Cha tôi và chiến dịch của những đoàn phim 4.1975

Nhà biên kịch BÀNH MAI PHƯƠNG

VHO - Tháng 4 rợp sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn, gợi lên trong tôi ký ức không thể nào quên về người cha thân yêu nay đã đi xa.

Vào những ngày đầu tháng 4 năm 1975, khi cả nước sục sôi khí thế tiến về giải phóng Sài Gòn, Xưởng Phim truyện Việt Nam nhanh chóng cử các nghệ sĩ tinh nhuệ gồm các nhà biên kịch, đạo diễn, quay phim, thu thanh chia thành 4 nhóm làm phim tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh...

 Những cặp đôi đạo diễn, biên kịch nổi tiếng: Hoàng Tích Chỉ - Hải Ninh; Trần Vũ - Bành Bảo; Bùi Đình Hạc - Trần Kim Thành; Đặng Nhật Minh - Tô Thi lên đường mà không có kịch bản viết sẵn như những đoàn làm phim bình thường khác.

Riêng quay phim mỗi đoàn đều có quay phim chính và phụ quay, quay phim chính là những nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm như Nguyễn Khánh Dư, Lưu Xuân Thư, Trần Trung Nhàn, Nguyễn Ngọc Lan, Dương Đình Bá. Trước khi đi, các nghệ sĩ được truyền đạt lời dặn dò từ đồng chí Tố Hữu về tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc với văn nghệ sĩ miền Nam.

Cha tôi và chiến dịch của những đoàn phim 4.1975 - ảnh 1
Từ trái sang: NSND Nguyễn Hữu Tuấn, thu thanh Trần Kim Thịnh, Lê Đăng Thực, Bùi Đình Hạc, Trần Thế Dân, Lưu Xuân Thư, Vương Khánh Luông và đồng chí lái xe. Các thầy cùng sinh viên quay phim đi chiến dịch tháng 5.1975

Có mặt trong đoàn quân chiến thắng

Khi cha tôi - nhà biên kịch (NBK) Bành Bảo - mang về bộ quân trang gói gọn trong chiếc ba lô con cóc, mấy mẹ con tôi không khỏi lo lắng. Ông nói chuyến đi này đầy gian nan, có thể phải đối mặt với bom đạn để nắm bắt hơi thở cuộc chiến, phải tiếp cận thật nhanh không khí của những thành phố vừa được giải phóng.

Đêm trước ngày lên đường, các nghệ sĩ mặc quân phục, đội mũ tai bèo, tập trung tại số 4 Thụy Khuê. Bốn xe Com-măng-ca mới tinh sơn màu lá ngụy trang đỗ dọc vườn hoa Lý Tự Trọng, sẵn sàng xuất phát.

Đi cùng đoàn còn chiếc GAZ 69 chở đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi và các nhà biên kịch Bành Châu, Cầm Kỷ, Phan Vũ, Dương Linh. Cha tôi chở tôi đến nơi tập trung bằng xe đạp cũ. Giờ xuất phát, xe đồng loạt nổ máy.

Những người con đi tiễn cha năm ấy có nhiều người sau này là đồng nghiệp của cha giống như tôi. Trong số họ, có cô bạn thân tôi: Đạo diễn, NSND Nguyễn Phương Hoa là con gái bạn tri kỷ của cha tôi - Đạo diễn, NSND Trần Vũ.

Cảnh chia tay bịn rịn trong không khí miền Nam chưa hoàn toàn giải phóng khiến lòng tôi quặn thắt. Khi xe chở cha khuất dần trong ánh đèn đường vàng vọt, tôi đạp xe một mình trở về, lòng trống trải, hụt hẫng khôn nguôi...

Sau khi xuất phát, đoàn xe thẳng tiến theo quốc lộ 1, nghỉ đêm đầu tiên tại Trạm giao tế Thanh Hóa, sau đó lần lượt dừng chân tại các Trạm giao tế Hà Tĩnh, Quảng Bình và Vĩnh Linh (bên này sông Bến Hải).

