Nghệ thuật biểu diễn:

Nhiều tín hiệu chuyển mình

THÚY HIỀN

VHO - Nhà hát Múa rối Việt Nam vượt mốc hơn 1.000 suất diễn mỗi năm; Nhà hát Tuồng bán vé trực tiếp và khán phòng không còn chỗ trống; Nhà hát Tuổi Trẻ linh hoạt điều chỉnh giờ diễn phục vụ khán giả nhỏ tuổi... Những chia sẻ từ lãnh đạo 12 nhà hát tại buổi làm việc rà soát lại “Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2024” với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSND Nguyễn Xuân Bắc vừa qua tại Hà Nội đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc đáng ghi nhận của các đơn vị, nhà hát trực thuộc Bộ.

Nhiều tín hiệu chuyển mình - ảnh 1
Buổi làm việc của Thứ trưởng Tạ Quang Đông cùng lãnh đạo 12 đơn vị, nhà hát trực thuộc Bộ tại Cục Nghệ thuật biểu diễn

 Vượt kỷ lục của chính mình

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị lần lượt báo cáo về số lượng suất diễn và những kết quả nổi bật trong năm 2024. Một số nhà hát đã vượt kế hoạch dự kiến, đạt được những thành tích đáng mơ ước. Có thể kể đến: Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch của cả năm 2024, hơn thế từ đầu tháng 11 đến nay, mỗi ngày đều đặn biểu diễn 3 show phục vụ khách du lịch. Dù địa điểm không thuận lợi, nhưng Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn tổ chức thành công 150 buổi diễn…

Gần 50 nghệ sĩ thuộc ba đoàn của Nhà hát Múa rối Việt Nam hiện đang hoạt động sôi nổi tại các sân khấu cố định như 361 Trường Chinh (Hà Nội), Không gian Văn hóa Việt 79 Hàng Trống (Hà Nội), À Ơi Theater tại thị trấn Hoàng Hôn (Phú Quốc, Kiên Giang), sân khấu tại Bà Nà Hills và Công viên châu Á. Với hơn 1.000 suất diễn tính đến thời điểm hiện tại, đây là con số kỷ lục đáng ghi nhận trong lịch sử hoạt động của Nhà hát.

Sự năng động của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng để lại dấu ấn khi liên tục ra mắt các chương trình mới phục vụ thanh thiếu niên. Trong năm 2024, nhà hát đã dựng bốn vở diễn mới thuộc dự án Mùa hè yêu thương 2024, gồm: Bữa tiệc của Elsa, Vị vua không ngai, Zorba - chú mèo thám tử Giải cứu bà nội. Nhà hát còn mạnh dạn điều chỉnh khung giờ diễn vào 20h thứ Bảy và 15h Chủ nhật, giúp phụ huynh và các khán giả nhí dễ dàng sắp xếp thời gian thưởng thức nghệ thuật.

Lãnh đạo Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ, hiện đơn vị đã bán được 350 vé mỗi suất diễn tại rạp Hồng Hà. Dù phối hợp với một công ty tổ chức sự kiện, nhưng đây là bước ngoặt quan trọng sau nhiều năm nghệ thuật Tuồng quay trở lại với hình thức bán vé trực tiếp. Không ít khán giả đã tỏ ra bất ngờ, thích thú khi được thưởng thức những vở tuồng đặc sắc, đậm chất truyền thống ngay giữa lòng Thủ đô.

Nhiều tín hiệu chuyển mình - ảnh 2
Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn tại Sân khấu À Ơi Theater tại bãi biển thị trấn Hoàng Hôn (Phú Quốc - Kiên Giang)

Hội nhập và phát triển theo xu hướng sân khấu thế giới

Qua báo cáo của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, nhiều chương trình hợp tác quốc tế đã đạt được thành công vang dội. Các chương trình mang phong cách nghệ thuật hiện đại không chỉ đa dạng hóa loại hình biểu diễn mà còn nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ khán giả. Đồng thời, các chuyến lưu diễn và tham dự liên hoan nghệ thuật quốc tế cũng gặt hái được những thành tựu đáng kể.

Riêng trong năm 2024, Nhà hát Múa rối Việt Nam thực hiện được một chuyến biểu diễn tại Mỹ, ba chuyến tại Nhật Bản và một chuyến tại Đài Loan. Tiết mục Đu nón 4 nữ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã xuất sắc giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Xiếc quốc tế “IDOL” lần thứ 8 tổ chức tại Liên bang Nga, đánh dấu lần đầu tiên xiếc Việt được vinh danh tại “cường quốc” của nghệ thuật xiếc.

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Nhờ quảng bá trên TikTok và Facebook, chương trình Hà Nội trong trái tim tôi tổ chức tháng 10 đã bán hết sạch vé, phần lớn khán giả là thanh niên. Đơn cử như clip giới thiệu tiết mục Đu nón 4 nữ chỉ dài một phút nhưng đã thu hút hàng triệu lượt xem, cho thấy sức mạnh của truyền thông số trong việc lan tỏa nghệ thuật”.

Bên cạnh những thành tựu đáng khen ngợi, các nhà hát vẫn đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực sân khấu truyền thống. Một số nhà hát, như Nhà hát Cải lương Việt Nam, hiện vẫn chưa có rạp diễn cố định.

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Nguyễn Xuân Bắc nhấn mạnh: “Nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, đang gặp phải nhiều thách thức như thiếu sự quan tâm của khán giả trẻ, hạn chế về cơ sở vật chất và nguồn ngân sách, cùng nhu cầu cấp thiết trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Cục sẽ tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ, hoàn thiện thể chế quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa”.

Lắng nghe ý kiến từ lãnh đạo các nhà hát và Cục Nghệ thuật biểu diễn, Thứ trưởng Tạ Quang Đông biểu dương nỗ lực của các đơn vị trong việc hoàn thành kế hoạch năm 2024. Thứ trưởng nhấn mạnh, năm 2025 sẽ là dịp kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại như: 95 năm thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2025); 50 năm Giải phóng miền Nam (30.4.1975 - 30.4.2025) và 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2025). Vì vậy, các nhà hát cần chuẩn bị những chương trình nghệ thuật tầm cỡ, mang tính biểu tượng để phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Với một số nhà hát đang thiếu biên chế, thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu biểu diễn nghệ thuật thì cần có kế hoạch xin thêm biên chế và kiện toàn nhân lực để không bị thiếu hụt, đảm bảo chất lượng biểu diễn. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cần duy trì đều đặn các liên hoan, cuộc thi định kỳ của tất cả các loại hình nghệ thuật, trong đó chú trọng tới các loại hình như xiếc, múa... để anh chị em nghệ sĩ không bị thiệt thòi vì tuổi nghề của các loại hình nghệ thuật này rất ngắn. Việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan ở khu vực nào cũng cần lên sớm để các tỉnh, thành phố có kế hoạch phối hợp cụ thể…