TP.HCM:

Triển lãm hình ảnh và tư liệu về lịch sử phát triển Kịch nói

THÙY TRANG; ảnh: QUỐC THANH

VHO - Trong khuôn khổ “Liên hoan Sân khấu TP.HCM lần thứ 1 - năm 2024”, Sở VHTT phối hợp với Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức triển lãm tại 2 địa điểm: Công viên Lam Sơn và Nhà hát Thành phố, từ ngày 12-29.11.2024.

Triển lãm hình ảnh và tư liệu về lịch sử phát triển Kịch nói - ảnh 1
Nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm

Tại Công viên Lam Sơn, BTC trưng bày 68 hình ảnh với chủ đề “Liên hoan Sân khấu Kịch TP.HCM năm 2024 - Khát vọng Phương Nam”, giới thiệu các tác phẩm tham gia Liên hoan Sân khấu Thành phố lần thứ I cùng các hoạt động, vở diễn, nghệ sĩ của 20 đơn vị nghệ thuật sân khấu kịch; các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM.

Cùng thời điểm này, tại Nhà hát Thành phố, BTC cũng triển lãm 60 hình ảnh chủ đề “Dấu ấn Sân khấu Kịch TP.HCM” với những tư liệu quý về lịch sử phát triển kịch nói Thành phố từ những ngày đầu thành lập với các nghệ sĩ Đoàn Kịch nói Nam Bộ - tiền thân của Đoàn Kịch Cửu Long Giang cùng các đoàn kịch tư nhân và những vở diễn kinh điển góp phần làm nên thương hiệu Kịch nói Thành phố.

Đồng thời, triển lãm cũng phản ánh những hoạt động của Hội Sân khấu Thành phố, những thành tựu của Kịch nói TP.HCM với sự đóng góp to lớn của nhiều thế hệ diễn viên đã tạo nên nhiều vở kịch tiêu biểu, giàu sáng tạo, đạt nhiều giải thưởng danh giá góp phần nâng tầm Kịch nói nước nhà.

Triển lãm hình ảnh và tư liệu về lịch sử phát triển Kịch nói - ảnh 2
Các đại biểu xem triển lãm tại Công viên Lam Sơn (đối diện Nhà hát Thành phố)

Sự kiện công diễn vở kịch Chén thuốc độc của nhà văn, nhà viết kịch Vũ Đình Long tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 22.10.1921 đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử ghi nhận công cuộc Việt hoá loại hình nghệ thuật Kịch nói được tiếp nhận từ văn hoá phương Tây qua quá trình phát triển, tiếp thu một cách chọn lọc, đầy sáng tạo để hình thành nên Kịch nói Việt Nam – loại hình sân khấu vừa hiện đại, vừa mang đậm dấu ấn văn hoá dân tộc.

Khi xu hướng Âu hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ ở các đô thị lớn, đặc biệt như Sài Gòn, nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của người dân cũng bắt đầu thay đổi.

Sớm du nhập vào Sài Gòn từ những gánh hát Tây, đến thập niên 1950-1960 đã có hơn 30 ban kịch chuyên nghiệp được hình thành ở Nam Bộ như đoàn kịch nói Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng,… với những vở kịch kinh điển như Lá sầu riêng, Bông hồng cài áo... đã góp phần khẳng định thương hiệu Kịch nói trong lòng khán giả yêu kịch miền Nam suốt bao năm qua.

Đặc biệt, sau ngày đất nước thống nhất, với sự hội tụ lực lượng bao gồm Đoàn kịch Nam Bộ từ miền Bắc vào Thành phố, các nghệ sĩ từ chiến khu ra cùng lực lượng nghệ sĩ hiện hữu và sự thành lập Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) làm nòng cốt thành lập Đoàn Kịch Cửu Long Giang năm 1976 và sau này đổi tên thành Nhà hát Kịch TP.HCM vào năm 1998, sân khấu Kịch nói TP.HCM đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Chính từ sự năng động của lực lượng nghệ sĩ mới này cùng các chuyến lưu, giao lưu giữa nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc đã tạo cơ hội cho người làm nghề thấy được đời sống sân khấu phong phú và đặc trưng riêng giữa các vùng miền, từ đó tiếp thu tinh hoa lẫn nhau bồi đắp, tạo nên thành tựu kịch nghệ nước nhà.

Triển lãm hình ảnh và tư liệu về lịch sử phát triển Kịch nói - ảnh 3
Triển lãm khái quát bức tranh Kịch nói TP.HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung

Từ năm 1997, thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 90 của Chính phủ, CLB Sân khấu thể nghiệm 5B (sau này là Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ) ra đời, mở đường cho hoạt động xã hội hóa sân khấu của Thành phố cùng với hàng loạt sân khấu được thành lập và khẳng định thương hiệu như: Sân khấu Idecaf, Sân khấu Kịch Hồng Vân, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Thế giới Trẻ,… góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu của kịch nói tại TP.HCM.

Ngày nay, Kịch nói đã trở thành một món ăn tinh thần quen thuộc đối với một bộ phận người dân Thành phố. Để có được những thành tựu của Kịch nói Thành phố như hôm nay là cả một quá trình vận động, phát triển và phấn đấu của biết bao thế hệ nghệ sĩ - những ngôi sao mới trên bầu trời kịch nghệ đã nỗ lực cống hiến hết mình.

Dù trải qua bao thăng trầm, Kịch nói Thành phố nói riêng và Nam Bộ nói chung vẫn tiếp tục có những điều chỉnh để mang đến những dấu ấn mới trong từng vở diễn phục vụ đông đảo công chúng mộ điệu.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc