Ra mắt sân khấu trải nghiệm lịch sử truyền thống “Đất thép”

THÙY TRANG

VHO - Sân khấu trải nghiệm “Đất thép” do tác giả, đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng vừa chính thức ra mắt. Chương trình mang đến một không gian trải nghiệm lịch sử truyền thống độc đáo và ý nghĩa, hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch văn hóa thu hút người dân và du khách.

Ra mắt sân khấu trải nghiệm lịch sử truyền thống “Đất thép” - ảnh 1
Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ về "Đất thép" tối 15.12

“Đất thép” do UBND huyện Củ Chi chỉ đạo thực hiện, với sự hỗ trợ của Bộ tư lệnh TP.HCM và Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi; Sân khấu Lê Quý Dương là đơn vị thực hiện.

Chương trình là công trình nghệ thuật nhằm thiết thực Chào mừng 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944-22.12.2024), chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước cũng như của huyện Củ Chi trong năm 2025.

“Đất thép” dự kiến được biểu diễn định kỳ vào các tối thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần tại Nhà truyền thống huyện Củ Chi, TP.HCM, từ ngày 22.12.

Chương trình có phụ đề tiếng Anh phục vụ khán giả quốc tế, với thời lượng 90 phút, bao gồm cả hoạt động tham quan và trải nghiệm sân khấu, trong đó, chương trình sân khấu có thời lượng hơn 60 phút.

Kịch bản của “Đất thép” xoay quanh cuộc đời của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rành, người đã có 8 người con trai và 2 cháu hy sinh trong các cuộc kháng chiến.

Ra mắt sân khấu trải nghiệm lịch sử truyền thống “Đất thép” - ảnh 2
“Đất thép” xoay quanh cuộc đời của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rành (do Trà Như Nguyên thủ vai)

Dù đau thương vì mất mát, bà vẫn kiên cường vượt qua nỗi đau để góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chương trình khắc họa cuộc sống, chiến đấu và hy sinh của những con người bình dị, mộc mạc nơi đất thép Củ Chi, đồng thời phản ánh tinh thần anh dũng, kiên cường của quân dân nơi đây.

Kịch bản không hướng tới sự ca ngợi những tấm gương hy sinh anh hùng một cách cũ mòn, sáo rỗng mà đi sâu vào khắc họa thân phận của những con người Củ Chi bình dị và mộc mạc nhất đã hy sinh tất cả riêng mình vì sự nghiệp chung của cả dân tộc.

Ra mắt sân khấu trải nghiệm lịch sử truyền thống “Đất thép” - ảnh 3
Kịch bản khắc họa thân phận của những con người Củ Chi bình dị, đã hy sinh tất cả riêng mình vì sự nghiệp chung của cả dân tộc

Tấm gương cao cả của những người anh hùng như Nguyễn Thị Nê, Đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi, Phạm Văn Cội, Tô Văn Đực, các nam nữ thanh niên du kích và cả những chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ từ miền Bắc vào tham gia chiến đấu trên chiến trường Củ Chi đã được dàn dựng một cách giản dị, chân thực nhưng cũng vô cùng anh dũng, tạo nên những cung bậc cảm xúc sâu sắc.

Tác giả - Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: “Tôi đã thực sự rơi nước mắt và tự trách mình đã sáng tạo và dàn dựng hàng trăm sự kiện dọc theo chiều dài của đất nước.

Nhưng tới hôm nay, tôi mới phần nào hiểu biết một phần bé nhỏ về con người và vùng đất Củ Chi anh hùng, với những hy sinh và đóng góp lớn lao trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước”.

“Đất thép” nhắm đến nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là học sinh, sinh viên Củ Chi, những người cần hiểu rõ về truyền thống lịch sử anh hùng của quê hương mình. Các đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế cũng sẽ được phục vụ, giúp họ có một trải nghiệm sâu sắc về lịch sử của Củ Chi.

Ra mắt sân khấu trải nghiệm lịch sử truyền thống “Đất thép” - ảnh 4

Chương trình không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một sản phẩm du lịch mang giá trị lịch sử.       

Đạo diễn Lê Quý Dương đã sử dụng một hình thức dàn dựng rất sáng tạo để kể câu chuyện. Với không gian sân khấu nhỏ nhưng đầy ấn tượng, đạo diễn đã tái hiện lại các khoang địa đạo và các cảnh chiến đấu trong lòng đất.

Toàn bộ mặt sàn sân khấu được nâng cao 80cm, tạo ra không gian ấn tượng với những cảnh trong lòng địa đạo, mang đến cho khán giả cảm giác sống động, như thể đang chứng kiến những câu chuyện lịch sử thực tế.

Câu chuyện được kể thông qua những đoạn thoại gần gũi, mộc mạc, đồng thời kết hợp với lời tự sự của linh hồn một người lính Mỹ đã tử trận.

