Nghệ thuật kết nối yêu thương

MINH HÀ

VHO - Trong khi các địa phương miền Bắc đang dồn sức khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, nhiều chương trình trọn vẹn cả về nghệ thuật và nhân văn đã được tổ chức, qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, sẻ chia, kết nối yêu thương từ những hoạt động đầy ý nghĩa…

 Nghệ thuật kết nối yêu thương - ảnh 1
Tiết mục trong chương trình “Hà Nội - Những tháng năm…” do Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam tổ chức

 Tiếp thêm sức mạnh, chung tay hỗ trợ đồng bào

Thực hiện chủ trương của Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL về việc thực hiện chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra, 12 Nhà hát trực thuộc Bộ đã và đang chủ động, kịp thời triển khai đúng tiến độ, thiết thực hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy sức mạnh của văn hóa để chung tay cùng Đảng, Nhà nước nhanh chóng khôi phục sản xuất, hỗ trợ đồng bào ổn định đời sống.

Đến nay, nhiều buổi diễn đã được tổ chức thành công. Trong đó, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trích một phần tiền bán vé cùng toàn bộ số tiền thù lao của các nghệ sĩ trong đêm nhạc Lalo - Stravinsky (diễn ra ngày 17.9) để hỗ trợ các địa phương và đồng bào. Giám đốc Dàn nhạc, NSƯT Trịnh Tùng Linh cho biết: Hòa nhạc trình diễn những tác phẩm cổ điển, kinh điển và lồng ghép một tác phẩm của Việt Nam vào để biểu diễn ở phần mở đầu của chương trình, đó là tác phẩm Trở về đất mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.

Tác phẩm đã được chuyển thể từ bản gốc gồm cello, piano thành nhiều phiên bản bằng các nhạc cụ khác nhau và có một bản dành cho dàn nhạc giao hưởng, hiếm khi được trình diễn.

Đây là bản nhạc đặc biệt bởi âm hưởng đậm chất dân tộc, mang màu sắc trữ tình da diết và đi sâu vào tâm hồn người Việt. Thông qua tác phẩm, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam mong muốn gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân của cơn bão số 3 vừa qua.

NSƯT Trịnh Tùng Linh cũng bày tỏ: “Chúng ta đã phải trải qua nhiều khó khăn, từ dịch Covid-19 và đến giờ là thiên tai bão lũ, nhưng tinh thần đoàn kết, sẻ chia lúc nào cũng hiện rõ.

Các hoạt động thiện nguyện, “lá lành đùm lá rách” được thực hiện ở nhiều thời điểm, trở thành truyền thống tốt đẹp trong văn hóa Việt.

Chính vì thế, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ VHTTDL, phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chúng tôi mong muốn dùng chính công việc chuyên môn của mình để tuyên truyền, lan tỏa tinh thần này đến với đông đảo khán giả”.

Cùng chung ý nguyện hướng về đồng bào, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt Hà Nội - Những tháng năm vào 20h ngày 20.9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

NSƯT Quỳnh Trang, Giám đốc Nhà hát cho biết, với mong muốn gửi gắm qua nghệ thuật thông điệp yêu thương, đoàn kết cùng nhau vượt qua những đau thương, mất mát, tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào trong giai đoạn khó khăn này, chương trình đã trích một phần tiền bán vé để chung tay khắc phục những thiệt hại nặng nề mà bão số 3 đã để lại.

Cầu nối những trái tim

Các chương trình nghệ thuật thiện nguyện đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, toàn bộ nghệ sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn đều không nhận thù lao với mong muốn sẽ đóng góp được nhiều nhất cho đồng bào.

Thể hiện ca khúc Hà Nội mùa thu trong em (sáng tác Tùng Lâm) trong chương trình nghệ thuật Hà Nội - Những tháng năm, ca sĩ Huệ Thương bày tỏ: “Là một nghệ sĩ, tôi sẵn sàng đóng góp công sức nhỏ bé của mình để mang lời ca, tiếng hát lan tỏa thông điệp tốt đẹp, cũng như kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng, xã hội giúp đỡ bà con các tỉnh miền núi phía Bắc”.

“Những ngày qua, điều mà tôi cảm động nhất là được chứng kiến tinh thần yêu nước, đoàn kết, kiên cường của người dân Việt Nam.

Sau bão lũ, rất nhiều tấm lòng “tương thân tương ái”, những nghĩa cử cao đẹp đã được nhân lên thông qua các hoạt động thiện nguyện, ủng hộ, quyên góp. Nghệ sĩ chúng tôi rất tự hào khi được dùng nghệ thuật để chia sẻ nỗi đau với đồng bào”, ca sĩ Phúc Đại xúc động nói.

Biểu diễn tác phẩm Bài ca Hà Nội (sáng tác Vũ Thanh), nghệ sĩ Trung Sỹ cho biết: “Khi xem những hình ảnh về đồng bào gồng mình chống chọi với bão lũ, tôi đã rơi nước mắt.

Qua chương trình và âm nhạc, tôi muốn kết nối những trái tim và truyền đi thông điệp mọi người hãy cùng nhau chung tay, bởi mỗi một sự sẻ chia, dù là nhỏ bé, cũng sẽ góp phần làm ấm lòng những người đang gặp khó khăn”.

Những giai điệu sâu lắng, những tình cảm ấm áp của nghệ sĩ nói riêng và các chương trình nghệ thuật nói chung đã trở thành cầu nối để triệu triệu trái tim cùng chung nhịp đập.

Đông đảo khán giả đã đến với các buổi biểu diễn, không chỉ để thưởng thức nghệ thuật mà còn đồng lòng hướng về đồng bào bị thiệt hại bởi thiên tai, bão lũ.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết, các chương trình nghệ thuật đều được dư luận đánh giá cao. Trong thời gian tới, chương trình sẽ còn diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa, mong rằng các đơn vị và nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, chia sẻ, đóng góp cho xã hội, cho đồng bào bằng chính sức lao động, nghề nghiệp của mình.