Lữ Mai đưa nhau về cũ
VHO - Lữ Mai sinh năm 1988 tại Thanh Hóa, tốt nghiệp Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, hiện công tác tại Báo Nhân Dân. Lữ Mai sáng tác ở nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tản văn, tùy bút… Đến nay, chị đã xuất bản gần 20 đầu sách và nhận hàng chục giải thưởng quan trọng của trung ương và địa phương.

Tôi ít gặp Lữ Mai, hầu như chưa bao giờ chuyện trò riêng, nhưng luôn cảm nhận ở chị một sự dịu dàng, nhuần nhị và ý tứ. Nhớ những lần ra mắt sách ở Hà Nội, khi đến sớm, tôi luôn nhận được sự chỉ dẫn ân cần của Mai.
Gia đình Lữ Mai toàn người nổi tiếng: phu quân - nhà thơ Đoàn Văn Mật làm bên Văn nghệ quân đội; con gái là nhà văn nhí giàu triển vọng Đoàn Lữ Thuỵ Phương. Là một nhà báo năng động, Lữ Mai luôn xông xáo nơi đầu sóng. Chị cũng tích cực tham gia các chương trình sách gây quỹ phục vụ cộng đồng.
Lữ Mai có cái tháo vát, tỉnh táo của người làm báo, vừa có cái tinh tế, sâu sắc của một người thơ. Có cảm giác, chị là người cân bằng rất tốt giữa tĩnh và động, tình và lý, công việc và gia đình. Làm báo, viết văn, làm công tác xã hội, phục vụ cộng đồng, việc nào Lữ Mai cũng nghiêm túc, chuyên nghiệp, tận tâm...
Trong không gian văn học đương đại, Lữ Mai là một trong những gương mặt thơ nữ tiêu biểu thuộc thế hệ 8X. Thơ Lữ Mai hướng nội, giàu suy tưởng, dịu nhẹ, tinh tế, lắng sâu, nhiều liên tưởng độc đáo,và không thuộc về kiểu thơ dễ đọc: “Em bỏ đi khuôn mặt rườm rà/bức tượng cổ hắt vào muôn điệu sáng/son môi in màu nắng/hoa loa kèn mang mùi áo rất xa” (Giả dụ); "hoa sữa tan rồi/ nhúm sót lại cuối đường mây trắng/em chưa vu quy đã thành góa phụ/ những hồi chuông tụ phía chân đồi" (Bữa tiệc mùa thu); “Những dáng cây buồn và kiêu hãnh/chỉ núi thấu nổi tầng rễ sâu (…)/mắt đối mắt chân chim khóe mắt/gặp dáng cây kiêu hãnh trượt qua rừng/gặp suối đổ âm thầm thung vắng/cây nói bằng im lặng/người nói bằng niềm riêng/lau tím phất cờ/vực trắng” (Vực trắng)...
Đọc Lữ Mai, có thể nhận ra, chị phải chịu những áp lực rất lớn khi viết. Thứ nhất, Lữ Mai làm thơ không chỉ bằng năng khiếu, mà là người được đào tạo bài bản tại một ngôi trường nổi tiếng về văn chương,vậy nên phải viết sao cho mới.
Thứ hai, là áp lực cách tân để tạo dấu ấn riêng nhưng phải viết sao cho nhuần nhị, tự nhiên, không lộ kỹ thuật và rỗng nghĩa. Về cơ bản, Lữ Mai đã làm tốt điều này. Gia tài thi ca của Lữ Mai đủ để viết những tiểu luận dài. Bài này tôi muốn nói tới Dắt nhau về cũ, tập thơ mới nhất của chị. Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2025.
Với Dắt nhau về cũ, Lữ Mai đã thực hiện một dự hướng thi ca độc đáo: một tập thơ về toàn bộ 63 tỉnh thành của cả nước (trước sáp nhập). Ý tưởng thú vị (và thông minh) này bắt nguồn từ sự nhạy bén của một nhà thơ am hiểu rất sâu thị trường đọc hiện nay. Tôi vẫn cho một trong những nguyên nhân khiến văn chương đang mất dần độc giả là bởi nó nói những câu chuyện quá riêng tư, hoặc sáng tạo hình thức ở mức cá biệt khiến bạn đọc phổ thông không chia sẻ được.
Ở đây, Lữ Mai lựa chọn nói “câu chuyện mọi người cùng quan tâm”. Ai chẳng có một quê hương, mỗi tỉnh thành là một quê hương, vậy nên, ai cũng có thể tìm thấy (hoặc trông mong) một chút gì của mình trong ấy. Cái hay của Lữ Mai ở đây là, chị đã vượt thoát khỏi lối “thơ địa danh” thông thường, chạm tới cảm xúc thành thực bên trong. Lữ Mai chỉ lấy địa danh như một khởi nguồn, không đồng nhất tên bài thơ với tên các địa danh.
Điều này cũng có nghĩa, nhà thơ không đánh đổi mỹ cảm thơ ca lấy các mục tiêu thực dụng. Lời đề từ gắn với địa danh trong đây chỉ như một chỉ dẫn về xúc cảm: “Kèn môi Hà Giang mở lối vào sương muối…” (Vực núi); “Huế chờ ta tháng ngày củi mục…” (Trà nương); “Về Vĩnh Long tìm ngọc sông sâu” (Mạch phù sa)…
Đọc Dắt nhau về cũ, thấy mỗi địa danh chủ yếu không được ghi nhớ như một không gian địa lý, mà trở thành biểu tượng của xúc cảm và hoài niệm. Tất nhiên, điều này không mâu thuẫn với việc Lữ Mai có nhiều câu thơ rất hay về cảnh sắc mỗi vùng.
Đây là Lâm Đồng trong cảm nhận của Mai: “Bên lửa đỏ cỗi cằn/mắt Churu thầm lặng/chiều cài then khung trời ngăn ngắt/sương len vây bủa mặt hồ…” (Đèo Mây); đây là An Giang: “ngụm phù sa ngập đầy tiếng mẹ/khói se se vai áo thương hồ/lời kinh cuộn nỗi buồn tháp cổ/giọng Khmer lẫn trống hội bên chùa” (Mảnh trăng); còn đây là Đồng Tháp: “ai về Sa Đéc mùa sen/búp chưa nở mắt buồn xứ sở/đường không đi tới chợ/mà xuyên qua cánh đồng hoang/le le trốn câu hỏi cũ/rốn bùn sót lại dấu tay/áo vá mắt cay/ca dao chảy qua tim người lận đận” (Chiều màu đất)…
Viết về mỗi vùng miền, Lữ Mai luôn có ý thức làm sống dậy chiều sâu văn hóa, lịch sử, khơi gợi nỗi nhớ nhung, tiếc nuối và cả khát vọng về những vùng đất ấy. Địa danh đi vào thơ trở thành không gian ký ức, vọng động, lắng sâu.
Trên một ý nghĩa nào đó, có thể nói, thơ Lữ Mai là một “khảo cổ”, một bản đồ văn hóa bằng thơ về các địa danh: “gieo hạt lưng trời/đêm Đồng Văn chật hơn lòng núi/mỗi ánh sao rơi một mắt nhìn/sinh hoa trước khi sinh đá/kèn môi mở lối qua trời/trăng sườn non nhón hạt ngô rơi…/mắt sâu/vực núi/triệu năm/sương muối/thiên di” (Vực núi; về Hà Giang); “tiếng chim sâu gọi lúa trổ đòng/Đọi Sơn ôm trong lòng di chỉ/mùa gặt về chậm hơn nỗi nhớ/núi ngọc phật thiền giữa bụi nhân gian”(Lặng chín; về Hà Nam); “Một nắm đất nâu một dòng nước bạc/âm âm trống đồng đánh thức giấc mơ/lũ trẻ chân trần chạm vào huyền tích/cội đa buông rễ bồng bềnh…/lá cọ che mưa không che nỗi nhớ/ngửa bàn tay lên trời là thấy vỡ/còn bao nhiêu bậc đá tới đền/câu xoan mải tích trò cùng hoa đại…/-nhưng ai chèo đò đêm nay/-đến Sông Thao cũng chẳng còn nhớ nữa/chỉ câu hát vừa đợi người vừa ướt” (Mơ về cọ; về Phú Thọ).
