Chuyện gì đang xảy ra ở thị trường nhạc trẻ?

Tràn lan nhạc rác

HỒNG HẠNH - THÙY TRANG

VHO - Âm nhạc là một phần không thể thiếu của cuộc sống, khi vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, vừa là “liều thuốc” cho sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tác giả đã lấy cớ “đáp ứng thị hiếu đám đông” để cho ra đời những sản phẩm phản cảm, mang ý nghĩa tiêu cực. Đặc biệt phải nhắc tới dòng nhạc rap, bên cạnh những bài hát được phủ sóng rộng thì nhiều sản phẩm chế thơ, xuyên tạc lịch sử, lời lẽ dung tục… đang trở thành trào lưu đáng bị lên án.

Tràn lan nhạc rác - ảnh 1

Ca từ dung tục, phảm cảm trong “Fever” của Tlinh và Coldzy

Ca từ khiến người nghe… “đỏ mặt”

Mới đây nhất, Fever của Tlinh và Coldzy có ca từ liên tưởng tới chuyện “18+” đã khiến đông đảo công chúng phải bất bình lên tiếng. Ca khúc phát hành từ ngày 4.6, sau hơn 3 tuần đã có gần 1 triệu lượt nghe cùng hàng ngàn bình luận trên YouTube. Fever lan truyền trên các trang nhạc trực tuyến với lượt tương tác rất cao; thậm chí, ở nền tảng TikTok, Fever còn được sử dụng làm nhạc nền cho hơn 4.000 video. Trong ca khúc này, hai nghệ sĩ Gen Z đã sử dụng những lời lẽ phản cảm, trần trụi, thô tục, khiến người nghe phải “đỏ mặt tía tai”…

Tuy nhiên, đáng lo ngại là sản phẩm chẳng hề được dán mác 18+, phải đến khi dân mạng “la ó” thì chủ nhân ca khúc mới vội vàng thêm nhãn hạn chế. Không chỉ với Fever, trước đó Tlinh đã nhiều lần vướng tranh cãi vì các bài hát nhố nhăng, màn trình diễn khêu gợi bị công chúng gọi là “nhạc rác” như Ghệ iu dấu của em ơi, Strip ‘em Down

Có thể thấy, nhạc rap đã có “số má” với loạt ca khúc gây sốc suốt thời gian qua, việc mang yếu tố 18+ vào ca từ vẫn chỉ là “câu chuyện cũ”. Như đầu năm 2024, ca khúc Để ai cần của rapper Bray cũng bị khán giả phản ứng vì nội dung sống sượng với những lời thóa mạ, trù ẻo người yêu cũ một cách khó có thể chấp nhận. Hay trước đó, Mua cho con chiếc còng tay của rapper Chị Cả từng khiến ai nghe qua cũng phải hoảng hốt vì cổ xúy chuyện tình cảm loạn luân bệnh hoạn.

Tương tự, Bình Gold cũng không xa lạ gì khi sở hữu loạt MV khai thác chuyện “giường chiếu” dung tục hay tán dương lối sống ăn chơi như: Lái máy bay, Ông bà già tao lo hết, Bốc bát họ, Quan hệ rộng, Trơn… Thậm chí, có sản phẩm còn báng bổ đạo Phật khiến dư luận phẫn nộ, như bài rap Thích Ca Mâu Chí của nhóm Rap nhà làm. Trước đó, nhan nhản những sản phẩm không khác gì thuốc “kích dục” như Áo mưa, Phiếu bé ngoan… của Yanbi, Mr T hay Như cái lò của Khắc Hưng và Huyền Sambi khiến thị trường nhạc rap càng thêm bát nháo.

Thực tế, dòng nhạc rap với chủ đề này bắt đầu nổi lên ở thị trường phương Tây, vốn rất phóng khoáng, từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, khán giả Việt Nam lại không dễ dàng tiếp nhận những sản phẩm quá táo bạo hay đi ngược với thuần phong mỹ tục. Vì thế, việc liên tiếp xuất hiện các ca khúc “nhạc rác, nhạc ô nhiễm” đã khiến công chúng hoang mang đặt câu hỏi: “Liệu nhạc trẻcó đang ngày càng dung tục hóa?”.

Xử phạt “giơ cao đánh khẽ”

Không thể phủ nhận những sản phẩm phản nghệ thuật, rác văn hóa lại đánh trúng tâm lý tò mò của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Có thể vì thế mà nhiều nghệ sĩ dẫu vẫn biết sáng tạo của mình là phi giá trị, nhưng họ vẫn chấp nhận chọn lối đi này để tạo sự chú ý cũng như tìm kiếm lợi nhuận.

Để các ca khúc này được lan rộng, nhiều nghệ sĩ cũng nắm rõ “chiêu” tận dụng các nền tảng mạng xã hội để khiến khán giả phải nghe chủ động hoặc thụ động. Thế nhưng, hệ lụy của “nhạc “rác” là điều không thể tưởng tượng. Việc sử dụng lời lẽ, hình ảnh phản cảm, dễ dãi không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng người nghe mà còn tạo nên nhiều tranh cãi về giáo dục âm nhạc và trách nhiệm của nghệ sĩ. Những ca khúc mang thông điệp tiêu cực, khích lệ hành vi xấu sẽ dễ dàng ảnh hưởng đến tư duy và hành vi của thế hệ trẻ.

Không ít sản phẩm nhạc rác đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, nhưng dường như chế tài xử phạt vẫn chưa đủ mạnh để dọn sạch chúng trên không gian mạng. Bởi thực tế, những khoản thu “khủng” từ các ca khúc có lượt xem cao đã khiến con số xử phạt trở thành… số lẻ, chả đáng là bao!

Không những vậy, có một thực trạng hiện nay là việc phát hành ca khúc quá dễ dàng. Về mặt pháp lý, tất cả các MV nếu có sai phạm đều phải chịu xử lý theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo; Điều 3 của Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định những điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Tuy nhiên, trên thực tế thì cá nhân nào cũng có thể tự hát, tự thu, tự quay MV rồi đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội, việc này không cần xin giấy phép phát hành và cũng không bị kiểm duyệt. Chỉ đến khi dư luận phản ứng, người nghe tẩy chay thì “cha đẻ” ca khúc mới lên tiếng xin lỗi và gỡ bỏ như để thể hiện trách nhiệm. Vì vậy, việc tràn lan sản phẩm “rác văn hóa” cũng là điều dễ hiểu. Những nội dung độc hại, ca từ nhảm nhí ấy sau khi tự do “tung hoành” đã thực sự làm ô nhiễm nền âm nhạc nước nhà.

Rõ ràng, việc các tác giả trẻ bắt kịp xu hướng âm nhạc thế giới là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, thành quả và hệ quả từ sự tiếp cận đó mới là điều mà công chúng quan tâm nhất. “Chìa khóa” để tạo nên một sản phẩm chất lượng, có giá trị chính là sự cân bằng, tiết chế và phù hợp. Khán giả Việt chưa bao giờ thôi mong muốn âm nhạc trong nước phát triển ngang tầm thế giới, trong đó có thị trường nhạc trẻ, nhưng đi cùng đó vẫn là câu chuyện gìn giữ văn hóa và thuần phong mỹ tục nước nhà.

(Còn tiếp)

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc