Âm nhạc cổ điển Việt Nam:

Nỗ lực vươn tầm thế giới

THANH NGỌC; ảnh: ITN

VHO - Gần đây, với sự tăng cường hợp tác quốc tế, việc tổ chức các sự kiện âm nhạc chất lượng, nhiều tài năng trẻ tham gia cuộc thi âm nhạc quốc tế và đạt thành tích cao… đã cho thấy âm nhạc cổ điển Việt Nam đang ngày càng khởi sắc, vươn tầm thế giới và góp phần nâng cao vị thế của nền nghệ thuật nước nhà.

Nỗ lực vươn tầm thế giới - ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Mishustin dự chương trình nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga

 Cầu nối giao lưu văn hóa, đào tạo

Âm nhạc cổ điển Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phát triển đầy tiềm năng. Số lượng các buổi hòa nhạc giao hưởng, thính phòng tăng lên đáng kể, thu hút đông đảo khán giả; việc giới thiệu âm nhạc cổ điển Việt Nam ra thế giới được chú trọng. Bên cạnh đó, lĩnh vực đào tạo đã có những bước phát triển đáng kể, với sự giao lưu, hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng.

Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Czech, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 55 và làm việc song phương tại Thụy Sĩ của Đoàn cấp cao Việt Nam, tại Thủ đô Praha (Cộng hòa Czech), dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với đại diện là TS.NSND Đỗ Quốc Hưng (Phó Giám đốc phụ trách) và Dàn nhạc Giao hưởng Bohemia Praha với đại diện là ông Martin Sanda (Giám đốc kiêm Nhạc trưởng) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nhằm tạo điều kiện phát triển các dự án hợp tác trao đổi chuyên môn trong giai đoạn tới.

Dàn nhạc Giao hưởng Bohemia Praha được thành lập năm 2000, hiện là một trong những dàn nhạc giao hưởng hàng đầu của Cộng hòa Czech, thường xuyên biểu diễn tại nhiều thành phố châu Âu và thế giới. NSND Đỗ Quốc Hưng cho biết: Kế hoạch hợp tác giữa Học viện và Dàn nhạc Bohemia Praha tập trung vào các chuyên ngành nhạc cụ phương Tây, trao đổi chuyên gia, nghệ sĩ biểu diễn, chỉ huy giao hưởng, chỉ huy hợp xướng, tạo cầu nối giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia, đào tạo và phát triển tài năng trẻ. Đây sẽ là cơ sở để Học viện và Dàn nhạc triển khai các hoạt động hiệu quả, thiết thực trong lĩnh vực đào tạo, biểu diễn nghệ thuật...

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp cao tại Thủ đô Warsaw (Ba Lan), ngày 17.1, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã có buổi làm việc với GS Tomasz Strahl (Hiệu trưởng Đại học Âm nhạc Frédéric Chopin) và GS Joanna Lawrynowiccz-Just (Phó Hiệu trưởng phụ trách đối ngoại). Frédéric Chopin là một trong những trường đại học âm nhạc hàng đầu Ba Lan, đồng thời cũng là một trong những cơ sở đào tạo âm nhạc lâu đời và uy tín nhất tại châu Âu. Thứ trưởng đã giao Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam làm việc, đàm phán, sớm ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Âm nhạc Frédéric Chopin, làm cơ sở để triển khai các hoạt động hợp tác song phương trong thời gian tới.

Trước đó, sáng 15.1, tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Mishustin đã dự chương trình nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga. Tại đây, các bản nhạc Việt Nam và Nga được nhiều nghệ sĩ Việt Nam từng học tập tại các ngôi trường âm nhạc danh tiếng của Nga trình diễn, là minh chứng sống động về tình cảm đặc biệt, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã được lãnh đạo và nhân dân hai nước qua các thời kỳ xây dựng, dày công vun đắp.

NSND Đỗ Quốc Hưng chia sẻ: “Đây là vinh dự rất lớn của Học viện, có thể nói là lần đầu tiên trong lịch sử kể từ năm 1956 đến nay, Học viện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ chọn tiếp khách; đồng thời cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của Học viện có sự xuất hiện của hai Thủ tướng Chính phủ. Điều này tiếp thêm động lực cho thầy và trò Học viện tiếp tục không ngừng nỗ lực, cố gắng”.

