Nhà hát kịch Việt Nam: Khởi công 2 dự án nghệ thuật với cách tiếp cận mới

THANH MAI

VHO - Ngày 9.7, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam chính thức khởi công 2 dự án lớn: chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Cafe Bánh mì”, hứa hẹn đem đến nhiều đổi mới trong tư duy sáng tạo nghệ thuật và cách tiếp cận công chúng.

Nhà hát kịch Việt Nam: Khởi công 2 dự án nghệ thuật với cách tiếp cận mới - ảnh 1
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Kiều Minh Tuấn chia sẻ tại lễ khởi công

Đây cũng là dự án nghệ thuật được Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với các bên thực hiện, nhằm hướng tới chào mừng 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 – 2.9.2025). 

Chương trình nghệ thuật Bác Hồ một tình yêu bao la gồm 2 kịch ngắn: Chuyện nhà chị Tín và Miền Nam trong trái tim Bác (tác giả: Lê Trinh - Lý Nguyên Anh; đạo diễn: NSƯT Trịnh Mai Nguyên). 

Thông qua hai lát cắt đời thường giàu cảm xúc, chương trình khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mộc mạc, gần gũi và tình yêu sâu nặng của Người dành cho nhân dân. 

Chuyện nhà chị Tín kể về chuyến thăm đầy xúc động của Bác tới một gia đình nghèo nhất Hà Nội vào đêm giao thừa năm Nhâm Dần 1962, còn Miền Nam trong trái tim Bác tái hiện cuộc gặp giữa Bác và nữ anh hùng Trần Thị Lý cùng các chiến sĩ miền Nam. 

Dù ở hoàn cảnh nào, Bác vẫn luôn hướng về đồng bào, đặc biệt là miền Nam ruột thịt, tình cảm thiêng liêng, bền bỉ như bản hùng ca lặng lẽ đi cùng năm tháng.

Chia sẻ về mục đích thực hiện chương trình nghệ thuật Bác Hồ một tình yêu bao la, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Kiều Minh Tuấn cho biết, đây không chỉ là hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà còn là bước đi chiến lược nhằm đưa nghệ thuật sân khấu kết nối hơn với hoạt động du lịch, tạo ra những trải nghiệm văn hóa ngay tại các không gian di tích lịch sử. 

Nhà hát kịch Việt Nam: Khởi công 2 dự án nghệ thuật với cách tiếp cận mới - ảnh 2
Nhạc kịch là thể loại mới, đánh dấu bước chuyển mình trong tư duy sáng tạo của Nhà hát Kịch Việt Nam

Chương trình sẽ được đưa vào biểu diễn tại các khu di tích, không gian văn hóa và điểm đến du lịch, góp phần lan tỏa giá trị lịch sử – nghệ thuật, đồng thời khai thác hiệu quả yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch. 

“Chúng tôi đã sơ bộ làm việc với một số địa điểm như Khu di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh… để đưa chương trình vào biểu diễn. Mỗi vở diễn có thời lượng khoảng 30-35 phút, vừa đủ để du khách xem trọn vẹn. Đặc biệt, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ xuất hiện trên sân khấu, tạo điểm nhấn về chiều sâu cảm xúc và giá trị lịch sử”, NSƯT Kiều Minh Tuấn cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Cafe Bánh mì là dự án nhạc kịch hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và công ty METAFORCE (Hàn Quốc), tái hiện tinh thần yêu nước và lòng quả cảm của người dân Việt Nam trong những ngày sục sôi trước Cách mạng Tháng Tám. 

Vở nhạc kịch của tác giả kịch bản gốc: Seo Sang Wan, tác giả phối hợp: Lê Trinh; đạo diễn: Cho Joon Hui, đạo diễn phối hợp: NSND Hoàng Lâm Tùng.

Thông qua hình thức nhạc kịch hiện đại, vở diễn mang đến góc nhìn sống động về một giai đoạn lịch sử hào hùng, đồng thời mở ra hướng đi mới cho sân khấu Việt trong hợp tác quốc tế và đổi mới hình thức biểu diễn.

