“Ngôi sao phòng vé” chỉ là điều kiện cần

BÁ TRƯỜNG

VHO - Sau mức doanh thu khủng hơn 1.000 tỉ của phòng vé Việt, thì những cú “ngã đau” đã liên tục xuất hiện. Dù không ít dự án có sự góp mặt của các gương mặt được xem là bảo chứng phòng vé, nhưng cũng không “gánh” nổi cả bộ phim, bởi gu thẩm mỹ của khán giả ngày càng nâng cao. Họ luôn mong muốn được thưởng thức tác phẩm điện ảnh thực sự chất lượng và hợp thị hiếu đương đại…

 “Ngôi sao phòng vé” chỉ là điều kiện cần - ảnh 1

Đào, Phở và Piano đã tạo nên cơn sốt phòng vé dịp đầu năm 2024

 Liệu “sao” có đổi ngôi?

Theo đó, từ đầu năm đến nay, đã có 12 phim tư nhân ra rạp, khá phong phú về chủ đề cũng như thể loại. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có Mai, Lật mặt 7: Một điều ước, Gặp lại chị bầu là mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất. Đặc biệt, riêng hai thương hiệu “đình đám” Trấn Thành và Lý Hải đã đạt hơn 1.000 tỉ đồng, trong khi các đạo diễn còn lại chỉ thu về hơn 140 tỉ đồng. Thậm chí, nhìn từ khía cạnh trình chiếu thương mại hay giải thưởng nghệ thuật, hai tên tuổi này vẫn chiếm ưu thế.

Có thể thấy, sức hút từ thương hiệu Trấn Thành, Lý Hải còn tạo nên “thời điểm vàng” ra rạp trong năm: Tết trở thành “mùa” của Trấn Thành và dịp lễ 30.4 - 1.5 là “mùa” của Lý Hải. Các tác phẩm của hai đạo diễn này rất hiếm có sự xuất hiện của “ngôi sao phòng vé” nhưng lại luôn thu hút nhờ diễn xuất tự nhiên của dàn cast, nội dung phim đời thường, dễ chạm và nhận được cảm tình từ khán giả.

Trong khi đó, những đạo diễn quay trở lại như Hoàng Duy (Quý cô thừa kế 2), Mai Thu Huyền (Đóa hoa mong manh), Lê Thanh Sơn (Móng vuốt), Nguyễn Hữu Tuấn (Án mạng lầu 4) hay mới trình làng tác phẩm đầu tay như bộ ba Tùng Leo, Michael Thái và Huỳnh Anh Duy (Trước giờ yêu), Nguyễn Ngọc Lâm (Cái giá của hạnh phúc), dù rất mạnh dạn gia nhập “đường đua” nhưng đều thảm bại. Dường như, khái niệm “ngôi sao phòng vé” hiện đã không còn thuộc về một vài diễn viên như trước. Sức hút của tác phẩm điện ảnh ăn khách lại bắt nguồn từ những người “cầm trịch”, trường hợp của Lý Hải hay Trấn Thành là minh chứng điển hình nhất.

Trên thực tế, những diễn viên từng là “ngôi sao phòng vé” như Thái Hòa, Kiều Minh Tuấn, hay ngôi sao trẻ Tuấn Trần đều giảm phong độ trông thấy. Ở Cái giá của hạnh phúc, diễn viên Thái Hòa không đủ sức “gồng” giúp phim thoát khỏi thua lỗ, doanh thu theo thống kê của Box Office Vietnam chỉ hơn 26,3 tỉ đồng, chưa tính chi phí nhà rạp, thuế, quảng bá… Các phim Tuấn Trần đóng, nếu không phải do Trấn Thành đạo diễn hay làm nhà sản xuất, thì đều thất thu (như Sắc đẹp dối trá, Móng vuốt). Còn “gương mặt thương hiệu” của Em chưa 18, Tiệc trăng máu, Chìa khóa trăm tỉ như Kiều Minh Tuấn cũng không cứu nổi phim Kẻ ẩn danh, Duyên ma, Trên bàn nhậu dưới bàn mưu... Điều này cho thấy, diễn viên chỉ có thể trở thành “ngôi sao phòng vé” khi gắn liền với ê kíp sản xuất, đạo diễn uy tín.