Có cảm giác, nhân vật trữ tình trong mỗi bài thơ của Lữ Mai đang kể một câu chuyện thầm thì về văn hóa, về bản sắc. Đọc mới thấy, chị dụng công như thế nào trong chắt lọc và đồng hóa những đặc tính vùng miền bằng mỹ cảm thơ: “Hải Phòng giấu dịu dàng sau vỏ sắt/cười bằng môi mặn/bàn tay thô ráp vỗ ghe khuya” (Sóng thở); “Đất khởi sinh từ sóng/thuyền thúng xoay tròn đánh thức những vì sao/người Hà Tiên đọc thơ qua hương tóc/Mạc Cửu mơ hóa khói trong lòng/Chắc Băng mùa nước nổi/chèo qua bao dâu bể mặn mòi/lục bình lịm hồn xưa cũ/con nước về năm tháng lẻ loi” (Bình minh); “Con gái Chăm/mắt sâu giếng cổ Ghur/chiếc khăn đội đầu màu tro và lửa/nửa mặt hoang vu nửa mặt u sầu” (Mắt).
Không chỉ ghi dấu ấn ở mảng trữ tình - đời tư, thơ Lữ Mai còn để lại ấn tượng nổi bật ở mảng trữ tình thế sự - công dân. Có thể nói, Lữ Mai là một trong số ít các tác giả nữ vượt thoát khỏi lối viết tự tình cảm thương để chạm tới những câu chuyện mang ý nghĩa xã hội nhân sinh phổ biến. Một đặc điểm nổi trội trong Dắt nhau về cũ của Lữ Mai là cái nhìn thế sự.
Ẩn sau sự nhuần nhị giàu chất thơ của ngôn từ và hình ảnh luôn ẩn khuất những thao thiết về lịch sử và đất nước. Không phải ngẫu nhiên, trong thơ Lữ Mai, mỗi vùng đất luôn mang trên mình sự hào hùng và cả những vết thương quá khứ.
Bình Định là nơi “trẻ con ngủ mơ trống trận/ sáng dậy lắng tai nghe cỏ thì thầm…” (Miền cát dựng); Điện Biên “đào lớp đất cuối cùng/ khẩu lệnh còn dang dở/ bàn tay đang mở/ trắng cùng hoa ban.” (Chớp xanh); Quảng Trị “sông chảy bằng tiếng gọi người xưa/ mẹ ru con ngọt lời trăng trối…” (Chảy bằng tiếng gọi); Long An “Ánh chiều đọng trên cặp sừng ảo ảnh/ruộng thở đều, gió kể chuyện mùa xa/Vàm Cỏ òa giấc mơ cổ tích/mỗi nhịp nước dâng một lớp sử bồi về…/khi cần cười thì cười cạn đáy ly/khi cần khóc quay mặt về phía trước/nước giữ bí mật/như mẹ giữ tên cha/suốt bao mùa kháng chiến không về” (Theo sông)…
Cảm hứng trữ tình thế sự - công dân trong thơ Lữ Mai hình thành tự nhiên từ xúc cảm, không lên gân, lộ liễu, phô phang. Lữ Mai viết với tâm thế người nối dài lịch sử bằng cảm xúc, nỗi âu lo và trách nhiệm của người trẻ hôm nay: “mỗi ngày dõi Hoàng Sa/bằng con mắt Lý Sơn/ướp lặng thinh/bằng muối”(Ướp lặng thinh).
