiều thế hệ.
Đáng chú ý, chương trình nghệ thuật thực cảnh này không chỉ hấp dẫn bởi nội dung mà còn nhờ sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ. Các kỹ thuật tiên tiến như âm thanh, ánh sáng hiện đại, mapping 3D, đồ họa thực tế ảo… đã được ứng dụng để mang lại hiệu ứng thị giác ấn tượng cho khán giả.
Với thời lượng 80 phút, mỗi khung cảnh, mỗi câu chuyện trong chương trình đều được thổi hồn qua sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật trình diễn truyền thống và công nghệ tương tác sân khấu hiện đại, hứa hẹn mang đến một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo.
Chương trình Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn là phiên bản đầu tiên trong chuỗi chương trình nghệ thuật dài hạn, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Với mục tiêu tạo tiếng vang, bảo tồn và phát triển văn hóa bền vững, chương trình mong muốn quảng bá hình ảnh Thăng Long, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đến du khách trong nước và quốc tế.
Quyết tâm đem đến trải nghiệm độc đáo cho khán giả
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị, tinh thần của các nghệ sĩ và ê-kíp thực hiện chương trình nghệ thuật thực cảnh Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn luôn đầy nhiệt huyết và quyết tâm.
Các nghệ sĩ không ngừng luyện tập để thể hiện tài năng và truyền tải thông điệp sâu sắc về lịch sử, văn hóa dân tộc. Mỗi động tác, mỗi nốt nhạc đều được thực hiện với sự tận tâm để mang lại cho khán giả những khoảnh khắc ấn tượng.
Bên cạnh đó, ê-kíp hậu cần và kỹ thuật làm việc cật lực để đảm bảo âm thanh, ánh sáng và các hiệu ứng kỹ thuật như mapping 3D hoạt động hết năng suất. Vì thời gian gấp rút, đội ngũ không ngừng tăng ca để kịp tiến độ.
Dù có lúc mệt mỏi nhưng bằng sự quyết tâm, đồng lòng và đam mê nghệ thuật, ekip chương trình đề nỗ lực vượt qua thử thách, hoàn thành tốt công việc.
Là diễn viên trong đội rước kiệu của phần giới thiệu đền Voi Phục trong chương trình, cô Nguyễn Thị Phượng (67 tuổi, Ba Đình) bày tỏ: “Chứng kiến quy mô hoành tráng của chương trình, đồng thời thấy sự góp mặt của nhiều diễn viên quần chúng, tôi cảm thấy vinh dự và tự hào khi lần đầu được góp một phần công sức cho chương trình. Tôi hy vọng trong tương lai, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều chương trình nghệ thuật ý nghĩa như thế này để người dân có thể cảm nhận và hiểu rõ hơn về lịch sử qua một góc nhìn mới mẻ và đầy cảm hứng.”
Chương trình nghệ thuật thực cảnh Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn sẽ được Bộ VHTTDL tổ chức vào lúc 20h00 ngày 29.12 tại Hoàng Thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội).
Ngoài chương trình, sự kiện còn bao gồm các sân khấu trải nghiệm và nhiều hoạt động phụ hấp dẫn như khu trưng bày làng nghề truyền thống Ngũ Xã đúc đồng, các gian hàng sản phẩm địa phương… Đây hứa hẹn sẽ là điểm nhấn đáng nhớ, khép lại năm 2024 một cách trọn vẹn, đồng thời tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và sức sống của các ngành nghề thủ công đặc sắc của đất nước.