Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn:
Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam qua lăng kính nghệ thuật
VHO - Vào lúc 20h ngày 29.12, chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn sẽ chính thức công diễn tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), với sự tham gia của 6 nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL. Sự kiện được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối quảng bá sâu rộng văn hóa lịch sử dân tộc, đặc biệt tại một địa điểm công cộng mang đậm dấu ấn lịch sử như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Chương trình do PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL làm Tổng đạo diễn và chỉ đạo thực hiện. Nhóm đạo diễn phối hợp gồm: NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSND Huỳnh Tú, Lê Phúc, Giám đốc âm nhạc NSND Huỳnh Tú... Công ty cổ phần Đầu tư và Truyền thông Bách Lê là đơn vị tổ chức sản xuất.
“Giải mã” văn hóa và lịch sử qua nghệ thuật
Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn huy động lực lượng diễn viên đông đảo từ sáu nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa Rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ và ca sĩ nổi tiếng cũng sẽ góp mặt như NSND Xuân Bắc, NSND Thanh Lam, NS Quỳnh Trang, Vũ đoàn Lavender…
Trao đổi với Văn Hóa, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: “Đây là một dự án nghệ thuật đặc biệt. Chúng tôi mong muốn thông qua ngôn ngữ nghệ thuật tổng hợp để quảng bá văn hóa và lịch sử dân tộc. Điểm đặc biệt là chương trình được tổ chức tại một không gian di sản mang tính quảng trường, cụ thể là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nhằm phục vụ lượng lớn khán giả đại chúng. Đây cũng là chương trình đầu tiên trong Dự án biểu diễn nghệ thuật thực cảnh Việt Nam - Huyền sử diễn ca. Nếu thành công và đạt được hiệu ứng tốt, rất có thể sẽ có thêm nhiều chương trình tiếp theo được tổ chức”.
Theo Thứ trưởng, khi khảo sát và xây dựng dự án, ê kíp sáng tạo nhận thấy người Hà Nội, rộng hơn là người Việt Nam, và rộng hơn nữa là khách du lịch quốc tế, đều rất yêu thích khi tiếp cận với hệ thống truyền thuyết, huyền thoại về Hoàng thành Thăng Long, về nền văn hiến Đại Việt và truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc của chúng ta. Tuy nhiên, để hệ thống hóa các truyền thuyết, huyền thoại, huyền tích, những sự kiện lịch sử, nhân vật cụ thể cùng các giá trị di sản vật thể, phi vật thể và tinh hoa nghệ thuật thì hiện chưa có hình thức giáo khoa, trình diễn nghệ thuật hay truyền thông nào thực sự đặt mục tiêu tinh giản, làm rõ, giúp chúng trở nên dễ tiếp nhận, dễ nhớ và dễ giải mã về Thăng Long - Địa linh nhân kiệt, Ngàn năm văn hiến, Võ công - Văn trị và Tinh hoa hội tụ…
Thăng Long - Tứ trấn có thời lượng biểu diễn 80 phút, gắn liền với sự ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý vào năm 1010, là sự kết hợp giữa truyền thuyết và di tích lịch sử về bốn ngôi đền thờ bốn vị Thần hộ pháp trấn giữ kinh thành: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên, Quán Thánh. Đây được coi là bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất tại chốn kinh kỳ, không chỉ bởi lịch sử hình thành mà còn vì vẻ đẹp văn hóa trong tín ngưỡng của người Việt.
“Tâm lý của khán giả đại chúng khi tiếp nhận nghệ thuật qua hình thức khám phá du lịch là sự trải nghiệm, cảm nhận và thưởng thức. Họ yêu thích sự khác biệt, sự mới mẻ, bất ngờ nhưng gần gũi. Điều họ e ngại là những thông điệp giáo huấn nặng nề, áp đặt hay tuyên truyền đơn điệu, thô cứng. Việc kết hợp các hình thức trình diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại tổng hợp sẽ tạo ra một hệ thống nhận diện độc đáo về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Hệ thống này có thể được quảng bá gián tiếp qua các hiện vật, quà tặng, lưu niệm, linh vật, sản phẩm thủ công sau khi khách tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc, tinh hoa và cuốn hút”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông bày tỏ.
Cảm hứng mới cho văn hóa đại chúng
Chia sẻ về vai trò trong nhóm Đạo diễn sân khấu và Giám đốc âm nhạc của chương trình, NSND Huỳnh Tú cho biết: “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn đã được Thứ trưởng Tạ Quang Đông và ê kíp sáng tạo bắt tay xây dựng từ hai năm trước. Chúng tôi đã chỉnh sửa kịch bản nhiều lần để phù hợp với bối cảnh hiện tại. Điều quan trọng mà Thứ trưởng và nhóm sáng tạo muốn hướng tới là tôn vinh di sản Hoàng thành Thăng Long và Thăng Long - Tứ trấn, những biểu tượng văn hóa thiêng liêng của Thủ đô Hà Nội. Đây là chương trình nghệ thuật dân gian đương đại tổng hợp, kết hợp giữa thực cảnh, hoạt cảnh, trình diễn kỹ năng, sáng tác mới và tương tác, với sắp đặt không gian và mỹ thuật; sử dụng các loại hình truyền thống như rối nước, chèo, tạp kỹ, múa dân gian, cùng với sự trình diễn kỹ năng của các nghệ nhân. Đặc biệt, chương trình được hỗ trợ bởi công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại, kỹ xảo hình ảnh và các công nghệ tương tác sân khấu tiên tiến nhất hiện nay, như mapping 3D, đồ họa thực tế trong không gian ảo, mang đến những hiệu ứng nghe nhìn ấn tượng chưa từng có cho khán giả”.
