Nhớ cố tác giả Hoàng Luyện, cả đời đam mê nghệ thuật truyền thống dân tộc
VHO - Nói đến lịch sử sân khấu Việt Nam thời kỳ 1960 - 1980 chắc chắn không thể không nhắc đến tác giả Hoàng Luyện với những tác phẩm sân khấu: "Bà mẹ Sông Hồng", "Nắng tháng Tám" hay "Cây gậy thần". Đã gần 25 năm kể từ khi cố tác giả Hoàng Luyện về với miền mây trắng thế nhưng, những tác phẩm của ông đã đóng góp không nhỏ tạo nên dấu ấn trên sân khấu truyền thống. Trong đó có những tác phẩm vẫn tiếp tục được dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu.

Tác giả Hoàng Luyện tên thật là Phạm Vũ La, sinh năm 1925 và lớn lên trên đất chèo truyền thống ở làng Thứa, Mỹ Hào, Hưng Yên.
Ông đã có hàng chục năm hoạt động cách mạng công khai ở địa phương từ năm 1936 và từng là chủ bút báo tỉnh, cán bộ tuyên huấn. Người chiến sĩ cách mạng thường sáng tác thơ ca hoặc hoạt cảnh ngắn chèo và cải lương để phục vụ kịp thời phong trào du kích ven tả ngạn sông Hồng.
Từ khi về làm công tác nghệ thuật, tác giả Hoàng Luyện đã sáng tác hơn một chục vở ca kịch lấy cảm hứng từ cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ông cũng khai thác kho tàng truyện cổ dân tộc, lấy ra những gương sáng, nghĩa nhân, tâm động, tính lãng mạn, những ứng xử về nhân tình thế thái thiết thực để viết những vở kịch phục vụ khán giả.
Song dường như có mối duyên kỳ lạ đưa đẩy, Hoàng Luyện đã có 6 kịch bản được các đơn vị chuyên nghiệp Cải lương dàn dựng như: Chử Đồng Tử - Tiên Dung (năm 1957), Bà mẹ Sông Hồng (năm 1959), Nắng tháng Tám (năm 1970), Kim Đồng (năm 1976), Vó ngựa Săn Mây (năm 1983), Giấc mộng hoa đào (năm 1987).
Ông cũng có hai kịch bản được chuyển thể sang sân khấu Chèo là: Bà mẹ sinh thành, Đoàn Chèo Thanh Hóa dựng năm 1961 và Công chúa Tiên Dung, Đoàn Chèo Hải Hưng đưa lên sàn diễn năm 1990.

Vở chèo Chử Đồng Tử - Tiên Dung viết năm 1957 của ông đã được 5 đoàn cải lương chuyên nghiệp trên miền Bắc dựng diễn suốt mấy năm, diễn ở đâu cũng thu hút đông đảo bà con đến con xem. Từ ngày tổ quốc thống nhất, vở diễn có thêm ba đơn vị cải lương miền Nam dàn dựng.
Bà mẹ Sông Hồng nói về những điều mắt thấy tai nghe và bản thân phải trải qua trong vùng hậu dịch thời kháng chiến chống Pháp của một người đàn bà vùng quê.
Kịch bản đoạt giải A của Hội nghệ sĩ sân khấu và Vụ nghệ thuật đầu năm 1960, liền đó có tới 9 đoàn cải lương chuyên nghiệp tỉnh và thành phố dàn dựng và nhanh chóng trở thành tiết mục đỉnh trong dàn kịch mục thường trực của các đơn vị trước những năm 1960, 1970.
Bà mẹ Sông Hồng gắn bó với Đoàn Cải lương Kim Phụng Hà Nội hơn hai chục năm qua với hơn 2000 đêm diễn và nhiều thế hệ diễn viên đã đánh dấu một mốc son trên con đường trưởng thành.
Vở diễn cũng giành Huy chương vàng từ Hội diễn sân khấu Thủ đô năm 1962, đồng thời gần 20 đội văn nghệ cơ sở thuộc mấy tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cũng tổ chức diễn xuất. Sau ngày giải phóng miền Nam, Bà mẹ Sông Hồng còn được một số đoàn nghệ thuật trong Nam dàn dựng và công diễn suốt mấy năm.
Có thể nói, đây là hình tượng bà mẹ anh Hùng đầu tiên và đẹp nhất của sân khấu cách mạng, tiêu biểu cho hàng vạn bà mẹ anh hùng trong những năm đấu tranh giải phóng của Việt Nam.

