Mở lối cho truyện tranh “Made in Vietnam”

VHO- Nhìn vào thị trường truyện tranh Việt Nam trong những năm gần đây, có thể thấy bước chuyển mình khởi sắc và đầy hy vọng. Không chỉ có nhiều tác phẩm nổi bật, nhiều “sân chơi” riêng, mà chính những giải thưởng uy tín của quốc tế đã và đang mở lối cho truyện tranh Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.

Mở lối cho truyện tranh “Made in Vietnam” - Anh 1

 Các tác giả, họa sĩ trẻ tại buổi trao giải Cuộc thi sáng tác truyện tranh COMINK mùa thứ 2

 Lấp đầy khoảng trống

Vốn là thị trường không mạnh về truyện tranh, nhưng thời gian qua, Việt Nam đã nổi lên như một “ngôi sao mới” với những tác giả trẻ tài năng và nhiều bộ truyện tranh thú vị được cộng đồng quốc tế yêu thích. Bên cạnh bản in thì cũng có hàng loạt truyện tranh “made in Việt Nam” nổi tiếng trên mạng cũng được bạn đọc các nước đón nhận. Mới đây nhất, phải kể đến bộ truyện tranh Sơn, Goal! (NXB Kim Đồng) đã phát hành đến tập 2, sau tập 1 “thắng lớn” với số lượng phát hành 20 ngàn bản. Sơn, Goal! là dự án truyện tranh manga đầu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, xoay quanh nhân vật chính là Sơn (mẹ là người Việt, sinh ra và lớn lên tại Brazil). Sơn trở về quê hương Đà Nẵng và tham gia đội tuyển bóng đá tỉnh, cùng đồng đội sát cánh trên sân cỏ. Thành công của Sơn, Goal! đã thêm một lần nữa tạo “bước đệm” cho truyện tranh Việt khởi sắc.

Nhìn chung, bên cạnh các mảng đề tài hấp dẫn đã từng quen thuộc với bạn đọc, nhiều tác giả đã và đang nỗ lực đưa văn hóa, cuộc sống nước nhà vào những bộ truyện tranh “thuần Việt”, hoặc được vẽ lại từ các tiểu thuyết nội địa nổi tiếng. Nhiều tác phẩm được đầu tư tốt về nội dung và tìm hiểu kỹ lưỡng các yếu tố lịch sử, văn hóa dân tộc, trang phục, ẩm thực…, qua đó, mong muốn bạn đọc vừa có thể giải trí, lại vừa khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc. Có thể kể đến: Vạn Nhân Ký - Noãn của cặp đôi tác giả Linh - Thạch, Tứ Phủ Xét Giả của nhóm Rover Studio nói về các vị anh hùng dân tộc Việt.

Trên thực tế, so với khu vực, truyện tranh Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống và chưa thực sự được khai thác hết tiềm năng sẵn có. Tuy nhiên, với đội ngũ tác giả, họa sĩ trẻ như hiện nay, truyện tranh Việt đã có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Đặc biệt, Internet và mạng xã hội phổ biến cũng đã giúp các bạn trẻ có được nền tảng tốt để mang tác phẩm của mình đến gần với công chúng. Bởi, không ít tác giả truyện tranh xuất phát điểm là người vẽ truyện không chuyên trên mạng, sau đó nhờ được sự yêu thích của độc giả, mới phát triển thành chuyên nghiệp và phát hành truyện tranh bản in.

