Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024:

Truyền lửa cho văn nghệ sĩ

NAM ANH

VHO - Trong thời gian tham gia Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024, các tác giả đã sáng tác, hoàn thiện 24 kịch bản sân khấu, tác phẩm phê bình văn học nghệ thuật (VHNT), thể hiện niềm đam mê sáng tạo và không ngừng tìm tòi cái mới để có những tác phẩm chất lượng, mang hơi thở đời sống.

Ngày 18.9, tại Nhà sáng tác Đà Lạt (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT tổ chức tổng kết Trại sáng tác viết kịch bản văn học năm 2024.

Truyền cảm hứng sáng tạo

Trại sáng tác diễn ra trong một tuần, có sự tham gia của 26 nhà biên kịch, đạo diễn sân khấu, điện ảnh, truyền hình, nhà văn, nhà lý luận, phê bình đến từ 17 đơn vị trong cả nước.

Truyền lửa cho văn nghệ sĩ - ảnh 1
Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại buổi tổng kết trại sáng tác

Đây là cuộc sinh hoạt chuyên môn nghề nghiệp, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, truyền cảm hứng trong lĩnh vực sáng tác kịch bản văn học. Thông qua hoạt động trao đổi chuyên môn, các trại viên càng nhận rõ tầm quan trọng của việc đổi mới, nâng cao chất lượng tác phẩm để tạo ra những vở diễn hay, có sức lôi cuốn, hấp dẫn khán giả.

Tại Lễ tổng kết, Trưởng phòng Văn học (Cục Nghệ thuật biểu diễn) Trần Văn Tuấn, Phó trưởng BTC chúc mừng sự thành công của trại sáng tác, đồng thời ghi nhận sự tham gia nghiêm túc của các trại viên và kết quả là những tác phẩm nộp về.

Ông Trần Văn Tuấn hy vọng qua trại sáng tác lần này, các tác giả sẽ có nhiều dấu ấn tốt đẹp về mảnh đất, con người Đà Lạt và đây sẽ là chất liệu để các tác giả tiếp tục sáng tạo những tác phẩm có chất lượng trong thời gian tới.

Theo PGS, Đại tá, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tú, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sức hút của kịch rất lớn và rất quan trọng. Nó đánh thức lương tâm, nhân bản trong mỗi con người, đánh thức bổn phận, nghĩa vụ trong mỗi người lính.

Ông đưa ra những dẫn chứng rất cụ thể và đầy thuyết phục về sức mạnh của kịch đối với những người lính trên chiến trường Campuchia ngày ấy. Ông khẳng định rằng trong kho tàng dân gian Việt Nam có những vở kịch mang tầm nhân loại. Tuy nhiên, kịch của Việt Nam hiện còn nghèo vì thiếu tình huống, thiếu sự tưởng tượng.

Truyền lửa cho văn nghệ sĩ - ảnh 2
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Văn học (Cục Nghệ thuật biểu diễn) phát biểu

“Cái hay của kịch, trước hết là tạo ra những tình huống mới. Kịch bản phải bám sát vào đời sống, gạn lọc những gì là tinh chất của đời sống để trải ra tác phẩm”, PGS Nguyễn Thanh Tú phát biểu.

Chia sẻ những suy nghĩ đầy tâm huyết về nghề, nhà biên kịch, nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thu Phương (TP.HCM) khẳng định, kịch bản văn học phải đi ra từ đời sống. Những người viết kịch bản, nếu muốn đi theo con đường chuyên nghiệp, thì phải học hỏi, trau dồi rất nhiều. Trại sáng tác là đòn bẩy, điều quan trọng là sự đam mê, nỗ lực của chính các tác giả. 

Nhà văn, nhà báo Lại Văn Long (TP.HCM) có nhiều cảm xúc khi lần đầu tiên tham gia trại sáng tác ngay trên quê hương mình, trong “ngôi nhà” mà ông mơ ước bấy lâu nay. Theo ông, trại sáng tác là nơi các trại viên hoàn thiện tác phẩm, tìm kiếm ý tưởng, lên đề cương cho tác phẩm mới và giao lưu, trao đổi về chuyên môn.

Là thành viên trẻ nhất trại sáng tác, tác giả Trúc Phùng (sinh năm 1991, đến từ Gia Lai) cho hay, cô tham gia trại sáng tác là để lắng nghe, học hỏi. Buổi nói chuyện chuyên môn của  NSND Giang Mạnh Hà và những chia sẻ của các nhà biên kịch, nhà văn đã mang đến cho cô nhiều góc nhìn về sáng tác kịch bản văn học.

Mong muốn về những đợt “truyền lửa” mới

Khẳng định sự thành công của trại sáng tác, PGS Nguyễn Thanh Tú đề xuất nên tăng thời gian tổ chức trại lên 10 ngày, để các trại viên có thêm thời gian đọc tác phẩm của nhau, giao lưu trao đổi và nắm bắt được nhiều hơn.

Truyền lửa cho văn nghệ sĩ - ảnh 3
Các kịch bản từ trại sáng tác

Nhà biên kịch Hoàng Tiến Điểm (Đồng Nai) cũng đánh giá cao sự thành công của Trại sáng tác kịch bản văn học năm 2024. Ông đề xuất Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức những trại sau trong khoảng thời gian 10 ngày và mời thêm những người giỏi nghề đến chia sẻ, trao đổi chuyên môn để định hướng, bồi dưỡng cho các trại viên.  

Nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương cho rằng trong thời gian diễn ra trại sáng tác, nên có thêm những chuyến đi thâm nhập thực tế, tìm hiểu về văn hóa, đời sống của người dân địa phương để các tác giả có thêm chất liệu sáng tạo tác phẩm.

Tác giả Trúc Phùng đề xuất trại sáng tác cần có thêm những buổi sinh hoạt chuyên môn để các trại viên lắng nghe chia sẻ từ các nghệ sĩ có nhiều kinh nghiệm, bề dày trong lĩnh vực này; đề xuất Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện cho các trại viên đến những làng nghề truyền thống, tìm hiểu về đời sống của người dân bản địa.

Nhà văn Lại Văn Long nói rằng từ trước đến nay, Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung như một "phim trường" khổng lồ. Ông bày tỏ mong muốn tỉnh Lâm Đồng có những chính sách thu hút văn nghệ sĩ đến đây sáng tạo tác phẩm VHNT, tiếp tục lan tỏa vẻ đẹp của mảnh đất, con người Lâm Đồng.

Truyền lửa cho văn nghệ sĩ - ảnh 4
Trại sáng tác diễn ra thành công tốt đẹp

Phát biểu tại Lễ tổng kết trại sáng tác, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng Nguyễn Tiến Hải cho biết, ông đã cảm nhận không khí vui tươi, háo hức khi các trại viên hội ngộ tại trại sáng tác ở Đà Lạt, hoàn thiện tác phẩm và cùng nhau trao đổi chuyên môn.

Tham gia trại có những người làm nghề lâu năm và cũng có những gương mặt mới, gương mặt trẻ đang dần bước vào con đường chuyên nghiệp. Ông hy vọng rằng sau đợt sáng tác này, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tổ chức thêm nhiều trại sáng tác để văn nghệ sĩ giao lưu học hỏi, đặc biệt là có thêm nguồn cảm xúc sáng tạo tác phẩm.

Ông Nguyễn Tiến Hải mong muốn văn nghệ sĩ dự trại sáng tác sẽ có thêm những tác phẩm hay về vùng đất, con người nơi đây.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc