“Squid Game 3” phá kỉ lục nhưng vẫn gây thất vọng
VHO - Phần kết “Squid Game” tiếp tục phá kỷ lục về lượt xem, nhưng nội dung lại gây tranh cãi với cốt truyện lặp lại, thiếu cao trào và dàn nhân vật nhạt nhòa.

Thống trị bảng xếp hạng
Squid Game 3 vừa ra mắt hôm 27.6 với 6 tập phim. Loạt phim nhanh chóng dẫn đầu bảng xếp hạng Netflix tại 93 quốc gia chỉ sau một ngày, theo FlixPatrol. Thành tích này vượt cả hai mùa trước: mùa 1 cần gần một tuần để đạt được vị trí đầu bảng, còn mùa 2 mất hai ngày.
Thành công về lượt xem khiến nhiều người kỳ vọng mùa 3 sẽ tiếp tục duy trì sức hút, nhất là khi phim được đầu tư tới 100 tỉ won (74 triệu USD).
Tuy nhiên, trái với những con số ấn tượng là làn sóng chỉ trích dữ dội từ khán giả. Trên Rotten Tomatoes, phim chỉ nhận 52% điểm khán giả; còn trang Metacritic chỉ chấm 4.9/10.
Squid Game 3 tiếp tục cuộc hành trình của Seong Gi Hun (Lee Jung Jae) khi anh trở lại hòn đảo để lật đổ hệ thống đứng sau trò chơi tử thần. Nhưng nhân vật Gi Hun lần này lại đầy mâu thuẫn, hành động thiếu nhất quán và chủ yếu sống sót nhờ may mắn.
Trong khi đó, cảnh sát Hwang Jun Ho (Wi Ha Joon), nhân vật từng là nút thắt hấp dẫn trong mùa đầu, trở thành tuyến truyện phụ thừa thãi, lênh đênh trên biển để rồi xuất hiện chớp nhoáng trước khi phim kết thúc.
Dù có các tình tiết mới như một em bé sinh ra giữa trò chơi hay các VIP cải trang làm lính canh để trực tiếp “đi săn”, phần 3 vẫn bị nhận xét là nhàm chán, gượng ép. Những trò chơi mới như nhảy dây, trốn tìm không tạo được dấu ấn như bi lăn, kéo co trong các phần trước.
Mô-típ cũ lặp lại, ông chú độc ác, bà cô sân si, người chơi số 001 thực chất là trùm trà trộn khiến khán giả dễ dàng đoán trước diễn biến, mất đi cảm giác hồi hộp vốn là điểm mạnh của series.

Cảm xúc nhạt nhòa
Một trong những lý do khiến Squid Game mùa đầu tạo nên làn sóng toàn cầu là sự gắn bó cảm xúc giữa khán giả và nhân vật. Việc nhân vật “bay màu” để lại tổn thương thật sự vì họ đã được khắc họa kỹ lưỡng, đủ gần gũi để người xem cảm thấy mất mát.
Nhưng mùa 3 lại dồn dập loại bỏ gần hết các nhân vật quen thuộc chỉ sau một trò chơi, trong khi các gương mặt mới không đủ thời gian để tạo dấu ấn. Đám người chơi vào vòng cuối chủ yếu là “quần chúng”, dành phần lớn thời gian cãi nhau ồn ào, điều này vừa gây bực bội, vừa khiến mạch phim đuối dần.
Dù có chủ đề mới về tình thân và vòng lặp trách nhiệm giữa các thế hệ, phần 3 bị cho là quá tham, thiếu chiều sâu.
Cảnh người mẹ giết con trai ruột để cứu một người mới quen trong trò chơi bị đánh giá là phi lý, còn cái kết, khi nhân vật Gi Hun tuyên bố chấm dứt trò chơi nhưng rơi khỏi tháp trong vô định, bị cho là “phá nát cảm xúc”.
Khán giả cũng tiếp tục phàn nàn về tuyến nhân vật VIP. Diễn xuất cường điệu, thoại sáo rỗng và cách xây dựng hời hợt khiến họ trở thành điểm trừ rõ rệt.
Ngay cả sự xuất hiện bất ngờ của nữ diễn viên đoạt giải Oscar Cate Blanchett ở cuối phim cũng không cứu vãn được cảm giác hụt hẫng. Một số người mỉa mai rằng không chỉ Gi Hun mà chính loạt phim cũng nên dừng lại sau mùa 1.
Hollywood Reporter nhận xét: "Khi Squid Game khép lại, chỉ có sự nhẹ nhõm vì trải nghiệm xem phim mệt mỏi cuối cùng đã kết thúc".
Ở khía cạnh kỹ thuật, Squid Game 3 vẫn giữ được chất lượng hình ảnh và thiết kế bối cảnh ấn tượng. Lee Jung Jae và Lee Byung Hun tiếp tục là điểm sáng với diễn xuất nội tâm sâu sắc.
Tuy nhiên, khi sự đồng cảm không còn, kịch tính bị giảm sút và trò chơi sinh tử dần biến thành "bài luận đạo đức", thì dù có được “nâng cấp” về độ tàn bạo, loạt phim cũng khó giữ được vị thế như ban đầu.