Đọc Dắt nhau về cũ, thấy bài nào của Lữ Mai cũng có những câu hay. Cá biệt, có khi cả bài hay, như Chảy bằng tiếng gọi: “Sông chảy bằng tiếng gọi người xưa/mẹ ru con ngọt lời trăng trối/gió thành cổ bóng hình áo vải/bước thầm nhớ gọi tên ai/buốt bờ Hiền Lương/máu nhỏ cờ lau xứ cát/gạch toác đêm bom nổ vội/mọi giấc mơ đều vướng mảnh xương trồi/sông cắt đôi tang trắng/em qua cầu chưa kịp gọi đã xa/người nằm xuống nơi này không có tuổi/cây thay lời lá thắp hồn xanh/chín trăm chín mươi bậc đá/không vắt lên trời mà bổi hổi lòng dân/gió Quảng Trị nơi hồi sinh tiếng đất/trong vết bom nở hoa tím không ngờ/thiếu nữ gánh rau ra chợ sớm/nhìn lên/rơm rớm/sắc cờ”.
Dắt nhau về cũ của Lữ Mai gắn kết tự nhiên câu chuyện địa danh, văn hóa, lịch sử với câu chuyện tình cảm và thân phận con người như một yếu tính cốt tủy của thơ. Không phải ngẫu nhiên, trong thơ Lữ Mai, nhân vật và đối tượng trữ tình luôn cùng đồng hiện trong niềm hạnh phúc, tự hào, sự day dứt, khổ đau, cùng yêu tận cùng niềm yêu dáng hình quê hương xứ sở, thương tận cùng niềm thương tổ quốc mẹ hiền.
Hình tượng mẹ - tổ quốc, mẹ - quê hương hiện ra như một biểu tượng, một mã ngầm xuyên suốt và đầy đủ về thân phận và hình dáng Việt Nam: “Gió thổi như mẹ về nhóm lửa/khom khom trong bóng mình…” (Gió Trảng Bàng); “Cửa Đại xóa chân người đến muộn/lụa Duy Xuyên không nhuộm nổi màu mưa/mẹ gánh cá trên vai/cha chèo thuyền ra sông khi con chưa kịp khóc…/từng vết sẹo đều khắc thời nổi bão/tiếng nặng vai mẹ gánh quê nghèo/xứđàn ông uống rượu với cơn giông/xứ đàn bà nói cười trong gió quất” (Day dứt)…
Dắt nhau về cũ phản ánh khá đầy đủ diện mạo thi pháp Lữ Mai. Hầu hết các bài đều được viết dưới thể thơ tự do với nét bút phóng khoáng. Sự thành thực của cảm xúc, lối biểu đạt cô đọng, giàu hình tượng tạo nên một lối thơ suy cảm đặc thù.
Lữ Mai có nhiều sáng tạo về ngôn từ, nhịp điệu song không đẩy đến mức cực đoan. Những biểu tượng xuất hiện với tần số cao như lửa đỏ, lá ngón, vàm sông, rừng đước, trống đồng, mắt Tày, lò gốm, gió biển… không chỉ là những chi tiết văn hóa, mà là cấu trúc biểu tượng xuyên suốt, tạo nên nhịp cảm xúc và chiều sâu ý nghĩa trong thơ.
Dắt nhau về cũ trình hiện một cái tôi trữ tình đa diện của Lữ Mai. Sự kết hợp nhuần nhị giữa tâm hồn nghệ sĩ lắng sâu, thái độ công dân và cảm quan văn hóa lịch sử độc đáo khiến Dắt nhau về cũ có khả năng khơi gợi và lan tỏa ở bạn đọc tình yêu quê hương, đất nước, con người. Khơi gợi và lan tỏa là bởi lẽ, nó được viết theo đơn đặt hàng của trái tim.