Đây là yếu tố tạo nên sự mới lạ và chiều sâu nhân văn, giúp khán giả không chỉ cảm nhận được lịch sử mà còn thấu hiểu được những nỗi niềm và cảm xúc của các nhân vật.

Điều đặc biệt của “Đất thép” là toàn bộ nhân sự tham gia, từ diễn viên đến kỹ thuật viên, đều là người địa phương Củ Chi. Họ là những nông dân, công nhân, tài xế, nhân viên căng tin, viên chức, giáo viên… nên cách diễn dung dị, chân thật, mộc mạc mà vẫn tạo nhiều cảm xúc nơi người xem.

Đạo diễn Lê Quý Dương đã tuyển chọn diễn viên rất kỹ lưỡng và yêu cầu họ phải có đủ lòng kiên nhẫn, sự đam mê với nghệ thuật và tinh thần yêu lịch sử, con người vùng đất thép…

Ra mắt sân khấu trải nghiệm lịch sử truyền thống “Đất thép” - ảnh 5
Không gian tái hiện khu vực địa đạo Củ Chi trên sân khấu "Đất thép"

Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật cũng được huấn luyện trực tiếp, nhằm đảm bảo chương trình có thể tự vận hành trong tương lai mà không phụ thuộc vào nhân sự từ nơi khác.

Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: “Tôi khảo sát và nhận thấy Củ Chi cách TP.HCM khoảng 30km và là một huyện còn nhiều khó khăn, các hoạt động văn hóa nghệ thuật cho người dân Củ Chi còn nhiều thiếu thốn.

Nếu tôi chỉ dựng chương trình xong rồi đi thì sẽ để lại cho huyện một chương trình rất bị động vì phải phụ thuộc vào nhân sự từ nơi khác tới. Bởi vậy tôi quyết định chỉ tuyển chọn diễn viên và kỹ thuật viên đang sinh sống tại Củ Chi để huyện hoàn toàn chủ động khi vận hành và khai thác chương trình sau này.

Vất vả hơn rất nhiều nhưng điều này với tôi rất có ý nghĩa. Huyện Củ Chi cần có một sân khấu kịch bài bản để thường xuyên phục vụ nhân dân và du khách của mình một cách chủ động, không phụ thuộc và đầy tự hào.

Tôi không chỉ muốn để lại ở Củ Chi một chương trình. Tôi muốn dành tặng và tri ân vùng đất này một đội ngũ đầu tiên những người làm sân khấu kịch khát khao yêu nghề, một điểm đến sân khấu sẽ là điểm khởi đầu cho một nhà hát kịch Củ Chi chuyên nghiệp trong tương lai, nhất là khi huyện Củ Chi có đầy đủ các điều kiện cần và đủ để phát triển thành một thành phố”.

Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ thêm: Thực tế, nghệ thuật ngày nay đã được sử dụng như một công cụ kiếm lợi nhuận, khi các sản phẩm văn hóa nghệ thuật được sản xuất để bán và tạo ra giá trị kinh tế.

Tuy nhiên, mục đích ban đầu của nghệ thuật và sáng tạo không phải là kiếm tiền, mà để truyền tải những giá trị chân, thiện, mỹ từ cảm thức sáng tạo của riêng mình.  

Do đó, khi phát triển ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta cần phải cân nhắc và chú trọng đến mục tiêu giáo dục, nâng cao dân trí, phát triển trình độ thẩm mỹ, ý thức công dân và các tiêu chí thưởng thức, giải trí hướng tới những giá trị nhân bản.

Một nền công nghiệp văn hóa lý tưởng sẽ được xây dựng trên nền tảng di sản và tinh hoa của lịch sử, kết hợp với sự sáng tạo hiện đại, phong phú và đa dạng. Nó cần được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp, với cơ chế bình đẳng, công khai, minh bạch, phục vụ tất cả các tầng lớp công chúng…Chương trình “Đất thép” đã được sáng tác và dàn dựng với định hướng và tiêu chí như vậy.

Ra mắt sân khấu trải nghiệm lịch sử truyền thống “Đất thép” - ảnh 6
Chương trình có phụ đề tiếng Anh phục vụ khán giả quốc tế

Chia sẻ tại đêm diễn phúc khảo tối 15.12, Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết chính thức bàn giao chương trình cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Củ Chi để vận hành và khai thác du lịch.

“Nói một cách đúng nghĩa, tôi không bàn giao chương trình mà là một định dạng sản phẩm du lịch và trải nghiệm không gian văn hóa - lịch sử, nhằm mang đến cho khán giả, là người dân địa phương và du khách, một không gian trải nghiệm phong phú khi tìm hiểu về vùng đất này”.

Chương trình sẽ chính thức được đưa vào phục vụ từ ngày 22.12.2024. Sau mỗi buổi diễn, sẽ có chương trình giao lưu giữa khán giả và diễn viên, tạo cơ hội cho khán giả hiểu thêm về những câu chuyện và nhân vật trong chương trình.