Đưa kịch sử Việt đến với khán giả trẻ
VHO - Giữa tuần qua, dù không phải là ngày nghỉ, nhưng khán phòng gần 700 ghế của Nhà hát Thanh niên (Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM) chật kín khán giả đến xem vở kịch lịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử. Chương trình do BQL Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia lăng Lê Văn Duyệt phối hợp với Nhà hát kịch IDECAF tổ chức công diễn.
Vở kịch do tác giả Phạm Văn Quý viết kịch bản và Võ Tử Uyên chỉnh lý; đạo diễn Hoàng Duẩn dàn dựng, cùng sự tham gia của các nghệ sĩ: Đình Toàn, Đại Nghĩa, Mỹ Duyên, Hoàng Trinh, Quang Thảo, Quốc Thịnh, Hòa Hiệp, Minh Trường, Nhã Thy…
Diễn miễn phí tác phẩm chào mừng Đức Tả quân tròn 260 năm tuổi
Ông Trần Văn Sung, Phó BQL, Trưởng Ban Quý tế Di tích xúc động chia sẻ: Năm 2024 là năm ghi dấu Tả quân Lê Văn Duyệt tròn 260 năm tuổi (1764-2024). Để tuyên truyền sâu rộng công đức của Tả quân, BQL Di tích phối hợp với Nhà hát kịch IDECAF tổ chức công diễn vở kịch về ngài, qua đó lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể đối với Lễ hội Khai Hạ - Cầu An tại lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Chúng tôi cho rằng, ngoài việc tôn vinh công đức của Tả quân, nhắc nhở các thế hệ đời sau hiểu sâu hơn về một bậc khai quốc công thần trên vùng đất Gia Định xưa, người có công mở mang bờ cõi, chăm lo cho dân, chúng tôi còn mong muốn khán giả mọi tầng lớp được tiếp cận nhiều hơn với các loại hình nghệ thuật, qua các cách thể hiện khác nhau về Đức Thượng công, như Hát bội, Cải lương và nay là Kịch nói…”, ông Trần Văn Sung bày tỏ, đồng thời cho biết, BQL Di tích sẽ ghi nhận ý kiến công chúng, nếu nhận thấy chương trình phát huy được các giá trị, tạo sức lan tỏa tích cực, BQL sẽ tiếp tục tổ chức thêm các buổi công diễn.
Cũng theo BQL, chương trình nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ Nhà hát kịch IDECAF, vì thế tổ chức suất diễn với mức giá ưu đãi. Vé xem kịch được phát hành công khai đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt.
Giám đốc Nhà hát kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn tâm sự: “Đã từ rất lâu, bản thân tôi và các nghệ sĩ đều mơ ước hình tượng Đức Ông Tả quân phải được xuất hiện trên sân khấu IDECAF, nay chúng tôi rất mừng vì đã có riêng một vở diễn kịch về ngài tại một nhà hát trẻ, với phần đông là khán giả thanh thiếu niên… Chính vì thế, nhân dịp năm ngài tròn 260 tuổi, Nhà hát phối hợp với BQL Di tích tổ chức suất diễn đặc biệt, với mong muốn cuộc đời và công đức của ngài sẽ được các thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn. Vở diễn như một nén tâm linh mà ê kíp nghệ sĩ, thành phần sáng tạo kính dâng lên Đức Thượng công của người dân Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM”.
Ông Huỳnh Anh Tuấn cho hay sẽ tổ chức một đợt biểu diễn tác phẩm này nhằm lan tỏa tinh thần yêu nước một cách sâu rộng và hiệu quả, nhất là đưa kịch sử Việt đến với khán giả trẻ.
Còn nguyên giá trị thời đại
Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt là người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi phía Nam, với sự khẳng khái của bậc công thần, ông không chịu khuất phục trước uy quyền, một lòng một dạ bảo vệ, chăm lo đời sống cho nhân dân.
Vở kịch tái hiện một phần cuộc đời của nhân vật được dân cung kính tôn xưng là “Đức Thượng công”, lấy bối cảnh khi Tả quân làm Tổng trấn Gia Định thành thời vua Minh Mạng. Theo đó, khi vua Gia Long qua đời, Minh Mạng lên nối ngôi. Để kìm bớt thế lực của Lê Văn Duyệt, vua rút ông từ Gia Định về Phú Xuân phò tá. Trước đó, ông là cánh tay đắc lực của vua Gia Long, xông pha trận mạc giúp vua lên ngôi. Khi làm Tổng trấn thành Gia Định, ông giữ cuộc sống luôn yên bình, được nhân dân tin tưởng, giúp Chân Lạp thoát khỏi sự quấy nhiễu của quân Xiêm La. Vắng ông, thành Gia Định trở nên lầm than, cướp bóc nổi lên khắp nơi, giặc ngoài nhăm nhe xâm lấn... Trước tình thế này, vua Minh Mạng đành chấp thuận cho Lê Văn Duyệt trở lại Gia Định làm Tổng trấn, đồng thời ngầm cho Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý theo dõi ông. Huỳnh Công Lý dù dưới quyền Tổng trấn Lê Văn Duyệt, nhưng lại có “thế” là quốc trượng, cha của Huệ Phi - người đẹp được nhà vua sủng ái. Vốn là tham quan, Huỳnh Công Lý ra sức hà hiếp dân lành, tham ô, ăn cắp của công…
Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử là vở sử Việt được đầu tư công phu, phần trang phục, đạo cụ, âm nhạc đều toát lên khí thế hào hùng, tươi mới, hấp dẫn qua từng cảnh diễn. Các diễn viên: Đình Toàn (vai Lê Văn Duyệt), Đại Nghĩa (vai Huỳnh Công Lý), Quang Thảo (vai vua Minh Mạng), Quốc Thịnh (vai Trương Tấn Bửu), Hòa Hiệp (vai Lê Văn Khôi)… đều hóa thân nhuần nhuyễn và diễn xuất thăng hoa, chạm đến trái tim khán giả.
Câu chuyện Tả quân xử án cha vợ của vua đã được nhiều sân khấu dàn dựng, thế nhưng với kịch nói, khai thác đối thoại đầy chất văn học và có những điểm nhấn, sự chỉnh lý kịch bản của Võ Tử Uyên đã làm cho câu chuyện đầy đặn hơn, đời hơn, khán giả dễ nắm được nội dung câu chuyện và biểu đạt của nhân vật cũng dễ gây cảm xúc hơn… Khán giả đã vỗ tay nồng nhiệt trước những câu thoại chạm đến vấn đề nhức nhối của xã hội đương thời, trong đó nhân vật điển hình là Huỳnh Công Lý, ỷ thế làm càn khiến dân tình ta thán khắp nơi.
Dù thời lượng đêm diễn kéo dài đến 150 phút nhưng khán giả vẫn nhiệt tình cổ vũ đến tận phút cuối cùng. Tác phẩm lôi cuốn người xem nhờ xây dựng câu chuyện kịch tính cũng như sự chắc tay của đạo diễn Hoàng Duẩn đối với một vở kịch lịch sử nặng ký… Bên cạnh đó, hiệu ứng từ Nhà hát Thanh niên khang trang vừa mới cải tạo và đưa vào sử dụng cũng góp phần “ghi điểm” trong lòng khán giả, trở thành một điểm hẹn văn hóa - nghệ thuật lành mạnh cho đông đảo tầng lớp nhân dân.