Vở kịch “Ngược chiều bình an”:

Truyền cảm hứng về lý tưởng sống đẹp

THUÝ HIỀN

VHO - Nhà hát Kịch Việt Nam vừa ra mắt vở kịch Ngược chiều bình an lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về sự hi sinh anh dũng của ba cảnh sát phòng cháy chữa cháy trong khi làm nhiệm vụ.

Truyền cảm hứng về lý tưởng sống đẹp  - ảnh 1
Những người cảnh sát PCCC là hình tượng trung tâm của vở kịch

Dưới bàn tay dàn dựng của NSƯT Kiều Minh Hiếu, kịch bản của tác giả Thiên Ân cùng sự tham gia của những nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam, tác phẩm đã mang tới cho người xem những khoảnh khắc rơi lệ và thấu hiểu hơn sự hi sinh thầm lặng những vĩ đại của những người lính cứu hoả trong cuộc sống đời thường.

Vở kịch không chỉ tái hiện chân thực những nhiệm vụ hiểm nguy của người cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) mà còn đi sâu vào thế giới nội tâm của những người luôn đối diện lằn ranh sinh tử. 

Vở kịch xoay quanh ba nhân vật chính Vũ Trọng Thanh (Thế Nguyên), Ngô Trung Tuấn (Ba Duy) và Hoàng Nhật Linh (Vũ Tuấn).

Mỗi người đều có câu chuyện riêng nhưng họ đều hiện lên với những trăn trở đời thường về tình yêu, tình thân, trách nhiệm và lý tưởng nghề nghiệp.

Đạo diễn NSƯT Kiều Minh Hiếu, Phó Giám đốc điều hành Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết ê kíp sáng tạo gặp nhiều áp lực khi xây dựng vở kịch dựa trên câu chuyện có thật. 

“Ê kíp lựa chọn những chi tiết chân thực nhất, cách khai thác gần gũi để đưa tác phẩm lên sân khấu. Ngược chiều bình an không chỉ là vở kịch đầy chi tiết cảm động mà còn có nhiều chi tiết nhẹ nhàng, hài hước, khắc họa rõ nét hơn về đời sống, tâm tư của những người lính cứu hỏa", NSƯT Kiều Minh Hiếu nói.

Ngoài ra để đảm bảo tính chính xác về chuyên môn, ê kíp đã tham vấn, nhận sự hỗ trợ từ các chuyên gia, cán bộ trong ngành.

Truyền cảm hứng về lý tưởng sống đẹp  - ảnh 2
Đi sâu vào khai thác những tình tiết đời thường của người lính

Chia sẻ thêm về quá trình dàn dựng vở kịch, NSƯT Kiều Minh Hiếu cho biết ê-kíp sáng tạo luôn tìm tòi, nghiên cứu để có được các giải pháp tối ưu, tạo nên một sân khấu ấn tượng, mang tính biểu tượng cao.

"Việc sử dụng các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, trang trí sân khấu đã góp phần quan trọng vào việc thể hiện được những yếu tố như khói lửa, hy sinh của các chiến sĩ cảnh sát", NSƯT Kiều Minh Hiếu nêu. Có phân cảnh trên sân khấu đã sử dụng lửa thật để minh họa.

Cảnh kết của vở kịch để lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Nhiều người không kìm được nước mắt khi chứng kiến ba chiến sĩ ngã xuống giữa đám cháy, hy sinh vì nhiệm vụ.

Cảnh kết là những nỗi niềm tiếc thương của người ở lại và những mong ước chưa thành của người lính cứu hỏa càng khắc sâu thêm hình ảnh người chiến sĩ luôn sống và chiến đấu vì bình yên của bao người dân. 

“Ê kíp sáng tạo chủ đạo của Nhà hát Kịch Việt Nam đã giúp cho chúng tôi có sự phối hợp cực kì ăn ý với nhau. Tác giả là cha đẻ của kịch bản văn học và đạo diễn là người cha đẻ thứ 2 của tác phẩm sân khấu.