Vở nhạc kịch tái hiện chân thực bối cảnh xã hội Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đói nghèo, đầy mất mát. Tác phẩm ca ngợi tinh thần yêu nước mãnh liệt của người dân, đặc biệt là tầng lớp tiểu tư sản, những người không chỉ đóng góp tiền của mà còn sẵn sàng hy sinh tính mạng để đi theo cách mạng. 

Nhà hát kịch Việt Nam: Khởi công 2 dự án nghệ thuật với cách tiếp cận mới - ảnh 3
Ê-kip thực hiện vở nhạc kịch Cafe Bánh mì chia sẻ với các nhà báo, phóng viên và khách mời về quá trình thực hiện

Dù đối mặt muôn vàn gian khổ, nhân dân Việt Nam vẫn kiên cường, không khuất phục trước bạo lực, áp bức. Tinh thần bất khuất ấy được thể hiện rõ nét trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, như một bản anh hùng ca khẳng định lòng yêu nước, ý chí độc lập và sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Tác giả kịch bản gốc, Giám đốc âm nhạc Seo Sang Wan chia sẻ, dù không hiểu tiếng Việt, ông đặt niềm tin rất lớn vào ê-kíp của Nhà hát Kịch Việt Nam trong việc xây dựng vở nhạc kịch. 

“Với tôi, khi hợp tác nghệ thuật quốc tế, ngôn ngữ không phải rào cản. Sự thấu hiểu đến từ những cử chỉ, ánh mắt và tinh thần đồng điệu trong sáng tạo. Từ sự đồng cảm ấy, chúng tôi đã tìm thấy tiếng nói chung và cùng nhau tạo nên Cafe Bánh mì,” ông Seo Sang Wan bày tỏ.

Dù là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhạc kịch, nhưng khi bắt tay xây dựng một vở diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả người Hàn Quốc vẫn gặp không ít rào cản, đặc biệt là trong việc xử lý khối lượng tư liệu lịch sử đồ sộ và phức tạp.

Tuy nhiên, với sự đồng hành tích cực từ Nhà hát Kịch Việt Nam, kịch bản đã được hoàn thiện với độ chính xác cao hơn, đồng thời vẫn giữ được cảm xúc nghệ thuật và thông điệp xuyên suốt.

Nhà hát kịch Việt Nam: Khởi công 2 dự án nghệ thuật với cách tiếp cận mới - ảnh 4
Lễ khởi công thu hút sự quan tâm của đông đảo phóng viên, nhà báo

Đạo diễn phối hợp, NSND Hoàng Lâm Tùng khẳng định, nhạc kịch là loại hình sân khấu hoàn toàn mới tại Việt Nam, đòi hỏi dàn nghệ sĩ phải vừa diễn, vừa hát, vừa làm chủ sân khấu theo nhịp điệu âm nhạc hiện đại.

“Vở nhạc kịch có hơn 20 ca khúc, trong khi hiện tại chúng tôi mới chỉ luyện tập được vài bài. Khối lượng công việc vô cùng lớn, nhưng tinh thần của các nghệ sĩ rất quyết tâm. Dưới sự hướng dẫn của ê-kip và chuyên gia từ Hàn Quốc và Việt Nam, toàn bộ nghệ sĩ tin rằng sẽ vượt qua được mọi thử thách để đem đến tác phẩm chỉn chu nhất”, NSND Hoàng Lâm Tùng nhấn mạnh.

Hai dự án Bác Hồ một tình yêu bao la và Cafe Bánh mì hứa hẹn sẽ mang đến làn gió mới cho sân khấu Việt, kết hợp giữa chiều sâu lịch sử và hơi thở hiện đại. Không chỉ là lời tri ân quá khứ, đây còn là nỗ lực đưa nghệ thuật đến gần công chúng hơn, tạo bước đệm cho sân khấu hòa nhịp cùng đời sống đương đại.