Giao lưu “Từ sân khấu đến truyện tranh Ngày xửa ngày xưa”

THÙY TRANG

VHO - Ngày 25.8, tại Sân khấu chính Đường Sách TP.HCM đã diễn ra chương trình giao lưu “Từ sân khấu đến truyện tranh Ngày xửa ngày xưa” và ra mắt sách “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad”.

Giao lưu “Từ sân khấu đến truyện tranh Ngày xửa ngày xưa” - ảnh 1
Các nghệ sĩ giao lưu cùng khán giả, độc giả

Lần đầu tiên, các nhân vật trong vở kịch Ngày xửa ngày xưalà những nghệ sĩ, diễn viên như Đình Toàn, Quang Thảo, Mỹ Duyên, Hoàng Trinh, Bạch Long,… giao lưu với khán giả tại Đường Sách TP.HCM, thu hút đông đảo khán giả nhiều thế hệ là những “fan” trung thành của chương trình suốt 24 năm năm qua.

Vở kịch Ngày xửa ngày xưa của sân khấu Idecaf đã trở thành một phần trong tuổi thơ của nhiều thế hệ. Các nhân vật của vở diễn đã sống động trong ký ức những khán giả yêu kịch Sài Gòn.

Có những khán giả nhỏ tuổi đến nay đã là phụ huynh và tiếp tục dẫn con cái mình đến với sân khấu Idecaf để theo dõi tiếp những câu chuyện thần kỳ, vui nhộn và đầy hấp dẫn của Ngày xửa ngày xưa.

24 năm, với 35 chương trình - vở diễn, Ngày xửa ngày xưa không chỉ gửi đến khán giả nhỏ tuổi món quà giải trí ý nghĩa, mà còn là những bài học sống động và hữu ích, truyền cảm hứng, nuôi dưỡng ước mơ, lòng trắc ẩn, tinh thần dũng cảm và nghị lực sống,…

Giao lưu “Từ sân khấu đến truyện tranh Ngày xửa ngày xưa” - ảnh 2
Nghệ sĩ Mỹ Duyên

Ngày xửa ngày xưa cũng là “tấm vé” đưa những khán giả lớn tuổi tìm lại tuổi thơ mình và gắn bó với con cái, nối kết thế hệ thông qua thưởng ngoạn nghệ thuật.

Từ chính những trăn trở, tâm huyết với sân khấu, tác giả - nghệ sĩ Quang Thảo đã chuyển thể vở kịch sang hình thức truyện tranh màu đầy cuốn hút. Sách dày 97 trang (khổ 17 x 22cm) với hình vẽ sống động, bắt mắt.

Đây có lẽ là lần đầu tiên tại Việt Nam, một nhà sản xuất kịch khai thác chất liệu kịch bản sân khấu để biến thành kịch bản truyện tranh.

Dựa trên vở kịch Ngày xửa ngày xưa 33 (do Sân khấu Idecaf thực hiện lần đầu ra mắt là năm 2022, tại Nhà hát Bến Thành), nội dung tập truyện tranh này là hành trình phiêu lưu kỳ thú của nhân vật thuyền trưởng Sinbad, một người tài năng, tốt bụng, dũng cảm và yêu sự thật đã từng chinh phục trái tim nhiều khán giả nhỏ tuổi.

Phần đường dây tranh màu trong tác phẩm này được đầu tư kỹ càng, sáng tạo, mang phong cách sống động mà thiếu nhi Việt Nam yêu thích, do Comicola Studio thực hiện.

“Chúng tôi muốn mang đến cho bạn đọc, khán giả một trải nghiệm văn hóa mới mẻ. Chúng tôi đã cố gắng khám phá những vẻ đẹp mới dựa trên nền câu chuyện của vở diễn trên sân khấu, để vừa giữ được sự tương đồng vừa tạo ra khác biệt phù hợp với loại hình truyện tranh”, Tác giả - nghệ sĩ Quang Thảo chia sẻ.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Nhà hát Kịch Idecaf cho biết, nhân dịp Ngày xửa ngày xưa35 “huyền thoại mắt thần” kết thúc hè 2024 tốt đẹp với 40 suất diễn, với mong muốn đưa Ngày xửa ngày xưa đến với các bạn khán giả bằng một hình thức mới, tác giả, đội ngũ sản xuất kết hợp cùng Comicola Studio cho ra mắt cuốn truyện tranh đầu tiên được sản xuất dựa trên một vở kịch.

Giao lưu “Từ sân khấu đến truyện tranh Ngày xửa ngày xưa” - ảnh 3
Nghệ sĩ Bạch Long ký tặng sách khán giả, bạn đọc “Ngày xửa ngày xưa”

Sách do Phanbook và NXB Dân Trí vừa ấn hành đầu tháng 7.2024.

“Lâu nay, chúng ta thường biết các vở diễn sân khấu được chuyển thể từ câu chuyện trong sách, thì đây là lần đầu tiên chúng tôi chuyển thành sách đối với một vở diễn.

Qua đây, chúng tôi mong muốn khán giả Ngày xửa ngày xưa được trải nghiệm câu chuyện bằng hình thức mới, cũng hấp dẫn và thú vị không kém”, ông Tuấn bày tỏ và cho biết Idecaf sẽ tiếp tục đi theo mô hình này, cho ra đời nhiều tác phẩm truyện tranh được chuyển từ những vở kịch nhằm mang đến phong vị khác cho khán giả, bạn đọc của Ngày xửa ngày xưa.

Tại buổi giao lưu, các nghệ sĩ, diễn viên đã chia sẻ những câu chuyện tuổi thơ, vui buồn trong vai diễn, những kỷ niệm gắn liền với hành trình Ngày xửa ngày xưa những năm qua.