Phim về chiến tranh cách mạng Việt Nam:
Khát vọng với giấc mơ “bom tấn”
VHO - Với doanh thu 172 tỉ đồng, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đã tạo nên “cơn địa chấn phòng vé” và được ví như huyền thoại của dòng phim chiến tranh cách mạng Việt Nam. Thành công ấy khiến đạo diễn Bùi Thạc Chuyên rạng rỡ niềm tin, đồng thời tiếp lửa cho các nhà làm phim, đặc biệt là thế hệ trẻ, dấn thân vào thể loại từng được xem là kén khán giả.

Tại Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh Việt Nam sau ngày thống nhất” diễn ra trong khuôn khổ LHP châu Á Đà Nẵng lần 3 (DANAFF III), câu chuyện về hành trình đổi mới, làm mới và sống cùng chiến tranh cách mạng trên màn ảnh đã được nhìn nhận với nhiều góc độ, tràn đầy khát vọng và cảm hứng.
Người xem không hề quay lưng…
“Làm sao để dòng phim về đề tài chiến tranh tiếp tục khơi nguồn mạch trên thị trường điện ảnh hôm nay?”, nêu vấn đề, nhà báo, đạo diễn Tô Hoàng nhìn nhận, năm 2024 có phim Đào, Phở và Piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn; năm 2025 có Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối của Bùi Thạc Chuyên; tháng 9 tới có Mưa đỏ của nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền.
“Ba bộ phim này đều ra đời trên nền của dịp kỷ niệm những ngày lễ trọng đại. Có được từng ấy bộ phim màn ảnh lớn, với sự đầu tư tiền bạc, công sức và chất xám xứng với tiêu chuẩn của phim điện ảnh, xứng với những tiêu chí của loại phim nghệ thuật là một điều rất đáng mừng…”, đạo diễn Tô Hoàng nhấn mạnh.
Nếu phim về chiến tranh ra đời trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước hầu như chỉ nhắm một đích đến là cổ súy lòng yêu nước, đề cao chủ nghĩa anh hùng; con người - nhân vật “bết dính” vào nhau trong những tập thể khó tách bạch, phim mắc phải những căn bệnh công thức, giáo điều, sơ cứng, thì thời điểm 10 năm sau đổi mới đã thể hiện được cả cái bi tráng, cả chiến công lẫn những mất mát, hy sinh.
“Phim chiến tranh không cuốn hút được khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ tới rạp, sẽ thất thu ư? Thành công hút khách tới rạp và doanh thu của Đào, Phở và Piano; Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối... đã khẳng định một điều, nếu chúng ta làm ra những bộ phim hay, hấp dẫn, đi đúng quỹ đạo nghệ thuật, người xem không hề quay lưng”, đạo diễn Tô Hoàng khẳng định.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lại mang đến một góc nhìn sâu sắc về đề tài chiến tranh qua lăng kính của các nhà làm phim tư nhân, thông qua việc khảo sát ba tác phẩm tiêu biểu: Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông và Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.
Theo bà, chính sức nặng thuyết phục từ kịch bản, và trên hết là tinh thần dân tộc, đã thôi thúc các nhà đầu tư dấn thân vào một “cuộc chơi” đầy tốn kém và nhiều rủi ro. Những dự án phim chiến tranh được đầu tư bằng dòng tiền tư nhân thường có thời gian ấp ủ dài hơi, với kịch bản phải trải qua quá trình chắt lọc công phu, được thẩm định qua nhiều vòng từ thị hiếu khán giả, xu hướng thị trường cho đến giải pháp công nghệ. “Sự phản biện liên tục trong quá trình chuẩn bị đã giúp hình thành những kịch bản có cấu trúc logic, hấp dẫn và hàm chứa chiều sâu triết lý mạnh mẽ”, bà Nhã chia sẻ.
Tuy vậy, Dòng máu anh hùng và Áo lụa Hà Đông dù giàu chất lượng nghệ thuật vẫn không đạt kỳ vọng phòng vé do phát hành không đúng thời điểm. Trong khi đó, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối lại “chạm ngưỡng” hòa vốn nhờ lựa chọn thời điểm ra mắt hợp lý.
Dẫu lời hay lỗ, theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, cả ba bộ phim đã thực sự chạm đến trái tim người xem bằng những giá trị thẩm mỹ cao đẹp, khi các hình tượng anh hùng được khắc họa gần gũi, sống động, thoát khỏi lối mòn cũ nhàm. Những phận người nhỏ bé trong khói lửa chiến tranh hiện lên đầy chân thực, để lại cảm xúc lắng sâu, giúp khán giả hiểu và trân quý hơn sự hy sinh của cha ông vì nền độc lập, hòa bình hôm nay.
“Chính vì vậy, việc làm phim chiến tranh của các nhà làm phim tư nhân rất cần được nhìn nhận, tưởng thưởng xứng đáng, để từ đó chúng ta có thêm nhiều tác phẩm hấp dẫn và giàu giá trị lịch sử hơn nữa”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhấn mạnh.

