Mùa kịch thiếu nhi khởi động với “Bộ quần áo mới của hoàng đế”
VHO - Nhà hát Kịch Việt Nam vừa ra mắt chương trình nghệ thuật "Bộ quần áo mới của Hoàng đế". Ngay buổi đầu tiên ra mắt, "Bộ quần áo mới của hoàng đế" đã cuốn người xem vào không khí sôi nổi và được tương tác suốt chương trình, hứa hẹn cho một mùa kịch thiếu nhi hấp dẫn.
NSND Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn trở thành đơn vị đi đầu trong việc đáp ứng nhu cầu giải trí của thiếu nhi trong mùa hè này. Bộ quần áo mới của hoàng đế là một tác phẩm trọng điểm. Nội dung tác phẩm đã quen thuộc với khán giả Việt Nam, tuy nhiên Nhà hát Kịch mời đạo diễn Hiroyuki Muneshige dàn dựng, quả thực ông đã mang tới một cách kể chuyện đầy mới lạ, tạo hưng phấn cho ê kíp sáng tạo, đặc biệt là các diễn viên tham gia trong vở kịch”.
Bộ quần áo mới của hoàng đế là truyện cổ tích kinh điển của nhà văn Andersen kể về việc hai người thợ dệt hứa với hoàng đế rằng, họ sẽ dệt cho ông một bộ y phục mà khi ông mặc vào thì những kẻ ngu ngốc, bất tài hoặc bất xứng với địa vị của họ sẽ không thể nhìn thấy. Khi hoàng đế mặc bộ y phục mới này diễu hành trước thần dân của ông thì không ai dám nói rằng họ không nhìn thấy bộ quần áo nào. Chỉ khi một đứa trẻ kêu lên “Hoàng đế không mặc quần áo” thì mọi chuyện mới vỡ lẽ…
Thông qua ngôn ngữ dí dỏm, hài hước, truyện mang đến các em nhỏ bài học về lòng trung thực, dũng cảm nói lên sự thật. Truyện ngắn Bộ quần áo mới của hoàng đế đã được dịch sang hơn 100 ngôn ngữ và được chuyển thể sang nhiều thể loại khác nhau như phim, phim hoạt hình, kịch, nhạc kịch, ballet, ca khúc...
Ở phiên bản của Nhà hát Kịch Việt Nam, tác giả Minh Nguyệt đã viết kịch bản phỏng tác câu chuyện, với nhiều thay đổi mới mẻ và phù hợp với khán giả nhí hiện nay. Vở kịch kể về hoàng đế có sở thích diện y phục mới đến mù quáng, xoay quanh hoàng đế chỉ chú trọng chưng diện, không quan tâm tình hình các địa phương trên đất nước đang hạn hán, lũ lụt.
Đặc biệt, đạo diễn Hiroyuki Muneshige tạo dấu ấn mới khi thể hiện tác phẩm bằng nhiều ngôn ngữ mang tính giải trí cao, như kịch nói, kịch câm, vũ đạo, âm nhạc, ánh sáng…
Truyện kịch được hai nhân vật đối lập Tròn và Dẹt dẫn dắt. Đây cũng là những nhân tố tương tác nhiệt tình với các em nhỏ. Ngoại trừ các nhân vật hoàng đế, tể tướng và quan nội thần là cố định, còn các diễn viên khác biến hóa linh hoạt, khi thì là quân lính, khi là thần dân, lúc lại là nhóm thợ may…
Đặc biệt, điều gây tò mò nhất trong chương trình này là cách đạo diễn và ê kíp hóa giải tình huống hoàng đế mặc bộ trang phục mới - thực ra là không mặc gì - trên sân khấu. Khán giả, nhất là các bạn nhỏ, sẽ cười sảng khoái và tha hồ tưởng tượng trong tình huống này.
Bộ quần áo mới của hoàng đế có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Kiều Minh Hiếu, nghệ sĩ Hồ Liên, Hồng Quang, Hoàng Nhật, Thu Hồng, Xuân Nam, Ngân Hoa…
Đảm nhận vai Hoàng đế, NSƯT Kiều Minh Hiếu, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, anh mất gần 1 tháng để luyện tập vai diễn này. Vai diễn này không khó nhưng lại mang đến nhiều cảm xúc mới mẻ, nhất là khi được diễn cho các khán giả nhí xem… nên anh cảm thấy có nhiều hứng thú.
Cùng với Kiều Minh Hiếu, dàn diễn viên tham gia các nhân vật trong vở kịch cũng mang tới một phong cách biểu diễn khá mới mẻ đối với chính những sở trường của từng người. Các nghệ sĩ có cơ hội khám phá khả năng diễn hài cho tới diễn hình thể, với cách biểu diễn đầy phóng khoáng, hài hước và phù hợp với đối tượng khán giả trung tâm là trẻ em.
Chương trình sẽ chính thức biểu diễn phục vụ khán giả từ ngày 20.5 đến 1.6, tại Nhà hát Star Galaxy (87 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội).
Ngoài ra, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ cho ra mắt vở kịch Rồng thần trở lại do bộ đôi NSND Xuân Bắc và NSND Tự Long dàn dựng dịp quốc tế thiếu nhi. Đây là phiên bản sân khấu đặc sắc từ tác phẩm truyện, phim đình đám Bảy viên ngọc rồng được thể hiện dưới góc nhìn mới mẻ nhưng cũng không kém phần hài hước, dí dỏm của các nghệ sĩ.