Định hướng phát triển văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

HIỀN NGUYỄN

VHO - Sáng 10.7, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận trung ương đã tổ chức Hội thảo Khoa học "Định hướng phát triển văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Chủ trì Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS.NS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Đất nước đã hội đủ các điều kiện cần thiết để bước vào “kỷ nguyên mới”

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng: Với những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được trong 40 năm đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, đến thời điểm Đại hội XIV của Đảng được tổ chức vào đầu năm 2026, đất nước ta đã hội đủ các điều kiện cần thiết để bước vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Định hướng phát triển văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo

 

Thông điệp quan trọng này của Đảng được Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đã truyền cảm hứng và niềm tin mãnh liệt đến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Theo Tổng Bí thư, kỷ nguyên vươn mình là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại.

Cùng với những đổi mới và chuyển động quyết liệt, mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sự phát triển của văn học, nghệ thuật có vai trò to lớn trong việc khơi dậy cảm hứng và ý chí tự lực tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đặc biệt là phát huy sức mạnh văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên mới, đưa đất nước đi tới hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Định hướng phát triển văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo

Với những vấn đề lớn đã nêu ở trên, Hội đồng Lý luận Trung ương quyết định tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội đồng coi đây là một diễn đàn học thuật dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm, hữu ích của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ nhằm trao đổi, hiến kế, đưa ra những định hướng đúng đắn, khoa học, giàu tính lý luận và thực tiễn, giàu tinh thần khai phóng.

Từ đó góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn” về nhận thức, tư duy, cơ chế, chính sách, mở ra hệ sinh thái sáng tạo rộng mở, phát huy cao độ trách nhiệm của các cơ quan văn hóa, văn nghệ và tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà trước con đường tươi sáng của dân tộc.

Để Hội thảo bảo đảm chất lượng khoa học cao, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đề nghị các nhà khoa học cùng các đại biểu tập trung thảo luận 5 nhóm vấn đề cơ bản, đó là: Tăng cường nhận thức về vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Cùng với đó là tăng cường sự gắn bó chặt chẽ, máu thịt giữa phát triển văn học, nghệ thuật với thực tiễn phát triển của đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Nhóm vấn đề nữa là, chăm lo phát triển đội ngũ, xây dựng môi trường thuận lợi nhằm phát huy cao nhất tài năng của nghệ sĩ; Phát triển thị trường văn học, nghệ thuật.

Cùng với đó, xây dựng công nghiệp văn hoá và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sáng tạo và phổ biến văn học, nghệ thuật.

Một trong những vấn đề không thể thiếu được PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ đề cập đó là, coi trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn học, nghệ thuật dân tộc đồng thời với việc mở rộng hội nhập và đối thoại văn hoá quốc tế.

Cơ hội và thách thức

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: “Sau bốn thập kỷ đổi mới đất nước, Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu to lớn để vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là kỷ nguyên tăng tốc, đột phá trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội để đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Định hướng phát triển văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 3
Toàn cảnh Hội thảo

Là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh mềm văn hoá, động lực phát triển kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật có sứ mệnh đồng hành với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, miêu tả sâu sắc thực tiễn đương đại, góp phần xác lập vị thế văn hoá và bản sắc dân tộc trong thời đại mới. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, văn học, nghệ thuật phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí thách thức nằm ngay trong cơ hội, đan xen cơ hội - PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nhận định.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp có năm cơ hội phát triển văn học, nghệ thuật, đó là: Tinh thần dân tộc và khát vọng Tổ quốc phồn vinh. Trong đó, khát vọng đất nước hùng cường, xã hội phát triển, dân chủ, văn minh là khát vọng gắn liền với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để biến khát vọng thành hiện thực, toàn Đảng, toàn dân “trên dưới đồng lòng” phát huy sức mạnh tinh thần đoàn kết, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, liên tục đổi mới.

Cơ hội từ thực tiễn phát triển sôi động của đất nước. Chưa bao giờ thực tiễn đất nước lại sôi động, phong phú như thời gian qua. Để biến khát vọng phồn vinh đất nước thành hiện thực, Đảng ta đã đề ra đường hướng phát triển đúng đắn và những quyết sách táo bạo, triển khai những hành động quyết liệt mang tính đột phá.

Cơ hội từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật. Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến văn học, nghệ thuật, đánh giá cao đóng góp to lớn của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân. Càng ngày, nhận thức của Đảng ta về văn hoá và văn học, nghệ thuật càng sâu sắc, toàn diện, trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị.

Định hướng phát triển văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 4
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nêu những cơ hội và thách thức của văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Cơ hội từ công nghệ hiện đại và chuyển đổi số Công nghệ hiện đại và nền tảng số là đặc trưng của nền kinh tế tri thức. Sự phát triển nhanh chóng của AI (Trí tuệ nhân tạo), Big data (dữ liệu lớn), Digital Platform (nền tảng số) đã làm thay đổi một cách căn bản phương thức tư duy truyền thống và thúc đẩy năng lực sử dụng các nguồn lực trí tuệ/ văn hoá vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, chuyển đổi số đã góp phần mở ra dư địa mới cho tất cả các mặt hoạt động, từ sáng tác đến phổ biến, tiếp nhận.

Cơ hội từ mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế Việc mở rộng giao lưu quốc tế nằm trong quy luật phát triển văn học, nghệ thuật. Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng ta đã chủ trương Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên tinh thần hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, các bên cùng có lợi. Trong kỷ nguyên vươn mình, việc mở rộng giao lưu quốc tế ngày càng sâu sắc.

Bên cạnh năm cơ hội kể trên, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cũng chỉ ra những thách thức đặt ra đối với phát triển văn học nghệ thuật, đó là: Thách thức từ nhận thức về vai trò, sứ mệnh của nghệ thuật; Thách thức về bản lĩnh văn nghệ sĩ ; Thách thức từ hệ thống chính sách và thể chế; Thách thức từ công nghệ cao và chuyển đổi số; Thách thức từ toàn cầu hoá và bản sắc dân tộc.

Việc nhận rõ đâu là cơ hội, đâu là thách thức sẽ giúp chúng ta có cơ sở khoa học vững chắc để xây dựng chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật đúng đắn, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo văn học, nghệ thuật rộng mở. Từ đó, tạo điều kiện sản sinh nhiều tác phẩm nghệ thuật ưu tú, đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân đồng thời nâng tầm vị thế văn hoá, con người Việt Nam trên trường quốc tế - PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, xét đến cùng, tài năng và bản lĩnh của nghệ sĩ vẫn là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự phồn vinh của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời đại mới. Hơn lúc nào hết, đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta phải nhận thức một cách sâu sắc đó vừa là trách nhiệm lớn lao nhưng cũng là sứ mệnh cao cả, biết vượt lên mọi khó khăn, thách thức để sáng tạo nên nhiều nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, góp phần nâng cao vị thế của văn hoá Việt Nam trên trường quốc tế.