Thúc đẩy sáng tác trong nước

Cùng với đó, ngày càng nhiều giải thưởng truyện tranh trong và ngoài nước được mở ra với đa dạng quy mô đã tạo nên chất xúc tác cho tác giả, họa sĩ trẻ thể hiện tài năng, vươn tầm thế giới. Năm 2022, bộ truyện Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm! (Comicola và NXB Dân Trí ấn hành) của họa sĩ Hoàng Tường Vy đã đoạt giải Đồng Giải thưởng truyện tranh manga quốc tế Nhật Bản lần thứ 16. Việt Nam cũng từng có hai tác phẩm đoạt giải Bạc cuộc thi này là Long thần tướng vào năm 2016 và Địa ngục môn năm 2017. Đầu năm 2023, Yoto Carnegie - giải thưởng thường niên của Vương quốc Anh được trao cho các tác phẩm xuất sắc dành cho trẻ em và thanh thiếu niên - đã xướng tên họa sĩ Jeet Zdũng (Nguyễn Tiến Dũng) ở hạng mục Minh họa cho tác phẩm Chang hoang dã - Gấu. Ngoài ra, nhiều truyện tranh của Việt Nam đã được các nhà làm sách nước ngoài mua bản quyền, như Mùa hè bất tận của tác giả Lâm Hoàng Trúc, được NXB Toshokan (Italy) mua bản quyền và lên kệ vào tháng 5 vừa qua; hay ấn phẩm do NXB Kim Đồng phát hành với tên tiếng Việt là Chang hoang dã - Gấu cũng đã bán bản quyền cho Pan Macmillan cùng nhiều NXB khác ở Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, Nga, Nhật Bản, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ…

Những sân chơi trong và ngoài nước cũng đã “tạo đà” để các tác giả, họa sĩ trẻ tự tin sáng tạo. Vừa qua, cuộc thi sáng tác truyện tranh COMINK mùa thứ 2 đã chính thức khép lại với những tác phẩm giành giải thưởng đầy thuyết phục. COMINK là cuộc thi sáng tác truyện tranh định kỳ hằng năm, bắt đầu từ 2022, do nhà làm phim người Úc Paul Brenner và đạo diễn, nhà sản xuất phim Charlie Nguyễn cùng những người bạn sáng lập. Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết: “Việt Nam hiện là nơi tiêu thụ và gia công rất nhiều truyện tranh cũng như webtoon quốc tế. Chúng tôi mong muốn đem đến một sân chơi hấp dẫn, thiết thực để các bạn thỏa sức thể hiện mình. Chúng ta cần nuôi dưỡng đam mê kể chuyện và nhào nặn nên những sản phẩm giải trí độc đáo. Đã đến lúc các bạn trẻ Việt Nam hiện diện như là những nghệ sĩ kể chuyện chứ không chỉ là người tiêu thụ hay thợ gia công. Tôi tin rằng người Việt chỉ đang thiếu sân chơi chứ không thiếu những câu chuyện hay”.

Trong khi đó, nhà làm phim Paul Brenner cho biết: “COMINK sẽ tìm kiếm, phát hiện, đào tạo và phát triển tài năng các nghệ sĩ sáng tạo. Chương trình nâng cao của COMINK sẽ mang lại cơ hội việc làm thực sự, kết nối thực tế với ngành công nghiệp giải trí mà Việt Nam đang là điểm hấp dẫn trong khu vực”. Paul Brenner cũng cho biết, ông đã nghiên cứu thị trường truyện tranh ở Việt Nam trong nhiều năm qua và biết Việt Nam có lịch sử mỹ thuật trải dài qua nhiều thế kỷ. Quy mô thị trường webtoon toàn cầu tăng dần mỗi năm và tập trung nhiều hơn vào thế hệ trẻ. “Tại Đài Loan, 61% khán giả của webtoon dưới 24 tuổi; ở Mỹ con số này là 77%; ở Thái Lan 59% và ở Indonesia là 71%. Tại Việt Nam, thị trường này đang bị chi phối bởi nội dung nước ngoài. COMINK tự hào là nền tảng dành cho người Việt và muốn truyện tranh Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu tại khu vực châu Á”, nhà sáng lập Paul Brenner bày tỏ.

Từ những lợi thế đang có, truyện tranh Việt Nam đã và đang đứng trước cơ hội “vàng” để có thể trở thành nguồn tài nguyên văn hóa xuất khẩu. Truyện tranh Việt Nam còn có một lợi thế phát triển, đó là cơ cấu dân số trẻ, đối tượng độc giả rất đông đảo, nhất là trong bối cảnh văn hóa đọc đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Nếu các tác giả, họa sĩ trẻ biết tận dụng được cơ hội thì chắc chắn truyện tranh Việt sẽ bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới. 

 THẢO MY

Ý kiến bạn đọc