Giới trẻ nâng tầm nghệ thuật kịch nói:

Những đam mê đầy nhiệt huyết

THẢO MY

VHO - Giữa muôn vàn loại hình nghệ thuật phong phú, nhiều bạn trẻ vẫn đam mê và chọn kịch nói để phát triển, đồng thời chung tay gìn giữ vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống. Chính vì vậy, thời gian qua, các sân chơi văn hóa dành cho sinh viên tại các trường đại học ở TP.HCM đã có nhiều bước tiến mới, với sự đầu tư chỉn chu, chuyên nghiệp…

Những đam mê đầy nhiệt huyết - ảnh 1
Vở diễn Lá hát như mưa của các bạn sinh viên đã gây được tiếng vang lớn

 “Trẻ hóa” nghệ thuật truyền thống

Từ khi thành lập vào năm 2017, CLB Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn (TP.HCM) đã trải qua 8 mùa với các vở kịch dài, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, có thể kể đến: Mặt trời soi kiếp rong chơi, Nửa trời phiêu lãng, Cuối trời phiêu lãng, Trái tim hóa thạch, Lá hát như mưa, Nằm khóc một mình, Đạo chích Quốc vương… Mở màn mùa diễn thứ 8 năm 2024, CLB giới thiệu vở kịch Buồn hết đêm nay, là thành quả từ 2 tháng nỗ lực của gần 30 thành viên. Vở kịch dài 180 phút, mang đến cho khán giả những suy ngẫm về cuộc sống và tác động của “định kiến” đối với người bị ảnh hưởng.

Để kết thúc mùa diễn năm nay, vở Lá hát như mưa vừa được trình diễn tại Hội trường Văn khoa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vào trung tuần tháng 12. Ít ai ngờ, những bạn trẻ không chuyên lại có thể tạo nên một tác phẩm đậm màu sắc hoài niệm về Chợ Lớn những năm 2000. Thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục duy trì mỗi năm hai mùa diễn với các chủ đề vừa quen thuộc, vừa mới mẻ để phục vụ khán giả. Dù là sân khấu của sinh viên và diễn viên không chuyên, nhưng CLB Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn vẫn mang đến những sản phẩm đầy tâm huyết, được giới nghề đánh giá cao suốt nhiều năm qua.

Không chỉ mang đến những vở diễn chất lượng, nhiều bạn trẻ đam mê kịch nói tại TP.HCM còn chủ động tạo ra cơ hội mới khi kết hợp với nghệ sĩ “gạo cội” để học hỏi và nâng cao kỹ năng. Mới đây, vào tối 18.12, tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, CLB Sân khấu X DRAMA đã tổ chức chương trình biểu diễn kịch “Chuyện là…” cùng NSƯT Bảo Trí và hai diễn viên Quốc Thanh, Ngọc Lan. Đây là lần đầu tiên sinh viên của CLB được đứng chung sân khấu với những gương mặt tên tuổi, trực tiếp tham gia vào tác phẩm có nội dung phong phú và sâu sắc. Cơ hội này không chỉ giúp các bạn trẻ học hỏi kinh nghiệm diễn xuất, mà còn tự tin thể hiện sự sáng tạo và khả năng của mình.

Các vở kịch lần lượt khắc họa nhiều góc nhìn khác nhau về cuộc sống như tình yêu, tiền tài, danh dự… Với những tình huống bất ngờ và câu chuyện chân thực, tác phẩm đã dẫn dắt khán giả khám phá bản ngã con người, hé lộ góc khuất trong tâm hồn và mâu thuẫn giữa khát khao hạnh phúc và cạm bẫy cuộc đời. CLB Sân khấu X DRAMA trực thuộc Khoa Quản lý văn hóa - nghệ thuật Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, được thành lập vào ngày 31.8.2021 với sứ mệnh “Tiếp lửa vinh nghề - Nuôi dưỡng đam mê” và hoạt động dưới sự cố vấn của NSƯT - Tiến sĩ - Đạo diễn Hoàng Duẩn.

Không chỉ ở TP.HCM mà trên khắp các tỉnh thành, kịch nói vẫn là loại hình thu hút nhiều bạn trẻ đam mê. Mới đây, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra tọa đàm “Nghệ thuật sân khấu thời 4.0: Hành trình kết nối với giới trẻ”, tạo ra không gian mở để các nghệ sĩ, diễn viên kỳ cựu trao đổi, thảo luận về sự phát triển không ngừng của nghệ thuật sân khấu, cũng như hành trình gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ trong thời đại số. Sự kiện có sự tham gia của các nghệ sĩ Lê Bá Anh, Phạm Quỳnh Dương và đông đảo sinh viên. Với những chia sẻ đầy tâm huyết, các nghệ sĩ mong muốn sân khấu kịch không chỉ là nơi giải trí, mà còn là không gian để khán giả cảm nhận được những giá trị văn hóa sâu sắc, tạo ra sự kết nối chân thành giữa người nghệ sĩ và công chúng, đặc biệt là các bạn HSSV.

Vẫn còn nhiều điều khó

Có thể thấy, kịch sinh viên từng trải qua quãng thời gian dài không duy trì được sự phát triển vì nhiều lý do. Trong khi sân khấu chuyên nghiệp còn khó có thể thu hút khán giả, thì kịch sinh viên phải đối mặt với thử thách gấp nhiều lần. Tìm kiếm khán giả đã khó, nhưng khó hơn là vấn đề tài chính. Để xây dựng được những vở kịch chất lượng, các nhóm kịch sinh viên phải đầu tư rất nhiều thời gian và vật chất. Tất cả công tác từ viết kịch bản, dàn dựng, diễn xuất cho đến thiết kế cảnh trí, phục trang, âm thanh, ánh sáng đều do chính các bạn đảm nhiệm. Vì vậy, làm kịch trong môi trường học đường không chỉ có nhiều thách thức mà còn rất khác biệt so với các không gian kịch chuyên nghiệp.

Như vở diễn Lá hát như mưa, sau hơn một năm tìm kiếm tư liệu, ba tháng hoàn thiện kịch bản và hai tháng tập luyện, nhóm mới có thể mang đến cho khán giả một sản phẩm hoàn chỉnh. Dù chỉ là kịch sinh viên không chuyên, nhưng các suất diễn (với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/vé) đều nhanh chóng cháy vé. Niềm vui càng nhân lên khi vở diễn nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn và khán giả. Tuy nhiên, dù có được đón nhận nồng nhiệt đến mấy thì cũng chưa có vở diễn nào có lãi do chi phí sản xuất lớn. Lá hát như mưa dự kiến chi phí đầu tư đã vượt quá 100 triệu đồng, nhưng với giá vé sinh viên, ba suất diễn đầu tiên chỉ bù đắp được hơn một nửa số tiền bỏ ra. Dẫu vậy, đối với các thành viên CLB, điều quan trọng nhất là họ duy trì được sân khấu kịch Báo chí Nhân văn, bởi niềm đam mê và khát khao lan tỏa tình yêu sân khấu đến với thế hệ khán giả trẻ.

Qua đó có thể thấy, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, các bạn sinh viên đã và đang không ngừng tìm tòi, học hỏi để phát triển kỹ năng và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Họ không chỉ đầu tư công sức vào từng chi tiết mà còn đóng vai trò như chiếc cầu nối giúp loại hình nghệ thuật truyền thống này tiếp cận gần hơn với thế hệ khán giả đương đại và cả trong tương lai.