Thời điểm ấy, dọc đường gần như không có hàng quán, các nghệ sĩ chỉ có thể ăn nghỉ tại các trạm giao tế. Nhiên liệu trên hành trình được quân đội cấp phát, đến khi vào Sài Gòn, tài xế sẽ lĩnh xăng theo phiếu tại các cây xăng đã được chỉ định.

Từ Nha Trang, đoàn chia thành hai mũi tiến về Sài Gòn. Nhóm do đạo diễn Hải Ninh và đạo diễn Bùi Đình Hạc dẫn đầu bám theo hướng mặt trận Tây Nam Sài Gòn, tiến sâu vào trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn, thẳng đến Dinh Tổng thống.

Trong khi đó, đạo diễn Trần Vũ và đạo diễn Đặng Nhật Minh theo hướng mặt trận phía Đông. Đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi, người từng làm phim Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng sát cánh cùng nhóm của đạo diễn Hải Ninh, quyết tâm đồng hành bất chấp mọi hiểm nguy...

Nhóm của đạo diễn Hải Ninh được trang bị máy quay Arri Flex và những hộp phim màu của Đức. Dọc đường hành quân dài theo đất nước, nhiều cuộc trao đổi, bàn bạc say sưa về ý đồ kịch bản, không thống nhất được vì họ đều lần đầu tiên vượt qua Vĩ tuyến 17.

Đến khi tin tức chiến thắng dồn dập từ các mặt trận dội về, mọi người mới nhanh chóng thống nhất được ý đồ kịch bản.

Nhóm của đạo diễn Trần Vũ được trang bị máy quay phim nhựa Colvat 35mm của Liên Xô kèm theo thùng ắc quy đóng bằng hộp gỗ rất nặng.

Trên đường đi, đoàn liên tục dừng xe quay những cảnh sắc gây ấn tượng mạnh, những địa danh mà họ chỉ mới được xem trên các phương tiện truyền thông: Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, căn cứ Dốc Miếu, cầu Thạch Hãn… NBK Bành Bảo mang theo đài bán dẫn của khối XHCN với 3 cục pin con thỏ kẹp phía ngoài để theo dõi chiến sự hằng ngày - những thông tin cần thiết khi chiến dịch còn chưa kết thúc.

Chạy theo quốc lộ 1 vào đến Phan Rang, nhóm của đạo diễn Đặng Nhật Minh gặp Khu ủy khu V, trình giấy giới thiệu xong, các đồng chí trong Khu ủy cho biết lệnh của trên là phải giải phóng Sài Gòn trước ngày 1.5, khuyên đoàn đừng bỏ lỡ cơ hội này.

Trưa 30.4.1975, nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho binh sĩ hạ súng, biết thời cơ đã đến, các nghệ sĩ lập tức lên xe thẳng tiến về Sài Gòn.

Những giờ phút đầu tiên của ngày thống nhất đất nước

Trên đường tiến về Sài Gòn, dù đi theo các hướng khác nhau, mỗi mũi đều gặp sự cố. Khi cách Sài Gòn hơn 100 km, xe của đạo diễn Bùi Đình Hạc vỡ hộp số. Xe GAZ 69 kéo chiếc xe Com-măng-ca vượt ngầm sông Bé, giữa dòng nước chảy xiết thì bất ngờ chết máy.

Đó là đêm 29.4, đêm trước ngày lịch sử, các nghệ sĩ hồi hộp, đặt trọn niềm tin vào tài xế. Không ai lý giải được bằng cách nào, chiếc xe nhỏ bé vẫn vượt qua được con ngầm dữ dội để tiếp tục hành trình.

Nhóm đạo diễn Hải Ninh bám sát mũi tiến công đầu tiên vào thành phố từ phía Tây Nam. Xe Com-măng-ca tăng tốc, vượt lên dẫn đầu đoàn xe tăng quân giải phóng.

Đạo diễn Hải Ninh và quay phim Khánh Dư ngồi đầu mũi xe để quay rõ hơn, bất ngờ bị hất văng lên không trung rồi rơi xuống đường. Đạo diễn Hải Ninh nằm kề gang tấc bên vòng xích xe tăng.

Còn Khánh Dư, theo phản xạ rất bản năng của người quay phim đã ôm trọn chiếc máy quay vào lòng, cuộn tròn lăn song song với những vòng xích xe tăng. Không ai lý giải nổi sức mạnh nào đã đưa nhà quay phim trở lại xe, tiếp tục ghi lại khoảnh khắc tiến quân hào hùng đó.

Cuối cùng, 4 đoàn làm phim cũng lần lượt có mặt tại Dinh Độc Lập vào chiều tối, đêm 30.4 và rạng sáng 1.5.1975. Các nghệ sĩ nghẹn ngào xúc động khi lần đầu tiên nhìn thấy Sài Gòn - thành phố mà hơn nửa cuộc đời họ chỉ biết qua tưởng tượng, mơ ước.

Dù tiếc nuối vì không ghi được cảnh xe tăng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập, ống kính máy quay đã kịp lưu lại những khoảnh khắc kỳ diệu của Sài Gòn trong những giờ phút đầu tiên của ngày thống nhất đất nước.

Sáng 1.5.1975, Ban quân quản chính thức tiếp quản Dinh Độc Lập. Các đoàn làm phim có mặt trước vườn hoa, máy quay hoạt động hết công suất. Chiều cùng ngày, nhóm của đạo diễn Bùi Đình Hạc phỏng vấn Tổng thống Dương Văn Minh, khi đó có cả Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền và Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Thảo.

Phó quay phim Lưu Xuân Tú đẩy cửa sổ tầng hai để lấy thêm ánh sáng, ngay lập tức, tiếng hô vang “Cách mạng thành công” từ bên ngoài vọng vào. Hàng vạn người Sài Gòn tràn vào Dinh Độc Lập với cờ đỏ sao vàng và xe tăng.

Người dân mặc như đi hội, tung hô các chiến sĩ giải phóng. Dương Văn Minh ngỡ ngàng, bởi trước đây khu vực quanh Dinh Độc Lập luôn bị phong tỏa. Ông đến cửa sổ nhìn xuống dòng người, trầm ngâm một lúc rồi quay lại nói với các nghệ sĩ: “Các anh xứng đáng, bởi ở Sài Gòn từ trước đến nay chỉ có người Mỹ”.

Chiều 2.5.1975, các đoàn làm phim có mặt tại lầu một Dinh Độc Lập, nơi tập trung từ Tổng thống, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đến các vị dân biểu… Một đám người phờ phạc, đứng ngồi lổn nhổn.

Sự xuất hiện bất ngờ của ống kính máy quay khiến cả gian phòng náo loạn. Người vội chỉnh tư thế, người hấp tấp mặc lại áo quần, xoay đi hoặc giấu mặt sau lưng người khác.

Tất cả đều choáng váng, bàng hoàng vì mọi thứ sụp đổ quá nhanh. Còn các phóng viên có mặt ở đó không khỏi ngạc nhiên khi thấy máy quay phim nhựa 35 ly Arri Flex của Đức và Colvat của Nga trong tay các nghệ sĩ điện ảnh miền Bắc.

Có lẽ đây là khoảnh khắc sung sướng nhất trong sự nghiệp điện ảnh của các nghệ sĩ. Trên lầu một Dinh Độc Lập, các “tướng lĩnh” của Xưởng Phim truyện Việt Nam tề tựu đông đủ: Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Hải Ninh, Trần Vũ, Bùi Đình Hạc, Đặng Nhật Minh, Bành Bảo, Bành Châu, Hoàng Tích Chỉ, Trần Kim Thành, Nguyễn Khánh Dư, Lưu Xuân Thư, Dương Đình Bá, Trần Trung Nhàn, Đào Văn Biên, Trần Xuân Thủy...

Bất ngờ, Dương Văn Minh hỏi nhà quay phim Lưu Xuân Thư: “Ông cũng to cao nhỉ. Ông có đá bóng không?”. Lưu Xuân Thư đáp có chơi. Dương Văn Minh liền kể trước đây ông cũng từng đá bóng. Câu chuyện bất ngờ chuyển hướng sang thể thao, khiến mọi người phì cười.