Trong khi đó, Nắng tháng Tám khai thác đề tài đồng bào vùng than đấu tranh sống còn với bọn chủ mỏ đòi giải phóng, phải giành bằng được độc lập dân tộc thì thân phận mỗi người dân mới thay đổi.
Kịch bản Nắng tháng Tám do Nhà hát Cải lương Trung ương công diễn tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm 16 năm phóng thủ đô, đồng thời nhận giải khuyến khích của Hội nghệ sĩ sân khấu năm 1971.
Kim Đồng sau mang tên Bài ca mùa xuân thể hiện cuộc đời hoạt động quan trọng của một thiếu niên anh hùng thời kỳ cách mạng.
Vở diễn được Đoàn Cải lương tỉnh Bắc Thái công diễn năm 1976 và liền mấy năm sau vẫn là tiết mục chủ chốt của đơn vị. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên đi vào đề tài thiếu nhi một cách nghiêm túc, chững chạc.
Tác phẩm Giấc mộng hoa đào đi vào khai thác cuộc đời cô Đào Huệ tài sắc, có lòng yêu nước nồng nàn đã đứng lên tổ chức nhân dân và chị em chuẩn bị vũ trang đánh địch.
Họ đã dùng lời ca điệu múa làm vũ khí giết giặc Minh ở thế kỷ 15. Tiết mục do Đoàn Kiến vàng thủ đô công diễn nhân dịp cách mạng tháng tám 1945 và được giải ba của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội.
Năm 2021, vở diễn Cây gậy thần (còn có tên gọi Thiên duyên huyền tích) cũng được dàn dựng trong dự án Huyền sử Việt với sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật xiếc và cải lương do Bộ VHTTDL đặt hàng.
Vở diễn khai thác về huyền tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung, mối thiên duyên vô tiền khoáng hậu thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người ấy cũng đã trở thành câu chuyện thấm đẫm chất thơ, nhiều chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh và quen thuộc trong tâm thức của biết bao thế hệ người Việt.
Hai tác phẩm của ông là Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, Thiên duyên huyền tích do tác giả Lê Thế Song (con rể của Hoàng Luyện) chuyển thể và biên tập đã được Nhà hát Chèo Thái Bình dàn dựng để tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022, trong đó vở Thiên duyên huyền tích được trao Huy chương vàng.

Là tác giả thuỷ chung với nghệ thuật truyền thống dân tộc nhưng ông không bao giờ cho rằng truyền thống là mô hình vĩnh cửu và bất biến. Điều này thể hiện rất rõ qua các tác phẩm của ông, mỗi vở ra đời đều thể hiện sự tìm tòi sáng tạo và cách tân.
Với những cống hiến của mình, tác giả Hoàng Luyện được nhận kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, Huân chương kháng chiến Hạng Ba năm 1961, Huân chương kháng chiến hạng nhì năm 1986...
Với 2 kịch bản sân khấu đặc sắc Bà mẹ Sông Hồng và Nắng tháng Tám, tác giả Hoàng Luyện đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.
Cố tác giả Hoàng Luyện đã rời xa cõi tạm, nhưng rõ ràng, tác phẩm của ông vẫn đang sống. Và điều đáng trân trọng là tình yêu, niềm đam mê ông dành cho nghệ thuật sân khấu truyền thống vẫn đang được nối dài, lan tỏa bởi những người con yêu quý của ông, đó là con gái thạc sĩ Xuân Hồng và con rể, tác giả Lê Thế Song.
Con gái tác giả Hoàng Luyện, thạc sĩ Xuân Hồng chia sẻ, chị sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật, bố là tác giả sân khấu, mẹ là giọng ca cải lương có tiếng nên tình yêu sân khấu đã thấm đẫm trong huyết quản của chị từ thuở nhỏ.
Dù có lúc cuộc sống khó khăn, phải gác lại đam mê sân khấu cho công việc khác thì nghệ thuật vẫn như “thiên duyên” đối với các con của cố tác giả Hoàng Luyện, vợ chồng Xuân Hồng – Lê Thế Song đã cùng đi học biên kịch tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, sau đó là cùng học thạc sĩ Nghệ thuật sân khấu, để tiếp nối tình yêu, tâm huyết với nghệ thuật truyền thống được trao truyền từ thế hệ đi trước.
Tác giả Hoàng Luyện sinh ngày 3.4.1925, mất ngày 28.4.2001. Nhân ngày sinh của ông, chúng ta nhắc tới một cây bút đam mê và lặng lẽ với những tác phẩm còn mãi với thời gian.