Cần thêm những “huyền thoại” doanh thu
Vẫn với Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, nhà nghiên cứu, PGS.TS Phạm Xuân Thạch, giảng viên cao cấp Trường Đại học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội không ngần ngại nêu, doanh số của phim thực sự là một huyền thoại: “Nếu tạm lấy tổng doanh thu chia cho giá vé trung bình ở Việt Nam, thì riêng tại hệ thống rạp, bộ phim đã thu hút được 1,7 triệu lượt người xem. So sánh với tiểu thuyết Việt Nam đương đại, kể cả những tiểu thuyết được giải thưởng uy tín, dư luận đánh giá cao hoặc gây tranh cãi, được tái bản thì không có đầu sách nào được in quá 10.000 bản cho tất cả các lần xuất bản…”.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch khẳng định: Từ thế hệ đạo diễn gạo cội như Đặng Nhật Minh, Lê Hoàng, Vương Đức, Đỗ Minh Tuấn đến các gương mặt trẻ hơn như Bùi Thạc Chuyên, Lưu Trọng Ninh, Phan Gia Nhật Linh... tất cả đều đã góp phần làm mới “diễn ngôn anh hùng chủ nghĩa” trong điện ảnh chiến tranh Việt Nam. Họ không chỉ kể lại quá khứ, mà còn đặt ra những câu hỏi mới, đa dạng hóa cách hiểu về con người trong chiến tranh, mở rộng lối tiếp cận với những chấn thương hậu chiến đầy tính nhân văn.
Những thử nghiệm táo bạo ấy cho thấy tiềm năng rất lớn của dòng phim chiến tranh cách mạng, nếu được tiếp sức bằng sự cởi mở trong cơ chế quản lý và đầu tư. Khi phim độc lập được khuyến khích, một chân trời điện ảnh mới sẽ dần hình thành, nơi chiến tranh được kể lại không phải như sử thi, mà như ký ức sống động và đa chiều.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thì nhìn nhận: Giá trị cốt lõi của phim chiến tranh là sự trung thực. Từ bối cảnh, sự kiện đến nhân vật, mọi thứ đều cần được tái hiện khách quan, không bóp méo, không tô hồng. Một bộ phim tốt là bộ phim làm người xem thấy cả vinh quang và bi kịch, thấy người lính không chỉ là biểu tượng chiến đấu, mà còn là những người cha, người con, người chồng, mang theo cả tình yêu thương gia đình vào nơi khốc liệt nhất.
Từ góc nhìn thế hệ trẻ, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ thẳng thắn chia sẻ: “Nhiều người hỏi tôi, tại sao một người trẻ lại làm phim chiến tranh? Tôi tin rằng, chính trải nghiệm là cách truyền tải tinh thần tốt nhất. Trong phim Những người viết huyền thoại, tôi vừa là phó đạo diễn, vừa trực tiếp đóng một vai nhỏ. Những ngày sống cùng đoàn phim, tiếng súng, mùi thuốc súng… tất cả trở thành ký ức đặc biệt sâu đậm trong tôi. Những người trẻ không cần cầm súng để chiến đấu, mà là để hiểu - hiểu vì sao cha ông hy sinh, để kể lại, để ký ức chiến tranh trở thành động lực tự hào chứ không chỉ là quá khứ”.
Với đạo diễn Đào Duy Phúc, khoảng lùi gần 3 thập kỷ sau chiến tranh đã tạo điều kiện cho thế hệ đạo diễn trẻ nhìn lại với tâm thế tỉnh táo, khách quan hơn. Ông cho rằng, làm phim chiến tranh ngày nay không chỉ đơn thuần tái hiện lịch sử, mà là một thách thức sáng tạo: Làm sao để vừa trung thành với ký ức dân tộc, vừa kết nối với cảm quan thẩm mỹ đương đại. Những góc khuất, những nỗi đau riêng tư nay đã trở thành chất liệu quý giá để kể lại chiến tranh bằng một lăng kính mới.
Ở góc độ một nữ đạo diễn, Đặng Thái Huyền (Điện ảnh QĐND) cho rằng: Làm phim chiến tranh là hành trình gian nan nhưng đầy đam mê: “Thế hệ chúng tôi muốn chứng minh rằng, làm phim chiến tranh không khó, khô, khổ như mọi người vẫn nghĩ, mà là một sự lựa chọn tâm huyết, là câu chuyện chúng tôi muốn đối thoại với khán giả”.
Đáng chú ý, đạo diễn Đặng Thái Huyền cũng khẳng định xu hướng “thương mại hóa” của phim chiến tranh là một tín hiệu tích cực. “Nếu trước đây, phim chiến tranh chỉ mang tính tuyên truyền, thì nay phim có thể bán vé, có thể đối thoại sòng phẳng với khán giả. Chính điều đó tạo áp lực tích cực cho các đạo diễn trẻ, để họ làm phim tốt hơn, sâu sắc hơn”, nữ đạo diễn chia sẻ.
Nhiều nghệ sĩ cũng đồng thuận, trong làn sóng hiện đại hóa ngành công nghiệp điện ảnh, sự xuất hiện của những phim “bom tấn” vềchiến tranh cách mạng không chỉ là kỳ vọng, mà chính là khát vọng mạnh mẽ - khát vọng kể tiếp những câu chuyện chưa trọn vẹn của quá khứ. Đó là cách điện ảnh Việt Nam gìn giữ ký ức và viết tiếp di sản bằng tiếng nói nghệ thuật của thế hệ hôm nay.