 “Ngôi sao phòng vé” chỉ là điều kiện cần - ảnh 2

Lật mặt 7

Chỉ là điều kiện cần

Theo giới chuyên môn, trước đây, khi làng giải trí trong nước chưa phát triển mạnh, số lượng diễn viên nổi tiếng không nhiều, khán giả mong chờ được thưởng thức tác phẩm của gương mặt mình yêu thích, chỉ cần nghe tên diễn viên là họ sẵn sàng rút hầu bao mua vé xem phim. Như năm 2018, thời của hài, tình cảm “lên ngôi”, có tới 26/40 phim ra rạp thuộc thể loại này. Song những năm trở lại đây, hài không còn “thống trị” màn ảnh rộng, điều này đã kéo theo số lượng diễn viên hài càng nhiều thì tốc độ đào thải càng nhanh. Thậm chí, một số diễn viên trẻ chỉ mới tạo được ấn tượng, đã phải lui về phía sau nhường lại cho các diễn viên mới hơn.

Giới chuyên môn khẳng định “ngôi sao phòng vé” Việt hiện nay chỉ là điều kiện cần. Nghĩa là, phim cần có “ngôi sao” để tạo sức hút ban đầu, giúp nhà sản xuất quảng bá cho bộ phim, giúp khán giả tiếp cận được nhanh chóng hơn. Song song với đó, điều kiện đủ để kéo khán giả đến rạp là câu chuyện được kể phải thật chất lượng. Phim hay thì sẽ lan tỏa qua nhiều hình thức, và ngược lại, phim tệ thì sẽ bị kêu gọi tẩy chay trên mọi diễn đàn.

Một số tác phẩm có đề tài dân tộc, lịch sử hay dòng phim nghệ thuật vốn được xem là kén khán giả trước đây, thì thời gian qua lại trở nên hút khách. Như trường hợp Đào, Phở và Piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã tạo nên “cơn sốt” trong dịp đầu năm nay, là minh chứng cho thấy mọi loại phim đều có thể kéo khán giả đến rạp, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng tác phẩm. Và hiển nhiên, trong bất cứ giai đoạn nào, thị trường điện ảnh trong nước và khán giả luôn là yếu tố trung tâm, buộc giới làm phim phải đặt lên hàng đầu.

Thị hiếu công chúng luôn thay đổi là vấn đề thực tế, nhất là trong bối cảnh rạp chiếu đang bị đe dọa bởi các nền tảng xem phim trực tuyến và web lậu. Điều này vừa đặt ra thách thức, vừa tạo ra cơ hội, buộc giới nghề cũng phải thay đổi, sáng tạo và bắt kịp xu hướng đương đại để cho ra đời những tác phẩm vừa chất lượng, vừa hợp thị hiếu. Điện ảnh 6 tháng đầu năm 2024 có cả niềm vui đan xen nỗi buồn, tuy nhiên, “30 chưa phải là Tết”, tình thế của thị trường có thể được xoay chuyển nếu như các nhà làm phim biết cách “giải bài toán” khó, biết thay đổi để hợp thời, thay vì cứ mãi đi trên lối mòn cũ.

Nhìn vào danh sách các dự án lên kế hoạch phát hành từ nay đến cuối năm, có thể thấy nhiều tên tuổi đạo diễn đã quay lại với đầy hy vọng như Nguyễn Hữu Hoàng (Ma da), Trịnh Đình Lê Minh (Ngày xưa có một chuyện tình), Lý Minh Thắng (Công tử Bạc Liêu), Vũ Ngọc Đãng (Cô dâu hào môn)… Hy vọng, phim Việt chiếu rạp sẽ có thêm nhiều tác phẩm làm nên chuyện!