Tác giả sẵn sàng trao đổi và chỉnh sửa các yêu cầu của đạo diễn và cả những chia sẻ từ người diễn để giúp sao cho vở kịch đạt tính thống nhất cao và các hình tượng nhân vật trở nên chân thực nhất, tạo nên những hiệu quả cao từ sự thống nhất cho một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh, đậm tính chuyên nghiệp”, đạo diễn – NSƯT Kiều Minh Hiếu chia sẻ. 

Truyền cảm hứng về lý tưởng sống đẹp  - ảnh 3
Lối diễn chân thật, dung dị đã thu hút khán giả

NSND Tạ Tuấn Minh (tức tác giả Thiên Ân) cho biết: “Sân khấu thường chú ý tới khai thác, đề cao những hình tượng và sự hi sinh của người chiến sĩ công an nhân dân.

Nhưng vở kịch này, ê kíp sáng tạo mong muốn khai thác thật sâu về cuộc sống đời thường cũng như những khó khăn, vất vả và cả những nỗi sợ hãi của bản thân người lính, từ đó lý giải vì sao những người lính phòng cháy chữa cháy có được lý tưởng sống cao đẹp.

Chính những yếu tố đời thường, những sâu thẳm trong nội tâm của người lính mới làm nên những điều vĩ đại”.

Các nghệ sĩ: NSND Lâm Tùng, NSƯT Nông Dũng Nam, diễn viên Thanh Hường, Diễm Hương, Hồng Phúc, Hồng Quang, Tô Dũng... dẫu ở vai chính diện hay phản diện, vai chính hay phụ nhưng đều tạo được sự phối hợp ăn ý, làm sáng rõ hơn các nhân vật chính trung tâm của kịch.

Truyền cảm hứng về lý tưởng sống đẹp  - ảnh 4
Những nguy cơ tiềm ẩn cho hoả hoạn luôn hàng ngày, hàng giờ đối với người lính PCCC

Tác giả cho biết:  “Bác Hồ đã từng chúc lực lượng cảnh sát PCCC ở cái tết hoà bình đầu tiên trở về Hà Nội năm 1955 với lời chúc: “Nhân dịp năm mới, Bác mong các chú thất nghiệp…”. Khi ê kíp sáng tạo chúng tôi dàn dựng vở kịch mới thấy thấm thía câu chúc của Bác Hồ hơn rất nhiều.

Nhất là ở thời điểm này khi mà xã hội hiện đại hàng ngày, chúng ta đang phải chứng kiến với bao vụ tai nạn, hoả hoạn và bao nhiêu con người đã chết đầy thương tâm”.

 Sức hấp dẫn của vở kịch đó là các chi tiết rất đời thường, không hô hào, cổ động nhưng đằng sau đó là sự cố gắng, sự chống trọi để đạt lý tưởng của người lính công an phòng cháy chữa cháy. 

Những tiếng khóc nghẹn nức nở nhất là đoạn kết của vở khi 3 người chiến sĩ công an đã hi sinh anh dũng, mỗi người hiện lên với những không gian đối thoại với người thân trong gia đình.

Gương mặt đẫm lệ, nước mặt lặng lẽ tuôn rơi, một khán giả chia sẻ: “Tôi cảm nhận được phần nào ý tưởng của vở kịch đó là sự khẳng định sự ra đi cao đẹp của những người lính PCCC, họ đã làm tròn nhiệm vụ và sứ mệnh của họ để ra đi thanh thản.

Trong lời tự sự của mỗi người lính với mẹ, với vợ, với người yêu: Con nợ mẹ và gia đình một chuyến đi du lịch xa, Em ơi, anh nợ em một đám cưới...

Và những lời khẳng định của người thân của họ đã cho thấy sự tự nguyện dấn thân vào hiểm nguy và trả giá bằng tính mạng đã là điều tất yếu đối với người cảnh sát PCCC, và hơn thế đó là những người thân của họ cũng sẽ phải chấp nhận”. 

Chạm đến một đề tài thời sự có thật, hơn thế lại xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy là điều không dễ dàng nhưng với tình yêu, sự trân trọng, cảm phục từ những câu chuyện có thật ngoài đời của những sự hi sinh cao cả mà ê-kip sáng tạo đã cùng nhau tạo nên một tác phẩm thật sự xúc động.

Vở kịch tiếp tục được công diễn vào các ngày 5, 11 ,12, 18.4 tại Nhà hát Kịch Việt Nam.