Nỗ lực vươn tầm thế giới - ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chứng kiến lễ ký kết Biên bản hợp tác giữa Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Bohemia Praha, Cộng hòa Czech

Ươm mầm tài năng trẻ vươn tầm quốc tế

Bên cạnh đẩy mạnh giao lưu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển, công tác đào tạo cũng được đặc biệt quan tâm. Chất lượng giảng dạy được nâng cao với sự tham gia của các giảng viên, nghệ sĩ được đào tạo chuyên môn bài bản ở nước ngoài. Nhiều tài năng trẻ đã được phát hiện và bồi dưỡng, tham gia vào các cuộc thi âm nhạc quốc tế, đạt được những thành tích đáng tự hào.

Tại cuộc thi Piano quốc tế Fujairah lần thứ 6 được tổ chức tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào cuối tháng 1.2025 vừa qua, đoàn Việt Nam gồm 5 thí sinh dự thi ở 4 bảng.

Nỗ lực vươn tầm thế giới - ảnh 3
Nguyễn Đức Kiên nhận giải nhất cuộc thi Piano Quốc tế Fujairah lần thứ 6 tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)

Trải qua các màn tranh tài sôi nổi và gay cấn, các đại diện đến từ Việt Nam đã lập nên kỳ tích khi giành 3 giải cao. Theo đó, học sinh TC2/9 Võ Giáp Phong (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) giành giải Khuyến khích ở bảng A (8-10 tuổi); học sinh Nguyễn Minh Việt (Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) giành giải 3 bảng B (11-13 tuổi); đặc biệt, em Nguyễn Đức Kiên - học sinh hệ tài năng TC8/9 của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã giành giải Nhất bảng C (14-17 tuổi).

Với màn trình diễn điêu luyện, nhạc cảm tốt, cảm xúc tinh tế cùng bản lĩnh tự tin trên sân khấu, Nguyễn Đức Kiên đã vượt qua 24 thí sinh cùng bảng đến từ 10 quốc gia trên thế giới, chinh phục Hội đồng giám khảo lẫn khán giả để được vinh danh giải cao nhất.

PGS.TS Nguyễn Huy Phương, người thầy đã trực tiếp hướng dẫn Kiên chia sẻ, thành công của Nguyễn Đức Kiên là nguồn cảm hứng lớn cho các nghệ sĩ piano trẻ tại Việt Nam, là minh chứng cho thấy rằng với sự quyết tâm, kỷ luật và tình yêu dành cho âm nhạc, bất kỳ ai cũng có thể vươn xa trên đấu trường quốc tế.

Chiến thắng này không chỉ ghi dấu ấn cá nhân của Nguyễn Đức Kiên mà còn góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ âm nhạc cổ điển thế giới. Trên hết, thành công của những tài năng trẻ là minh chứng cho thấy chất lượng đào tạo âm nhạc của Việt Nam ngày càng có những những thay đổi tích cực, và nếu được đầu tư sớm, đúng hướng, các em hoàn toàn có thể cạnh tranh tại những đấu trường âm nhạc quốc tế hàng đầu.

Cũng trong tháng 1, Nguyễn Thị Minh Nhật - sinh viên Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã giành giải Nhất bảng Thanh nhạc tại Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế ZhongSin lần thứ 19 tại Singapore. Cuộc thi có sự tham gia của hơn 1.000 thí sinh đến từ Mỹ, Thụy Điển, Canada, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Nga…

Ca sĩ Hương Ly, giảng viên trực tiếp dạy thanh nhạc của Minh Nhật tiết lộ, học trò của mình sở hữu chất giọng lyric soprano (nữ cao trữ tình) với âm sắc ấm áp và phong phú. Sau gần 3 năm theo học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Minh Nhật quyết định tham gia các sân chơi quốc tế để thử sức và trải nghiệm. Giải thưởng vừa đạt được tại Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế ZhongSin là niềm động viên lớn lao để Minh Nhật tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành ca sĩ opera…

Có thể nói, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, âm nhạc cổ điển Việt Nam đang ngày càng đạt được nhiều thành tựu và hứa hẹn sẽ tiếp tục vươn tới những tầm cao mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn hóa nghệ thuật nước nhà.