Sau hôm đó, các đoàn làm phim vác máy ra đường, quay bất cứ thứ gì họ muốn. Các nghệ sĩ liên tục chạm trán nhau khi tác nghiệp và đều ước có thật nhiều phim để ghi lại mọi khoảnh khắc đang diễn ra trong thành phố, những giây phút hạnh phúc của người Việt Nam thời khắc lịch sử ấy.

Suốt mấy tháng ròng rã, với khả năng nắm bắt thực tiễn nhanh nhạy và sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, các nghệ sĩ điện ảnh Xưởng Phim truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê đã kịp thời phản ánh một cách trung thực, sinh động nhất về cuộc sống và con người của thành phố mới được giải phóng.

Cha tôi và chiến dịch của những đoàn phim 4.1975 - ảnh 2
Từ trái sang: NBK Bành Bảo, NBK Bành Châu, NSND Trần Vũ tại Sài Gòn tháng 5.1975

Dấu ấn còn mãi trong ký ức và thời gian

Trở về Hà Nội, các bộ phim tài liệu của các nhóm được gấp rút hoàn thành. Nhóm đạo diễn Hải Ninh có Thành phố trước lúc rạng đông - Giải Bồ câu Vàng tại LHP Quốc tế Leipzig (CHDC Đức), Giải Bông sen Vàng LHP Việt Nam 1977. Nhóm đạo diễn Trần Vũ có Qua cầu Công Lý.

Nhóm đạo diễn Đặng Nhật Minh có Tháng năm những gương mặt - Giải Bông sen Bạc LHP Việt Nam 1977. Nhóm đạo diễn Bùi Đình Hạc có Sài Gòn, tháng 5 năm 1975.

Đó là thành quả của những tháng ngày hào hùng không thể nào quên. Tư liệu từ chuyến đi đặc biệt ấy tiếp tục được họ chuyển thành phim truyện nhựa trong kế hoạch sản xuất của Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam.

Năm mươi năm đã qua, hầu hết nghệ sĩ tham gia chiến dịch đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá tại các kỳ LHP Việt Nam và LHP Quốc tế. Có bốn nghệ sĩ được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm: NSND Nguyễn Hải Ninh, NSND Đặng Nhật Minh, NSND Bùi Đình Hạc và Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ.

Nhiều nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND và NSƯT: NSND Trần Vũ, NSND Nguyễn Khánh Dư, NSƯT Nguyễn Tiến Lợi, NSƯT Trần Trung Nhàn, NSƯT Lưu Xuân Thư.

Cả đời miệt mài cống hiến, đội ngũ nghệ sĩ tham gia cuộc hành quân đặc biệt ấy đã để lại những bộ phim truyện và phim tài liệu góp phần làm nên bộ mặt của điện ảnh Việt Nam như: Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm, Mối tình đầu (NSND Nguyễn Hải Ninh - Hoàng Tích Chỉ); Đến hẹn lại lên, Chuyến xe bão táp, Những người đã gặp (NSND Trần Vũ - Bành Bảo); Hà Nội, 12 ngày đêm, Hồ Chí Minh chân dung một con người (NSND Bùi Đình Hạc); Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Đừng đốt, Hoa nhài (NSND Đặng Nhật Minh)...

Giờ đây, hầu hết nghệ sĩ khoác áo lính năm ấy đã đi xa, những tác phẩm điện ảnh họ để lại vẫn sống trong ký ức nhiều thế hệ làm phim và khán giả.

Những người con của thế hệ nghệ sĩ điện ảnh may mắn được sinh ra, lớn lên và hành nghề trong thời bình, không bao giờ quên thế hệ tiền bối đã cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Tinh thần, tình cảm, niềm say mê sáng tạo không ngừng nghỉ ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục chảy trong huyết quản thế hệ kế cận, trở thành nguồn động lực giúp họ vững vàng trước bao khó khăn, biến động của thời cuộc.

Hà Nội tháng Tư, một mùa hoa thương nhớ sắp qua. Tôi lại thắp những bông loa kèn thơm ngát lên bàn thờ cha và thầm khấn: “Cha ơi! Ký ức đẹp sẽ giúp con sống tốt hơn lên, phải vậy không cha?”