Sự kết hợp của sáu nhà hát cũng sẽ giúp người xem có cơ hội trải nghiệm đa dạng các hình thức nghệ thuật trên sân khấu. Cách dàn dựng tinh tế đã giúp mỗi nhà hát phát huy thế mạnh của mình. Các nhân vật được lựa chọn phù hợp với từng loại hình sân khấu, như hình tượng các vị thần được thể hiện bởi Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Kịch Việt Nam. Các màn múa võ được thể hiện bởi diễn viên của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Những màn múa trồng dâu, nuôi tằm, trồng lúa được thể hiện bởi Nhà hát Chèo Việt Nam và Vũ đoàn Lavender. Đặc biệt, màn hầu đồng độc đáo sẽ được thể hiện bằng những con rối do Nhà hát Múa rối Việt Nam thực hiện.
Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Lê Tuấn Cường chia sẻ: “Lần đầu tiên, diễn viên sân khấu truyền thống được đứng chung sàn diễn với các loại hình nghệ thuật khác như xiếc, kịch nói trên một sân khấu rộng lớn tại quảng trường Hoàng thành Thăng Long. Đây không chỉ là một lễ hội mà thực sự là một sự kiện nghệ thuật kết hợp đậm đà văn hóa truyền thống và phong cách đương đại, được dàn dựng theo hướng công nghiệp văn hóa…”.
Giám đốc âm nhạc, NSND Huỳnh Tú bật mí: Ca khúc Thăng Long nghìn năm - Hồn thiêng Tứ trấn, do ông cùng nhạc sĩ Trường Lâm và Tiến Đạt đồng sáng tác, sẽ là điểm nhấn đặc biệt cho phần kết. Ca khúc sẽ được NSND Thanh Lam thể hiện cùng sự phối hợp của toàn bộ nghệ sĩ tham gia chương trình.
NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ, rất tâm đắc về thiết kế sân khấu theo hướng thực cảnh: “Mặt tiền trước cổng Hoàng thành được lắp đặt một sân khấu trình diễn cơ động nhưng kiên cố, kết hợp với không gian tương tác dành cho khán giả, bao gồm các khu chợ đêm, chợ lưu niệm, chợ quê và sản phẩm thủ công, làng nghề… Sân khấu được cấu tạo với 3 lớp, hoàn toàn mở và phóng khoáng, thể hiện đúng tinh thần thực cảnh. Đặc biệt, sân khấu còn được mở rộng ra phía trước, trải nilon với thành thép bọc cao khoảng 50cm, có thể bơm và rút nước dưới sàn, tạo hiệu ứng đầm lầy, sông, biển, làm tăng tính tương tác trong quá trình trình diễn. Phía trên, dàn mưa sẽ được lắp đặt, tạo ra hiệu ứng trình diễn mạo hiểm, hấp dẫn hơn”.
Trước khi chương trình biểu diễn nghệ thuật Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn diễn ra, khán giả sẽ tham gia các workshop văn hóa và nghệ thuật truyền thống, tìm hiểu các nghề thủ công, ẩm thực và nghệ thuật dưới dạng trình diễn cộng đồng, mang đậm văn hóa Thăng Long - Hà Nội; được trải nghiệm thực hành và tạo quà lưu niệm, gắn kết với lịch sử và giá trị truyền thống…
Kết hợp các hình thức trình diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại sẽ tạo nên một hệ thống đặc biệt nhận diện văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa nghìn năm của đất Kinh kỳ. Hệ thống này có thể được quảng bá gián tiếp qua hiện vật, quà lưu niệm, linh vật và sản phẩm thủ công sau khi du khách tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và thưởng thức chương trình nghệ thuật tinh hoa, đặc sắc.
Xây dựng chương trình nghệ thuật quảng bá cho văn hóa, lịch sử, truyền thống và bản sắc dân tộc là việc vô cùng thiết thực, ý nghĩa, kích hoạt và hỗ trợ sự phát triển cho ngành Du lịch trong thời đại hội nhập quốc tế.
Lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các nhà hát tham gia chương trình đều khẳng định Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn sẽ là sản phẩm nghệ thuật kích cầu du lịch và phát triển công nghiệp văn hóa. Chủ trương của Bộ VHTTDL đã thúc đẩy các nhà hát xây dựng sản phẩm nghệ thuật đáp ứng nhu cầu của khán giả, đặc biệt là du khách trong nước và quốc tế. Sự hợp tác giữa các nhà hát quốc gia thể hiện sức mạnh tổng hợp, với hy vọng sẽ có thêm nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn được triển khai, góp phần xây dựng bộ nhận diện và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.